(Tổ Quốc) - Đó không phải một thành tích đáng ngưỡng mộ, mà chỉ là bằng chứng cho thấy bạn đang thiếu kiến thức trầm trọng về việc tự bảo vệ bản thân.
Độ bền của những thiết bị công nghệ ngày nay đã đạt tới mức khá hoàn thiện, những thế hệ cao cấp mới nhất có thể phục vụ nhu cầu của người dùng trong ngót nghét chục năm. Đó là sự thật không hề được nói quá hay phóng đại, dĩ nhiên vẫn cần xét thêm cả những yếu tố chủ quan và khách quan khó lường trong thời gian sử dụng.
Tuy nhiên, giả sử như bạn vẫn đang gắn bó với một chiếc smartphone đã 4-5 năm tuổi một cách ngon lành, đừng vội khoe khoang và quá tự hào về thành tích rằng mình là một con người tiết kiệm, khôn ngoan và cả may mắn nữa. Trái lại, tình trạng đó lại đem đến nhiều rủi ro và nguy cơ khôn lường hơn bạn tưởng.
Bất kể bạn dùng iPhone hay các dòng điện thoại Android, không một thiết bị nào có thể trường tồn mãi mãi và thoát khỏi quy luật này. Thế hệ smartphone càng cũ và tụt hậu so với thời đại, chúng sẽ càng khó nhận được hỗ trợ từ các bản cập nhật phần mềm mới nhất và khả năng bị xâm nhập và đánh cắp, lợi dụng dữ liệu bởi kẻ xấu cảng lớn. Đây là kết luận chính thức từ nhiều chuyên gia an ninh trên thế giới.
Đối với iOS, vòng đời nhận được cập nhật hệ điều hành mới nhất có thể lên tới 5 năm. Chẳng hạn, thế hệ iPhone cũ nhất hiện nay có thể nhận update iOS 14 trong năm 2020 này là iPhone 6S, ra mắt cách đây đúng 5 năm. Còn lại các đời iPhone 6 và cũ hơn trở về trước, Apple sẽ không hỗ trợ update nữa bởi cấu hình không cho phép, thiếu phù hợp với tiêu chuẩn hiện tại.
Đối với Android, ngoại trừ việc sử dụng dòng smartphone Pixel do tự tay Google sản xuất, còn lại hầu hết các máy từ thương hiệu khác chỉ nhận được update thường xuyên trong vòng 2-3 năm, sau đó sẽ dần bị "bỏ rơi" và không được quan tâm như trước. Lý do người dùng Android không được may mắn như vậy là bởi nhược điểm cố hữu trong khâu liên kết hợp tác với Google - chủ sở hữu Android gốc. Cụ thể, nếu những đối tác như Samsung, Xiaomi,... muốn được Google cho phép cập nhật Android mới tới người dùng, họ phải trải qua các công đoạn rất rườm rà và phức tạp, khiến tần suất ngày một chậm trễ và không đáp ứng nhu cầu chung.
Hiện tại chỉ dòng Google Pixel do chính Google sản xuất mới nhận được cập nhật Android thường xuyên kịp lúc.
"Không chỉ máy tính, cả các thiết bị smartphone quá cũ và không nhận được cập nhật hệ thống mới cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Không có biện pháp tự bảo vệ ngay từ gốc, khiến cho nhiều lỗ hổng lộ ra và dễ dàng bị khai thác bởi những kẻ xấu. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có chương trình diệt virus nào được phát triển dành cho smartphone để chủ động cài đặt cả," trích lời Brian Higgins, chuyên gia bảo mật tại Comparitech.com.
Thử tưởng tượng một ngày những dữ liệu như tin nhắn, thư viện ảnh và video, tài khoản trong app ngân hàng và thanh toán online... đều bị lấy cắp và lợi dụng, chắc chắn bạn chỉ còn biết nói câu "Giá như...". Nếu không muốn viễn cảnh đo xảy ra, việc cần làm duy nhất là ghi nhớ thời điểm cần thiết để đổi smartphone đúng lúc. Đừng nghĩ rằng tiết kiệm dùng máy cũ thêm vài năm là khôn ngoan, vẫn còn đó có những góc khuất nguy hiểm ẩn giấu mà chúng ta không thể nhìn ra được.
Mọi chiếc smartphone bị bỏ bê lâu năm và không được hỗ trợ update chắc chắn là mối quan ngại lớn, không được bảo vệ đúng mức trước những nguy cơ bị hack. Các kết nối qua tin nhắn thông thường hay các app trò chuyện online đều ẩn chứa nhiều rủi ro không thể lường trước, chưa kể có những kẻ tìm cách qua mặt Apple và Google, tải được ứng dụng lên bày tràn lan trên AppStore và PlayStore. Có thể thấy tuổi thọ thực sự của smartphone nay nên được tính bằng thời gian nhận được hỗ trợ theo từng năm, không phải sự bền bỉ lý thuyết. Kể cả khi tự hào với một chiếc iPhone đã dùng trên 5 năm, điều đó không hơn gì ngoài một con số lý thuyết cứng nhắc đi kèm với cả loại vận xui đang chờ ập xuống đầu bạn.
CN