(Tổ Quốc) - Việc bố mẹ thường xuyên hối thúc con “nhanh lên” có thể gây ra nhiều tác hại đến tâm lý và sự trưởng thành của những đứa trẻ.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tạp chí nuôi dạy con cái "AERA with Kids" của Nhật Bản cho thấy: Tới 80% phụ huynh thường xuyên giục con "nhanh lên" nhiều lần mỗi ngày. Điều này xảy ra khi cả nhà cần đi ra ngoài, khi con làm bài tập về nhà vào buổi tối, hay khi con phải thu dọn đồ chơi, tắm rửa, đi ngủ,...
Bố mẹ cứ liên tục hối thúc, còn con cái thì uể oải, chậm chạp… Đây là vấn đề mà rất nhiều gia đình gặp phải. Tuy nhiên, bố mẹ có thực sự nắm được rõ bản chất và tác động của việc thường xuyên thúc giục con cái?
Chậm chạp là quy luật khách quan trong sự trưởng thành của trẻ
Bố mẹ thường không thích con cái chậm chạp. Vậy nên hay mất bình tĩnh với con. Tuy nhiên sự chậm chạp vốn là quy luật khách quan trong sự trưởng thành của con trẻ. Người lớn nhiều khi đang áp đặt suy nghĩ, thói quen và cả tốc độ giải quyết công việc của mình lên trẻ.
Từ 1-6 tuổi là giai đoạn trẻ khám phá và nhận thức. Đây là giai đoạn rất quan trọng, trẻ luôn tò mò về đủ thứ, muốn nhìn, chạm, nếm và chơi theo cách riêng của mình. Trong quá trình này trẻ suy nghĩ và nhận thức mọi thứ, rèn luyện khả năng tập trung, trí tưởng tượng. Tất nhiên, quá trình này cần có thời gian.
Ở độ tuổi còn quá nhỏ, khả năng nhận thức và giải quyết các vấn đề của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Nhiều việc người lớn có thể xử lý dễ dàng, nhanh chóng, nhưng với trẻ thì không. Bởi trẻ cần có thời gian để tìm hiểu, khám phá. Ví dụ, khi một đứa trẻ 2 tuổi ăn chậm, nhai rất lâu thì có thể bé đang từ từ cảm nhận những thay đổi về mùi vị của thức ăn trong miệng và cảm thấy vui vẻ với những cảm nhận đó.
Hay khi một đứa trẻ 3 tuổi loay hoay mặc quần áo, có thể trẻ chưa thành thạo các bước mặc quần áo, và cần luyện tập nhiều hơn để tăng tốc độ... Trong quá trình đó, nếu bố mẹ luôn thúc giục sẽ làm gián đoạn quá trình nhận thức, khám phá của trẻ, phá hủy sự tập trung và hứng thú.
Cuộc sống vốn bận rộn nhưng để tốt cho con trẻ, bố mẹ cần bĩnh tĩnh và sống chậm lại. Khi không bị hối thúc, trẻ sẽ có nhiều không gian để phát triển hơn, tự tìm ra cách hòa nhập với nhịp điệu cuộc sống xung quanh. Từ đó trẻ có thể có nền tảng tốt cho việc học tập và rèn luyện độc lập trong tương lai.
Bố mẹ càng thúc giục, con trẻ càng trở nên chậm chạp
Một bà mẹ ở Trung Quốc đã kể lại trải nghiệm của mình để cảnh báo các bậc phụ huynh khác tác hại của việc thúc giục con. Theo đó, con trai chị từ nhỏ đã không hay tập trung. Khi ăn uống hay làm bài tập, cậu bé thường nghịch cái này, sờ cái kia. Cũng vì vậy mà bà mẹ mất bình tĩnh, thường xuyên nổi nóng và thúc giục con.
Đến khi cậu bé vào cấp 2, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Cậu lúc nào trông cũng thiếu sức sống và phản ứng với mọi thứ rất chậm. Thậm chí em sẽ chẳng làm gì nếu mẹ không hối thúc, từ những việc nhỏ như làm bài tập về nhà, đi ngủ,...
Thực tế bố mẹ càng thúc giục thì trẻ sẽ càng chậm chạp và lười biếng hơn. Đây là một hiện tượng rất phổ biến bởi khi bố mẹ quanh năm cằn nhằn, trẻ sẽ dần quen với khuôn mẫu này. Thậm chí trẻ bắt đầu ỷ lại, chờ bố mẹ giục đã rồi mới làm. Không chỉ vậy, trẻ còn lười suy nghĩ, thiếu tinh thần trách nhiệm và khả năng tự lập.
Trong nhiều trường hợp, trẻ nảy sinh tâm lý nổi loạn, thách thức. Bố mẹ càng giục, trẻ càng chây ì. Về điều này, các chuyên gia tâm lý trẻ em cho biết: Việc bố mẹ thường xuyên thúc giục có thể gây ra tính cách cáu kỉnh và thiếu tự tin của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.
4 cách giáo dục chuẩn giúp bố mẹ "đánh bay" vấn đề đau đầu
Nếu không thúc giục thì bố mẹ sẽ làm cách nào để con cái và bố mẹ có thể bắt kịp nhịp độ của nhau?
1. Học cách nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của trẻ và tìm ra bản chất của vấn đề
Như ví dụ nói ở trên, khi trẻ ăn chậm, mặc quần áo chưa thành thạo,... bố mẹ có thể cho con thêm thời gian và cơ hội để luyện tập. Dần dần con sẽ tiến bộ một cách tự nhiên. Nếu quá vội thì bố mẹ có thể giúp con một nửa. Con sẽ tự mặc quần, còn bố mẹ sẽ giúp con mặc áo và đổi lại quy trình vào lần sau.
Nếu con làm bài tập chậm, bố mẹ có thể trao đổi nhiều hơn với con để biết được con đang vướng mắc ở đâu, chỗ nào khiến con thiếu tự tin,... Chỉ khi tìm ra nguyên nhân sâu xa gây nên vấn đề của trẻ và "kê đúng thuốc" thì mọi thứ mới có thể giải quyết triệt để. Tóm lại, bố mẹ nên hợp tác, chỉ dẫn con cách giải quyết vấn đề thay vì chỉ thúc giục và chỉ trích con.
2. Trau dồi khái niệm về thời gian cho trẻ
Trẻ 2-3 tuổi căn bản chưa có khái niệm về thời gian và tốc độ. Bố mẹ có thể luôn vội vàng tìm cách giải quyết nhanh gọn các vấn đề, nhưng trẻ không hiểu tại sao phải thế.
Trẻ đến 5-6 tuổi vẫn chưa có ý thức rõ về độ dài của thời gian, nhưng có thể rèn luyện khả năng nhận thức và kiểm soát thời gian. Do đó, hãy đưa trẻ đến cửa hàng để chọn một chiếc đồng hồ báo thức và dạy các khái niệm thời gian.
Hàng ngày, bố mẹ hãy sử dụng các thông tin về thời gian cụ thể, chẳng hạn như "con có thể chơi thêm 10 phút nữa", "con có thể đến trường sau 2 phút nữa"… Ngoài ra, bố mẹ có thể cùng con chơi một số trò chơi tính thời gian. Chẳng hạn trong vòng 1 phút xem ai xếp được nhiều khối hơn, hoặc giao nhiệm vụ trong một thời gian xác định như hoàn thành một câu đố trong 5 phút, hoàn thành bài tập về nhà trong nửa giờ và nhiều hơn nữa.
Bằng các cách kể trên, trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống hàng ngày và hiểu rõ về các khoảng thời gian như sáng và tối, 5 phút, nửa tiếng và 1 tiếng. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức thời gian rõ ràng hơn. Hãy từ từ để trẻ có thêm cơ hội kiểm soát thời gian, dần dần trẻ sẽ năng động và tự giác hơn.
3. Xây dựng thói quen sinh hoạt và học tập đều đặn
Trẻ dưới 3 tuổi chủ yếu cảm nhận thời gian từ các hoạt động quen thuộc hàng ngày. Cách tốt nhất để giúp trẻ quen với khái niệm thời gian là tổ chức các hoạt động ăn, ngủ và chơi,... vào những giờ cố định.
Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể xây dựng một lịch trình phù hợp, như khi nào thì làm điều gì và thời gian thực hiện trong bao lâu. Những việc làm thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ giúp trẻ hình thành sự mong đợi, nuôi dưỡng cảm giác an toàn và ý thức về thời gian, đồng thời hình thành thói quen sống tốt.
Đối với những việc cụ thể, bố mẹ hãy sử dụng các quy tắc thay vì cằn nhằn và thúc giục trẻ. Ví dụ, khi trẻ vừa ăn vừa chơi, bố mẹ có thể đưa ra thỏa thuận như: "Con phải ngồi vào bàn trong bữa ăn, và làm những việc khác sau khi ăn xong".
Bố mẹ cũng có thể sử dụng "phương pháp hậu quả tự nhiên" để trẻ tự rút ra được bài học. Ví dụ, khi con đi ngủ muộn, sáng hôm sau sẽ dậy muộn và trễ giờ đi học. Hay khi con vừa làm bài tập vừa chơi thì sẽ muộn giờ ăn bữa tối và đi ngủ muộn... Từ đó để trẻ tự dần dần điều chỉnh nhịp điệu và hình thành thói quen tốt trong luyện tập và trải nghiệm.
4. Cha mẹ làm gương và đem đến ảnh hưởng tích cực cho con cái
Có một câu nói rất đúng: "Khi bạn không thể thay đổi một ai đó, bạn có thể ảnh hưởng đến anh ta". Hình mẫu của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự trưởng thành của trẻ.
Các bậc cha mẹ có thể bắt đầu từ quan điểm này và sử dụng hành động của chính mình để thúc đẩy con cái có những thay đổi tích cực. Trẻ thường hành động chậm chạp, bố mẹ có thể đặt mình vào tình huống của con, giải quyết vấn đề để trẻ bắt chước.
Tóm lại, bố mẹ cần có đủ tầm quan sát và thấu hiểu con cái, sẵn sàng học hỏi và kiên nhẫn hướng dẫn cho con thì sẽ không còn phải đau đầu hối con "nhanh lên" mỗi ngày.
Lưu Thoa