(Tổ Quốc) - Tất cả mọi thứ trong nhà đều phải cất cao, khóa kỹ nếu không muốn trở thành đồ bỏ đi, thế nhưng nhiều lúc con gái khiến mẹ xây xẩm mặt mày.
Trong quan niệm của nhiều người, con trai thích chạy nhảy, hay nghĩ ra những trò quậy phá tanh bành nhà, còn con gái sẽ luôn dịu dàng, đáng yêu và quanh quẩn với mấy trò chơi nữ tính như búp bê, tô vẽ, múa hát... Nhưng thực tế thì giới tính không quyết định đến sự hiếu động, nghịch ngợm của các con.
Điển hình như trường hợp của chị Đặng Ngọc Hân, hiện sinh sống tại Phú Thọ. Con gái chị là Nguyễn Ngọc Kim Anh, sinh năm 2015. Dù mới hơn 4 tuổi nhưng những chiến tích của cô bé khiến mẹ bao lần phải than trời.
Mới đây, chị Hân chia sẻ câu chuyện của con gái Kim Anh khiến không ai nhịn được cười: "Nghe nói có con gái thích lắm. Đây là tác phẩm "Mẹ môi" của con gái mình đây. Nhìn con mà vừa tức vừa buồn cười.
Nguyên cả thỏi son của mẹ, con lấy quét lên mặt và thêm ông anh họ bằng tuổi con sau đó đánh lên tường nhà. Mình mắng con thì con bảo “Ai bảo mẹ không cất lên cao".
Bị mẹ quát nhưng vẫn chống chế "Ai bảo mẹ không cất lên cao".
Hóa ra trong lúc tìm đồ chơi, cô bé Kim Anh hí hoáy lấy luôn thỏi son của mẹ để tô vẽ lên mặt. Vụ việc khiến cho chị Hân hì hục lau mãi mặt cho con mới sạch. "Son khó trôi mà mình lại quên không mang bông tẩy trang về quê. Rửa bằng sữa rửa mặt và lau bằng khăn đến đỏ ửng cả mặt con mới sạch vết son", chị Hân kể lại.
Theo giải thích của chị Hân, sở dĩ con bảo "Mẹ môi" là vì trước con nói chưa sõi nên lúc nào thấy son của mẹ cũng bảo "Mẹ môi", tức là son môi của mẹ. Và giờ thì nguyên thỏi son mới toanh của mẹ bôi choe choét trên mặt và tường nhà.
Nói về độ tinh nghịch của con gái thì "Kim Anh là số 2, khó ai là số 1". Tất cả mọi thứ trong nhà đều phải cất cao, khóa kỹ nếu không muốn trở thành đồ bỏ đi, thế nhưng nhiều lúc con gái khiến mẹ xây xẩm mặt mày.
Chị Hân vui vẻ chia sẻ: "Nhiều lúc mình không biết có phải vừa đẻ ra được cô công chúa không nữa. Điệu thì điệu lắm nhưng mà lì thì không ai bằng. Đồ chơi của con thì con chơi một lúc rồi đem vứt hoặc cho mấy bạn hàng xóm.
Trong nhà cứ thứ gì đập vào mắt là đều biến thành đồ chơi của con. Sểnh vài phút im im là y như rằng có chuyện. Về với bà, bà bận nấu cơm thì con lấy gạo xúc ra sân cho gà, thùng cám gạo của lợn cũng bị con lôi ra bôi đầy đầu.
Nước rửa bát, dầu gội đầu, sữa tắm... đều bị con bóp hết để nghịch. Đồ trong nhà phải để lên cao nhưng vẫn không tránh được. Để đồ trên bếp ga thì con bắc ghế trèo lên lấy hết bột canh, muối, tương ớt đổ lẫn vào nhau rồi lấy đũa ngoáy.
Tủ quần áo có ngăn kéo thì con kéo ra bỏ hết quần áo rồi nhảy vào ngồi. Thế là gãy luôn cái ngăn kéo tủ. Ấm chén thì phải cất hết, có khách mới dám lôi ra dùng vì con làm vỡ bao nhiêu bộ.
Nhớ nhất là vụ băng vệ sinh của mẹ, con bảo là băng dính rồi lôi ra dán lên tường nhà. Đúng lúc đó có khách đến thấy tác phẩm của con mà mẹ ngại muối mặt".
"Ở nhà con là nhỏ nhất nhưng bắt anh chị họ hơn tuổi phải gọi là đại ca mới chịu. Phạt hay đánh con cũng chỉ vài phút sau là con lại quên ngay. Có lần mình bực quá không kiềm chế được vì con quá nghịch nên đã đánh vào tay con mà con không khóc tí gì", chị Hân chia sẻ.
Có con nghịch ngợm cũng khiến bao lần chị Hân đứng tim nhưng sau đó chị đã rút ra được phương pháp dạy con khéo léo hơn.
"Sau 1, 2 lần đánh phạt con, mình nhận ra rằng làm như vậy chỉ khiến con lì hơn và không sợ đòn roi. Trẻ con tầm tuổi này rất nghịch, thích tò mò mọi thứ xung quanh và một phần cũng do tính cách từng đứa trẻ.
Biết làm sao được, cha mẹ sinh con trời sinh tính, con bé hay nghịch ngợm, tò mò nên mình cũng chỉ biết cất đồ đạc lên cao, tránh tầm với của con. Ngoài việc để cho con khám phá tự nhiên, mình cũng nhắc nhở, nói chuyện gần gũi và khen mỗi lần con làm đúng. Nếu con làm sai thì mình nói điều đó là sai, làm như vậy không phải là bé ngoan để con dần dần hiểu chuyện", chị Hân bày tỏ.
Tào Nga