Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, CHẤP NHẬN CON mới là điều bố mẹ cần làm

(Tổ Quốc) - Phụ huynh cần biết, mình chỉ lo lắng một nhưng các em lại hoang mang mười khi cảm nhận những khác biệt bên trong của bản thân. Thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm nếu không có sự thấu hiểu và đồng hành từ bố mẹ.

Hai cô gái trẻ ở TP.HCM rơi tầng 20 chung cư tử vong là tin tức khiến nhiều người bàng hoàng suốt hai ngày qua. Cả hai đang là học sinh tại một trường THPT ở quận 3. Hai gia đình đều biết các em có mối quan hệ tình cảm đồng tính. Khoảng một tuần trước, hai nữ sinh này bỏ nhà đi và xảy ra hậu quả đau lòng...

Một lần nữa, câu chuyện tình yêu tuổi dậy thì, nhưng ở đây là một khía cạnh "đặc biệt" hơn: Tình yêu đồng tính lại trở thành chủ đề tranh luận của nhiều phụ huynh. Câu hỏi "Ứng xử ra sao nếu con đồng tính/song tính" đã đặt ra bao nhiêu lần nay được khơi dậy trở lại.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, đây mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 1.

Nếu có con thuộc giới tính đặc biệt này, bạn sẽ ngăn cấm/ủng hộ hay cổ vũ? (Ảnh minh họa)

Nếu có con thuộc giới tính đặc biệt này, bạn sẽ ngăn cấm/ủng hộ hay cổ vũ? Cùng tham khảo chia sẻ từ tiến sĩ Dr Cherry Vũ và chuyên gia tâm lý Lê Khanh sau đây:

Dr Cherry Vũ: Đồng tính và song tính không phải là vấn đề tâm lý

Dr Cherry Vũ - Tiến sĩ Vũ Anh Đào là một trong 100 phụ nữ trên thế giới có đóng góp lớn trong lĩnh vực Lean và Agile (Các phương thức làm việc và quản lý Linh hoạt và Tinh gọn) toàn cầu và là quản trị viên của một hội nhóm nuôi dạy con tuổi dậy thì cho rằng:

Cũng như trên thế giới có những người béo - người gầy, người da đen - da trắng - da màu, thế giới còn có những người dị tính, đồng tính, song tính. Xu hướng tính dục của mọi người cũng tự nhiên như thế, việc bạn có muốn, có tin, có chấp nhận nó hay không thì đó vẫn là sự thực - không thể thay đổi.

Hồi David con mình 13 tuổi, một ngày đi chơi về con cứ liên tục: Mum, I can't take it, I can't take it (Mẹ, con không chấp nhận được, con không chấp nhận được). M nói với con bạn ý lưỡng tính. M là cô bé mà thằng con dại thích từ rất lâu, cu cậu đau khổ ghê lắm. Từ lúc đó mình mới dành thời gian để tìm hiểu sâu về vấn đề này từ một cơ số nghiên cứu khoa học được công bố trên những tạp chí khoa học hàng đầu về cộng đồng LGBT để nói với con.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, đây mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 2.

Tiến sĩ Vũ Anh Đào.

Quan niệm rằng trở thành đồng tính, song tính là do lựa chọn hoặc bắt chước, là trào lưu xã hội... là một sai lầm. ĐÂY LÀ TỰ NHIÊN, không thể lây nhiễm và không do lựa chọn. Đồng tính và song tính không phải là vấn đề tâm lý, không phải là căn bệnh mà là sự phát triển hoàn toàn bình thường như dị tính. Tuy nhiên tỉ lệ người có xu hướng tình dục đồng tính và song tính ít hơn nhiều so với những người có xu hướng tính dục dị tính. Sự khác biệt này gây ra sự kỳ thị.

Trở lại câu chuyện của David và M. Khoảng 2 năm sau chúng trở thành bạn trai bạn gái của nhau. David hỏi mẹ:

Mẹ có approve (tán thành) mối quan hệ này không? - Mẹ không nghĩ mẹ có quyền approve bất kỳ mối quan hệ nào của con. Con tự quyết định và mẹ biết ơn bất kỳ ai làm con mẹ hạnh phúc cho dù họ đồng tính, dị tích hay song tính. Nhưng mẹ chỉ thương con mẹ thôi.

Sao thương ạ? - À, nếu con yêu một người dị tính hay đồng tính, con chỉ phải ghen với một nửa thế giới thôi. Bạn ý song tính nên con sẽ phải ghen với cả thế giới.

Một ví dụ khác, mình có một chị bạn thân là mẹ đơn thân có đứa con trai duy nhất. Lớn lên cậu nhận ra mình là phụ nữ trong cơ thể của đàn ông. Cậu ấy không bao giờ dám nói với mẹ vì biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cậu sang Mỹ học và ở lại luôn bên đó sống cuộc sống của một người phụ nữ. Chị bạn không hề biết cho đến khi có người nói con chị trang điểm và mặc đầm.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, đây mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 3.

Bà mẹ sốc lên sốc xuống, đau khổ, dằn vặt ghê lắm, mối quan hệ hai mẹ con vô cùng căng thẳng. Mình đã về Sài Gòn ngủ với chị ấy 3 đêm. Mình nói với chị như này:

"Con không có lỗi, vì chị đã sinh ra con như vậy. Nó có được lựa chọn là một đứa con gái trong cơ thể một người đàn ông không? Chị luôn muốn con hạnh phúc nhưng liệu nó có thể hạnh phúc khi không được sống là chính mình không? Chị đang lo không có người nối dõi, đó là nỗi lo cho chị, không phải cho con. Vậy chị yêu con hay chị yêu mình hơn?

Chị bảo chị yêu con vô điều kiện, thực ra có 1 điều kiện là nó phải là con trai như chị muốn, lúc này chị đang không yêu vì nó không đáp ứng được điều kiện của chị.

Ai cũng sống một cuộc đời, chị không thể sống hộ cuộc đời của con, nếu tiếp tục căng thẳng con sẽ tiếp tục lẩn tránh chị. Chị có muốn đóng vai nạn nhân đau khổ để dằn vặt con suốt đời không? Nếu không muốn mất con chị cần chấp nhận con và kéo con lại, cho con thấy chị yêu con vô điều kiện, bất kể nó là trai hay gái".

Kết quả là chị bạn đã hỗ trợ con tiền để con phẫu thuật chuyển giới. Chị bảo chị hiểu và thương con nhiều hơn thay vì oán giận, giờ mẹ con tình cảm hơn bao giờ hết, có thể chia sẻ về thời trang, mỹ phẩm, về đàn ông... rất vui. Chị bảo mình: Chị biết ơn em đã làm chị thay đổi, khi nghĩ khác đi, chấp nhận thực tế tự nhiên chị nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, lại yêu được con và cả hai mẹ con đều hạnh phúc.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, đây mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 4.

Cho nên, nếu con đồng tính, song tính, mình nghĩ các bạn nên bỏ chữ ỦNG HỘ hay CỔ VŨ mà nên CHẤP NHẬP THỰC TẾ NHƯ NÓ VỐN DĨ mà thôi. Giai đoạn vị thành niên là giai đoạn trẻ khám phá thế giới cảm xúc của mình, trẻ có thể thích người đồng giới, thích người khác giới hoặc thích cả hai giới... 

Việc của cha mẹ là ở bên con, yêu thương và chăm sóc, tôn trọng những cảm xúc cá nhân của con. Đó là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với việc trưởng thành và phát triển nhân cách của con bạn. Đừng cố gắng cản trở sự phát triển tự nhiên, đừng bắt con thành một người khác, không phải chính mình.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Bố mẹ lo lắng một, con hoang mang... 10

LGBT là các chữ cái viết tắt của: Đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender). Thuật ngữ này mô tả xu hướng tính dục của người có nhu cầu tình cảm và tình dục với những người cùng giới hay cả hai giới tính.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, CHẤP NHẬN CON mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 5.

Tuy tình trạng này hiện nay đã trở nên phổ biến nhưng các định kiến mang tính kỳ thị, trêu chọc, mỉa mai hay cô lập vẫn còn nhiều. Chính điều này làm cho các bậc cha mẹ khi thấy con có những biểu hiệu gọi là lệch lạc đã hết sức lo lắng, hoang mang. 

Không ít người nghĩ rằng cho do ảnh hưởng của bên ngoài, từ bạn bè, phim ảnh… đã khiến cho con em mình có những dấu hiệu "không phù hợp với giới tính" và có thể "điều trị" bằng thuốc men hay liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, đây đều là những tình trạng đã "ẩn náu" ngay bên trong đứa trẻ và dần dần bộc lộ khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì.

Từ vụ hai nữ sinh tự tử và góc nhìn chuyên gia về việc ứng xử khi con đồng tính: Không phải ủng hộ hay cổ vũ, đây mới là điều bố mẹ cần làm - Ảnh 6.

"Phụ huynh cần biết, mình chi lo lắng một nhưng các em lại hoang mang lo lắng mười", chuyên gia tâm lý Lê Khanh (TT Diệp Quang, An Giang) cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thực chất thì trẻ đồng tính ngoài vấn đề về giới tính vẫn là một đứa trẻ có đầy đủ mọi năng lực mà nếu được quan tâm và tạo điều kiện vẫn phát triển một cách tốt đẹp. 

Vì thế, thay vì không chấp nhận và tìm mọi cách để bắt buộc trẻ phải sống theo cái "vỏ bên ngoài" thay vì bản chất bên trong, phụ huynh nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo một môi trường "an toàn tinh thần" cho con. Hãy chấp nhận và tôn trọng tính cách "không bình thường" để tạo cho con một cuộc sống bình thường. 

Phụ huynh cần biết, mình chỉ lo lắng một nhưng các em lại hoang mang lo lắng mười khi cảm nhận những khác biệt bên trong của bản thân, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Gia đình phải là nơi an toàn cho các em, khi các em đã bị xã hội bên ngoài kỳ thị, bạn bè trêu chọc, cô lập…Chúng ta phải khuyến khích, tạo cơ hội cho các em thể hiện những khả năng của mình, hơn là tìm biện pháp "phục hồi" về giới tính, vì đó là điều bất khả thi.

Mỗi trường cần có một chuyên viên tư vấn tâm lý

Trước nhiều vụ việc học sinh trầm cảm, thậm chí tự tử thời gian gần đây, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng cần lưu ý hơn đến vấn đề tâm lý học đường. Chẳng hạn đối với tình trạng LGBT trong nhà trường, vai trò của chuyên viên tư vấn tâm lý trường học không chỉ là khuyên nhủ học sinh mà còn phải biết góp ý với bố mẹ khi có một đứa con "khác biệt" – để biết điều chỉnh cách ứng xử và chăm sóc phù hợp.

Điều này sẽ giúp con em tìm lại đúng hướng phát triển của mình. Tư vấn học đường là một vai trò thiết yếu và cần có những nhà chuyên môn với khả năng lắng nghe và thấu hiểu chứ không phải chỉ bằng những lời giáo huấn. Như thế mới có thể giúp đỡ hiệu quả cho những đứa trẻ đang bị lạc lối vì các tác động từ bên ngoài.

Hạ Uyên

Tin mới