(Tổ Quốc) - Con trẻ có thể không tự vệ được trước sức mạnh của những kẻ tàn nhẫn, nhưng ít ra một tín hiệu nào đó phát ra kịp lúc có thể ngăn cản bi kịch xảy đến.
Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành khiến hàng triệu người xót xa, căm phẫn. Báo chí đã nói nhiều về sự kiện ấy, nhiều người cũng đã viết về sự tàn bạo với cháu của người phụ nữ sống với bố đẻ của bé. Tuy nhiên, đáng buồn thay, đây chỉ là một trong số ít vụ gây chú ý truyền thông khi hậu quả đã hết sức nặng nề.
Trước bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn, đã có một bé 6 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tử vong hồi tháng 9/2021 vì lý do tương tự. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm khác với những đứa trẻ và phụ nữ trong bốn bức tường gia đình mà không ai biết, nhất là trong thời gian căng thẳng vì đại dịch.
Cái ác sẽ được dung dưỡng khi thiếu đi sự giám sát. Trẻ em bị bạo hành cần sự bảo vệ, can thiệp của cả cộng đồng, thế nhưng trước khi đợi người ngoài lên tiếng (mà có khi đã muộn), thiết nghĩ các ông bố bà mẹ nên dạy con, nhắc đi nhắc lại cho con biết về QUYỀN của trẻ em, về cách cầu cứu với ai, nơi nào... khi cần giúp đỡ.
Điều khiến việc lạm dụng trẻ em khó bị phát hiện và ngăn chặn là kẻ bạo hành hầu hết lại chính là người quen thuộc với nạn nhân. Các em thường miễn cưỡng che giấu sự thật vì sợ hãi, vì không muốn tố giác người thân, ngoài ra nhiều em chưa có kỹ năng nhận diện, tố giác, kêu cứu khi bị những người trong gia đình bạo hành.
Cháu bé vừa bị đánh chết đã 8 tuổi, nếu từ khi còn mẫu giáo đã được dạy dỗ những điều như trên thì ngay lần bị mẹ kế hành hạ đầu tiên đã biết cầu cứu đến mẹ ruột, đến ông bà nội, đến hàng xóm, đến thầy cô giáo… Con trẻ có thể không tự vệ được trước sức mạnh của những kẻ tàn nhẫn, nhưng ít ra một tín hiệu nào đó phát ra kịp lúc có thể ngăn cản một bi kịch xảy đến.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước về quyền trẻ em của LHQ (1989), trong đó có những quyền cơ bản như quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại; quyền có một gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn...
Ngay từ bây giờ, HÃY DẠY CON:
- Cho con bạn biết về quyền làm người, quyền không để ai đụng chạm vào cơ thể mình kể cả bố mẹ ruột, biết phản ứng và bảo vệ bản thân khi bị kẻ khác xâm phạm. Đồng thời, con cũng không được làm đau đớn người khác. Người lớn có thể bắt đầu dạy trẻ bằng các bài học về các bộ phận trên cơ thể, cách vệ sinh, cách bảo vệ thân thể, không ai được đụng vào trừ khi thật sự tin tưởng. Khi trẻ lớn dần, cha mẹ có thể dạy trẻ về các quyền về thân thể. Dạy trẻ biết phân biệt đâu là dạy dỗ, đâu là bạo hành. Khi con bạn thấm nhuần quyền làm người từ bé, lớn lên chúng sẽ không xâm phạm đến quyền làm người của kẻ khác, chúng sẽ không trở thành cha kế hay mẹ kế ác độc...
- Hãy dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu chứng tỏ bạo lực sắp xảy ra (người lớn giận giữ, quát tháo…), dạy trẻ tránh bạo lực bằng cách rời khỏi khu vực nguy cơ.
- Dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu: Ngoài việc lên tiếng bảo vệ, bênh vực, khuyên can người gây bạo lực thì người lớn trong gia đình cần phải dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu khi bị bạo lực.
– Hãy giúp trẻ hiểu rằng, sau mỗi lần bị đánh đập, trẻ cần kể lại với một người lớn nào đó đủ tin tưởng và có khả năng bảo vệ trẻ. Đó có thể là ông bà, họ hàng, người luôn yêu thương và quan tâm đến trẻ để họ can thiệp, giúp đỡ khi có những lần khác.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân chỉ cần gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, lập tức cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Ông Nam cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang sửa đổi nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có chế tài xử lý cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thông tin trẻ em bị xâm hại mà không báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hành chính.
- Các con cần được dạy về các cách bảo vệ an toàn ở những nơi không có bố mẹ ở bên, ở trường học, trong khu nhà, ngoài công viên, các số điện thoại khẩn cấp, các cách thông tin cho người khác trợ giúp, các địa chỉ cần thiết con có thể tìm đến để được bảo vệ và giúp đỡ…
Khi phát hiện trẻ bị bạo hành thì việc người lớn nên làm là đưa ngay trẻ đến cơ quan y tế, giám định thương tật. Ổn định tinh thần và động viên trẻ, tránh để trẻ gặp hay quay trở lại môi trường đã bị bạo hành.
Nếu trẻ vẫn phải sống cùng kẻ gây bạo lực thì người lớn khác trong gia đình cần nhờ sự can thiệp của hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Nếu vợ chồng đã ly hôn thì mẹ hoặc bố nên làm đơn khiếu nại ngay lập tức để bảo vệ quyền lợi cho trẻ đồng thời giành lại quyền nuôi con nhằm cứu trẻ thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình.
Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo
Các dấu hiệu cảnh báo sớm sẽ giúp cha mẹ và trường học giải quyết được nhu cầu của trẻ trước khi các vấn đề leo thang.
Nếu cha mẹ nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo dưới đây, hãy nói chuyện với trẻ về bất kỳ vấn đề nào mà chúng gặp phải. Bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong hành vi của trẻ cũng cần phải đặc biệt chú ý.
- Trẻ cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi.
- Trẻ không thể kiểm soát được cơn giận dữ.
- Trẻ thể hiện bạo lực trong câu chữ hoặc các bức hình vẽ.
- Trẻ ra tay tàn nhẫn với động vật.
- Trẻ thường xuyên đánh nhau.
- Trẻ xem rất nhiều chương trình bạo lực hoặc chơi nhiều trò chơi điện tử bạo lực.
- Trẻ sử dụng ma túy hoặc rượu.
Hiểu Đan