(Tổ Quốc) - Tình trạng kẻ xấu trà trộn, giả dạng để tiếp cận trẻ với mưu đồ xấu đang ngày càng tăng cao. Các chiêu trò cũng tinh vi hơn rất nhiều.
Trưa 23/6, tại trường THCS Trưng Vương (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) xảy ra vụ việc một đối tượng giả dạng xe ôm công nghệ đến cổng trường tiếp cận học sinh vào giờ tan học, lôi kéo học sinh lên xe, nghi có ý đồ xấu.
Cụ thể một học sinh đang đứng gần trạm xe bus trước cổng trường chờ người nhà đến đón thì bị một người phụ nữ mặc áo xe ôm công nghệ, đi xe máy Honda Wave gọi lên xe với lý do mẹ nhờ đón về. Đúng lúc này người nhà của học sinh đến đón, phát hiện và kéo lại nhưng người lạ vẫn cố tình kéo học sinh lên xe. Chỉ khi người nhà hô hoán nhờ trợ giúp xung quanh, đối tượng mới bỏ chạy.
Được biết, đây là lần thứ 2 ở trường xảy ra tình trạng này. Cách đó 2 tuần, cũng vào giờ tan tầm, một người đàn ông đi xe Ariblade đỏ, bịt kín mặt đến nói chuyện với các học sinh nam để dụ dỗ học sinh này lên xe. Sự việc cũng may mắn được phát hiện. Đến ngày 25/6, Công an Hà Nội đã phát đi cảnh báo về vụ việc.
Có thể thấy tình trạng kẻ xấu trà trộn, giả dạng để tiếp cận trẻ với mưu đồ xấu đang ngày càng tăng cao. Các chiêu trò cũng tinh vi hơn rất nhiều. Chính vì vậy bố mẹ cần có những biện pháp bảo vệ, dạy con một số kỹ năng sống cần thiết trong trường hợp gặp nguy hiểm. Dưới đây là những điều bố mẹ cần dạy con:
Cùng con chơi trò nhập vai
Một trong những cách hiệu quả để giúp con an toàn khỏi những kẻ bắt cóc là cùng con chơi trò nhập vai. Cụ thể bố mẹ hãy đưa ra những tình huống giả định gần giống với tình huống thực tế. Chẳng hạn như: "một người lạ hỏi con có muốn đi nhờ không", "người lạ tự xưng là người quen, bạn bè của bố mẹ", "người lạ muốn nhờ con giúp đỡ", "người lạ đưa đồ ăn cho con",...
Hãy giúp con nhận biết các tình huống nguy hiểm, từ đó dạy con các cách phản ứng trong những tình huống đó.
Dạy con thận trọng với người lạ
Dạy cho con không tương tác với người lạ là bài học vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần dạy cho con biết: Không có gì sai khi la hét và tạo tiếng ồn nếu con thấy không thoải mái khi có người lạ tiếp cận mình. Dạy con nói "Không", chạy, la lên và nói với người khác nếu con cảm thấy đang gặp nguy hiểm hoặc khó chịu.
Ngoài ra, hãy dặn con không được tùy tiện nhận bánh kẹo từ người lạ. Nếu có người nhờ giúp đỡ, con hãy từ chối bởi nếu thật sự có vấn đề xảy ra, mọi người sẽ tìm trợ giúp từ người lớn chứ không phải từ một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, hãy dạy con khái niệm ''Thế nào là người lạ?". "Người lạ" chính là những người con chưa từng gặp cùng bố mẹ trước đó, là những người không được bố mẹ giới thiệu với con hoặc là những người có thể tự xưng là bạn của bố mẹ khi không có mặt bố mẹ,...
Dạy con mật mã riêng
Hãy dạy cho con một mật mã bí mật mà chỉ có bố mẹ và người thân cận biết. Nếu có người lạ tiếp cận và nói "thay bố mẹ đến đón" hoặc thay bố mẹ đưa đến nơi nào đó, dạy con yêu cầu họ nói mật mã đã thỏa thuận từ trước. Mật mã này còn giúp con thoát khỏi những tình huống nguy hiểm khác như ở nhà 1 mình và có người đến gọi cửa,... Nếu kẻ lạ mặt không thể trả lời đúng mật mã, con có thể la lớn để nhờ tới sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Dặn con chơi ở trong lớp, trong sân trường và không theo người lạ
Với trẻ mầm non hoặc lớp 1, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo chỉ giao con cho bố mẹ hoặc người thân có đăng ký thông tin trước đó. Cẩn thận hơn, bố mẹ có thể yêu cầu cô giáo gọi điện xác nhận khi có ai đón con đột xuất. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ nên dặn con chỉ chơi trong lớp hoặc trong sân trường chờ bố mẹ đến đón. Tuyệt đối không đi theo người lạ.
Dạy con học thuộc những số điện thoại quan trọng
Hãy dạy con thuộc lòng số điện thoại của bố mẹ hoặc số điện thoại 113, khi cần thiết phải gọi ngay cho bố mẹ hoặc cơ quan công an. Bên cạnh đó, hãy dạy con những người nào có thể nhờ cậy sự giúp đỡ khi gặp tình huống nguy hiểm. Đó là những người mặc đồng phục như lực lượng công an, bộ đội, bảo vệ,...
Dạy con chạy ngược chiều với những chiếc xe tiến đến gần
Ngoài việc nhắc nhở con tuyệt đối không lên xe của người lạ thì bố mẹ cần dạy con 1 kỹ năng khác quan trọng không kém: Đó là nếu có một chiếc ô tô tiến đến gần phía con và người trong xe cố gắng thu hút sự chú ý, rủ rê đi chơi,... thì con cần chạy ngược lại với hướng di chuyển của xe. Điều này sẽ giúp con có thêm thời gian tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Không tiết lộ tên của con
Bố mẹ không nên ghi tên con vào đồ dùng cá nhân như cặp sách, giày dép hay hộp cơm…. Việc này sẽ khiến người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của con. Một số nghiên cứu chỉ ra, người lạ sẽ dễ dàng chiếm được sự tin tưởng nếu biết được tên của trẻ. Do đó, bố mẹ nên viết số điện thoại của gia đình đề phòng trường hợp đồ đạc bị thất lạc hoặc khi con đi lạc, cần sự giúp đỡ,...
Thanh Hương