(Tổ Quốc) - Đôi khi có những nhược điểm của Apple lại xuất phát từ thiện chí bảo vệ môi trường của họ, không hề vô tâm như nhiều người nghĩ.
Đã gần nửa năm 2019 trôi qua nhưng những vấn đề về môi trường vẫn đang ngày một trở nên tiêu cực và nặng nề hơn trong nhiều khía cạnh. Vì vậy, không khó hiểu khi các chiến dịch bảo vệ môi trường ngày một nổi lên rầm rộ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ khi nhiều thành phần độc hại vẫn được ứng dụng vào sản phẩm. Trong đó, nhựa chính là vấn đề nhức nhối nhất mà nhiều người gọi tên, không chỉ xuất hiện ở các hộp đựng mà trong cả những chiếc smartphone chúng ta dùng hàng ngày.
Ít người biết nhưng Apple chính là thương hiệu đi đầu góp phần hướng đến một thế giới xanh thông qua từng thay đổi trong cách làm sản phẩm, thậm chí hạ thấp chất lượng của chính mình. Thay vì vội vàng chỉ trích những thiết kế iPhone mới không vừa mắt, tại sao không thử nghía qua những nỗ lực thực sự đáng kể của họ sau đây, đã được thực hiện và áp dụng nhiều năm nay nhỉ?
Thay đổi hộp nhựa đựng tai nghe
Trước đây, một chiếc iPhone mới "full box" luôn được tặng kèm một cặp tai nghe EarPod có dây, đựng trong một hộp nhựa trắng đặc trưng được cuốn cẩn thận. Sau nhiều năm cảm thấy đó không phải một lựa chọn đúng đắn với môi trường, Apple đã quyết định thực hiện một thay đổi lớn vào năm 2016: Thay đổi toàn bộ hộp nhựa đựng tai nghe sang hộp giấy.
Hộp nhựa ngày trước (trái) và hộp giấy để cuộn tai nghe (phải)
Sau khi nhận thấy doanh số cũng như số lượng iPhone khổng lồ được bán ra, việc phân phối bấy nhiêu chiếc hộp nhựa đi kèm đã khiến Apple nhận thấy cần tính toán nhiều hơn về ảnh hưởng tới môi trường. Thời điểm chuyển giao giữa thế hệ iPhone 6S và iPhone 7 được chọn để thực hiện chiến dịch này, với sự xuất hiện lần đầu của hộp giấy đựng tai nghe vào năm 2016 khi iPhone 7 chính thức mở bán.
Apple cho biết con số 200 triệu chiếc iPhone 6S bán ra vào năm 2015 đã làm họ thực sự sửng sốt và phải suy nghĩ lại về những hệ quả đi kèm. Trước năm 2016, họ thường dùng 2 tấm lót nhựa để khuôn đựng thành các ngăn trong hộp iPhone, chưa kể cả hộp nhựa cho tai nghe. Tới năm 2016, hộp iPhone 7 chỉ còn 1 tấm lót làm bằng loại chất liệu đặc biệt từ sợi gỗ pha với nhựa, khiến chúng dễ bị phân hủy hơn; hộp đựng tai nghe thì chuyển thành gói bằng giấy. Vì vậy, nhu cầu dùng nhựa gói hộp của Apple kể từ đó đã giảm 84% so với trước.
Thực chất, cách thức dùng giấy để làm gói giấy đựng tai nghe đã được Apple nghĩ ra và ứng dụng vào năm 2012, nhưng chỉ cho iPod. Thời gian thử nghiệm để gói giấy phân hủy trong nước là rất nhanh, có thể tan rã chỉ trong vài phút ngập nước, hoàn toàn vô hại với môi trường.
Hộp giấy để cuộn tai nghe và cảnh thử nghiệm phân hủy trong nước của hộp giấy này.
Chất liệu linh kiện làm tai nghe
Không chỉ cải thiện hộp đựng mà cả linh kiện nằm trong những chiếc tai nghe đặc trưng của Apple cũng được tính toán và thay đổi đáng kể, xuất phát cùng vào năm 2012 khi những chiếc gói giấy cuộn tai nghe của iPod ra đời.
Như mọi chiếc loa/tai nghe khác, các thành phần quan trọng bắt buộc phải có là màng loa, cuộn điện cảm ứng, nam châm vĩnh cửu... Trong đó, màng loa của EarPod đã được làm ra với cấu tạo hỗn hợp bởi cả giấy và nhựa polymer bọc xung quanh. Dù chưa hẳn thân thiện hoàn toàn nhưng cũng được cải thiện hơn nhiều so với việc dùng hoàn toàn nhựa 100% trước đó.
Phần màng loa được cải tiến kết hợp giữa giấy và một phần nhựa, không phải nhựa hoàn toàn như trước.
Những thay đổi này đã được áp dụng ngay từ năm 2012, tức gần 7 năm trước, và vẫn ngày một cải tiến cho tới hôm nay. Điều này cho thấy tầm nhìn về môi trường của Apple rất đáng ghi nhận và vượt xa những đối thủ khác.
Cáp sạc và hiểu lầm của người dùng
Từ trước tới nay, những sợi dây cáp sạc của Apple luôn chịu nhiều điều tiếng về chất lượng bền bỉ, mặc cho vẻ ngoài trắng thanh thoát nổi bật của mình. Những khung cảnh dây cáp sạc iPhone bị đứt gãy, hở đầu mối nối và vô vàn ti tỉ những lý do khác cứ thế được thêm vào và không còn xa lạ gì. Đặc biệt, phần đầu nhựa cứng thường xuyên bị gãy gập và cắt vào lớp cao su mỏng khiến chúng toác ra có lẽ là trường hợp xuất hiện nhiều nhất.
Vậy tại sao Apple không bắt chước theo nhiều thương hiệu khác, đổi mới cách làm dây sạc với một lớp vải cách điện hoặc cao su dày hơn để bảo vệ cứng cáp? Chẳng phải như vậy sẽ loại bỏ được nguy cơ lớp cao su mềm bên ngoài bị đứt gãy không mong muốn hay sao?
Thì ra, tất cả lại đến từ những tính toán sâu xa của Apple về tác hại đối với môi trường, nhất là hậu quả khi dùng nhiều nhựa PVC - chất liệu phổ biến nhất hiện nay trong công nghiệp sản xuất. Ít người biết Apple đã quyết định loại bỏ dần việc sử dụng nhựa PVC từ những năm 1990, sau đó là chấm dứt hoàn toàn vào năm 2010. Trong sự kiện ra mắt iPhone 4, Apple khẳng định không một phần tử nhựa PVC nào có mặt trong chiếc iPhone này.
Thời gian phân hủy nhựa PVC trong tự nhiên có thể lên tới 500 năm hoặc lâu hơn, là một mối nguy đối với môi trường sống trong tương lai của con người nếu không được xử lý đúng cách. Dù dây sạc Apple vẫn làm từ nhựa nhưng với hàm lượng ít hơn nhiều so với các thương hiệu khác. Trong tương lai, có lẽ Apple sẽ dần phát minh và ứng dụng thêm các vật liệu mới để tăng cường độ bền cho cáp sạc, còn ít nhất chúng ta cũng nên cảm ơn họ vì những cố gắng bảo vệ môi trường mà dám đánh đổi cả chất lượng sản phẩm như trên.
WeDo Cuộc Chiến Trộm Nhựa (nằm trong khuôn khổ WeChoice) là một thử thách môi trường hoàn toàn khác mang trong mình sứ mệnh của các "phản anh hùng" bất bình với thực trạng rác nhựa.
Chiến dịch gồm chuỗi 30 thử thách nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ. Cuộc Chiến Trộm Nhựa đã chính thức bắt đầu, cùng theo dõi các thông tin từ chương trình tại website: https://cuocchientromnhua.wechoice.vn/ và đừng quên tham gia để có cơ hội trở thành những Kẻ Trộm Nhựa đình đám - những hiệp sĩ bảo vệ môi trường nhé!
Hà Thu