(Tổ Quốc) - Những quyết định áp dụng công nghệ được cho là kiểm soát học sinh của nhà trường đã vấp phải không ít lời bàn cãi từ cộng đồng.
Những ngày gần đây, trường Tiểu học Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã khiến dư luận sững sờ khi lộ ra hình ảnh học sinh ở đây bị bắt đeo "vòng kim cô" thời 4.0. Theo họ, đây là biện pháp để quản lý và đánh giá học sinh dựa vào công nghệ quét sóng não từ xa, giúp uốn nắn và kiểm soát hành vi của các em tại trường học.
Được biết, hệ thống lắp đặt bên trong chiếc vòng không dây công nghệ cao này được thiết kế để đọc các dao động thần kinh bên trong bộ não người đeo, từ đó có thể đưa ra kết luận chủ nhân có đang tập trung học hành trong lớp và làm bài tập hay không. Thậm chí, những tín hiệu sóng não này sẽ được chuyển đổi thành điểm số tương ứng, sau đó truyền dữ liệu tới máy tính của giáo viên để tổng hợp và báo lại cho phụ huynh.
Chiếc vòng công nghệ quét sóng não gây tranh cãi.
Quyết định quản lý học sinh bằng vòng công nghệ này đã làm dấy lên rất nhiều câu hỏi cũng như luồng tranh cãi trong dư luận Trung Quốc. Liệu nó có thật sự được kiểm chứng chất lượng trên cơ sở khoa học chính xác? Liệu quyền riêng tư cũng như tính cách của học sinh ở lứa tuổi này có bị ảnh hưởng? Và trên hết, liệu đây có thật sự là hành động được phép thực hiện và diễn ra?
Ngọn nguồn và tác dụng về chiếc "vòng kim cô" cho học sinh
Được gọi chung với cái tên "vòng đeo Fusi", sản phẩm này không thật sự quá mới mẻ trên thị trường. Được sản xuất và thử nghiệm bởi BrainCo, sản phẩm này đã được đưa vào quảng bá thương mại ở Mỹ trước đây, đồng thời một trường tiểu học khác ở Thượng Hải cũng đang áp dụng một loại hình thiết bị tương tự cho học sinh. Tháng 7 vừa rồi, BrainCo còn tổ chức một buổi trình diễn sản phẩm ở Thâm Quyến (Trung Quốc) để giới thiệu chi tiết hơn.
Theo báo cáo thử nghiệm của BrainCo, chiếc vòng này có thể giúp cải thiện mức độ tập trung cũng như hiệu quả học tập của học sinh. Trong trường hợp cụ thể tại trường Tiểu học Kim Hoa, các giáo viên cũng đã có những phản hồi nhất định về việc học sinh tỏ ra nghiêm túc hơn nhiều trong lớp và trả lời phát biểu dõng dạc hơn bình thường khi được hỏi.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ học sinh cần phải biết cách thật sự biết cách chủ động chuyên tâm vào việc học, chứ không phải cố tình tỏ ra tập trung một cách gượng ép do đang bị bắt đeo vòng. Đây có thể chỉ là hiệu ứng tâm lý đi kèm, bởi việc đeo vòng sẽ tạo ra những áp lực nhất định về việc phải tỏ ra ngoan ngoãn, không được phép trái lời hoặc làm bất cứ thứ gì gây ra dữ liệu tiêu cực cho điểm số đánh giá của vòng đeo. Thậm chí, có khi chẳng cần mua một chiếc vòng công nghệ cao thật sự, chỉ cần lấy một mô hình giả ra cho học sinh đeo cũng có thể tạm thời "đánh lừa" tâm lý và khiến cả lớp tập trung học hơn bình thường.
Công nghệ đọc sóng não/điện tâm đồ từ lâu đã không còn quá xa lạ trong cuộc sống, xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực y tế.là chủ yếu. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng có thể được dễ dàng ứng dụng rộng rãi dưới hình thức một chiếc vòng di động không dây dùng để đeo đầu nhỏ gọn, đơn giản.
Cụ thể, lãnh đạo khoa Khoa học tâm thần tại Đại học California đã từng khẳng định công nghệ này có rủi ro sai số khá cao khi thực hiện đo đạc trong môi trường không ổn định ngoài thực tế đời sống. Ngoài ra, thiết bị đo sóng não chuẩn cần khá nhiều điện cực tiếp nhận dữ liệu, trong khi chiếc vòng kể trên chỉ có 3 mối điện cực. Vì vậy, đối với bối cảnh phức tạp của một lớp học thông thường, kết quả thu được tử chiếc vòng trên đầu học sinh được cho là không đáng tin cậy.
Kiểm soát hành vi học sinh như vậy là hành động trái với lẽ thường
Kể cả khi những chiếc vòng trên được chứng minh đem lại kết quả chính xác, tầm ảnh hưởng sâu xa của chúng lên quyền riêng tư của các em học sinh vẫn là một vấn đề được tranh cãi rất nhiều.
Đáp lại những nghi vấn này, Han Hao - sáng lập công ty BrainCo - cho rằng sản phẩm vòng công nghệ của họ đang bị nhiều người hiểu nhầm bởi "nó thực chất được dành cho mục đích củng cố sự tập trung, không phải kiểm soát hành vi hay tinh thần học sinh."
Dù vậy, nhiều người vẫn phản bác ý kiến đó và coi đây chỉ là hình thức nói giảm nói tránh. Thử đặt mình vào vị trí của các em học sinh, mọi diễn biến tâm lý sẽ bị vòng ghi lại và chuyển thể thành điểm số đánh giá hành vi như một cách xếp hạng môn học và gửi tới bố mẹ - chẳng khác gì một cách kiểm soát gián tiếp. Khi đó, không gian riêng của các em sẽ bị phá vỡ, suy nghĩ bị lệ thuộc vào chiếc vòng mọi lúc mọi nơi vì phải cố gắng sao cho không bị chấm điểm thấp.
Việc mất tập trung trong giờ học cũng không phải một thứ quá ghê gớm đến nỗi phải triệt tiêu hoàn toàn ở độ tuổi nhỏ. Theo khía cạnh tâm lý học, phản ứng mất chú ý vào việc đang làm là một hiện tượng hết sức bình thường, thậm chí có thể giúp giảm stress và thư giãn tinh thần.
Nhìn chung, nếu như chưa có bất kỳ kết luận chính thức nào từ giới khoa học, phần lớn cộng đồng đều cho rằng không có lý do nào để học sinh tại Tiểu học Kim Hoa bắt buộc phải đeo vòng công nghệ để phục vụ mục đích quản lý từ xa của giáo viên.
Hà Thu