(Tổ Quốc) - Vụ việc đang khiến các bậc phụ huynh ở Hà Nội vô cùng bức xúc vì nhà trường đã tước quyền bình đẳng của học trò.
Mới đây một phụ huynh tại Hà Nội đã khiến nhiều người bức xúc khi chia sẻ câu chuyện xảy ra ở trường học của con trai mình. Cụ thể, chị A. (tên nhân vật đã được thay đổi) có con trai học lớp 9 tại trường THCS T.T (quận Hoàng Mai).
Chị A. cho biết: "Sáng 12/6, nhà trường gọi phụ huynh đến họp gấp và có 17 phụ huynh được gọi đến. Cô giáo nói đơn giản là thành tích của các con hiện tại yếu kém nên có thể không vượt qua được kỳ thi cấp 3. Cô khuyên mọi người viết một đơn xin tự nguyện cho con không thi vào các trường THPT công lập. Trong ngày 12/6 sẽ phải nộp lại đơn cho cô vì cô sẽ chốt học bạ vào ngày 13/6.
Ban đầu gia đình mình cũng không suy nghĩ gì, chỉ cho rằng nếu con không học công lập thì chuyển sang dân lập cũng được. Tuy nhiên trong cuộc họp bất ngờ xảy ra một sự việc. Bố của một bạn nam trong lớp có đề nghị cô giáo cho con được đi thi, nếu thi trượt cũng không sao vì thời gian vừa qua con rất nỗ lực học tập. Nhưng cô giáo không đồng ý mà thuyết phục, nói thẳng là "ép" phụ huynh không cho con đi thi.
Lời qua tiếng lại thì một phụ huynh khác hỏi: "Bây giờ tôi ký đơn nhưng hôm đấy vẫn cố cho con đi thì thì như thế nào?". Cô giáo lúc đó nói luôn, điểm học bạ là ở trong tay cô, nếu như các con cứ cố thi trường công lập thì cô sẵn sàng đổi được!".
Chị A. cũng chia sẻ, sau buổi họp, chị có đến gặp các thầy cô bộ môn và một số lãnh đạo cấp trên để vận động cho con được đi thi. Các giáo viên bộ môn đều đã đồng ý, duy chỉ có cô chủ nhiệm là phản đối.
"Con mình sau đó bị cô giáo gọi tên và mắng trước lớp vì đã viết đơn tự nguyện mà vẫn muốn đi thi. Hôm đó con vừa sợ vừa xấu hổ, đến khi về nhà thì khóc xin mẹ nộp đơn đi, con không đi thi nữa", chị A. kể lại. Bà mẹ này sau đó gọi điện trao đổi với cô giáo và nhận được yêu cầu phải gửi tin nhắn cam kết không cho con thi trường công lập.
Được biết, tất cả 17 phụ huynh được gọi đến ngày hôm ấy đều đã ký đơn. Giải thích việc này, chị A. cho hay: "Học bạ là tài liệu quan trọng trong con đường học tập của con. Khi cô lấy học bạ để đe dọa thì ai cũng sợ. Chỉ sợ học bạ con không được đủ điều kiện để thi tốt nghiệp. Ngoài ra, cô hiệu phó còn nói rằng có văn bản bên trên chỉ đạo việc các con không đi thi nhưng thật ra không hề có!".
Cũng theo chị A., lớp con chị có 17/44 phụ huynh phải ký đơn còn lớp bên cạnh là 27/45. "Hiện tại con mình rất lơ là và không có tinh thần học tập. Con nói: "Con có được đi thi đâu mà học". Bản thân mình cũng đang rất hối hận vì đã ký bản cam kết đó".
Việc các trường THCS "ép" học sinh không đi thi THPT công lập đã xảy ra từ lâu?
Được biết không chỉ trường THCS T.T mà tại nhiều trường học, tỉnh thành khác trên cả nước từ lâu đã có tình trạng "ép" phụ huynh cam kết không cho con đi thi THPT công lập. Chị M.P - một phụ huynh ở tỉnh Hà Nam cho biết, mình cũng từng phải ký cam kết tương tự. "Giáo viên nói thành tích của con mình kém. Nếu ký thì sẽ cho học bạ ổn để thi tốt nghiệp lớp 9. Các phụ huynh đều hiền lành nên không ai phản đối gì".
Trong một hội nhóm Facebook về vấn đề ôn thi, tìm hiểu trường học cho con, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ mình từng gặp vụ việc tương tự. Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho biết, không chỉ ép kí cam kết, một số trường còn "khuyến khích" học sinh lớp 9 chuyển trường vào đầu năm để cuối năm sẽ không ảnh hưởng đến thành tích thi đua của nhà trường.
Cô N.T.N - hiệu trưởng một trường THCS - THPT ở Hà Nội chia sẻ: "Trước đây có xảy ra tình trạng các trường THCS đẩy học sinh yếu kém sang các trường khác. Tuy nhiên do phản ánh của báo đài nên phòng giáo dục đã chỉ đạo, chấn chỉnh các trường dừng việc này. Vậy nên các năm gần đây tình trạng trên không còn xảy ra nữa. Hiện tại Sở đưa ra chủ trương có thể thi hoặc không thi cấp 3 nên nhiều em có thành tích kém quyết định không thi. Còn trước đó, các em đều phải thi cấp 3".
Nói về việc một số trường yêu cầu phụ huynh cam kết không cho con đi thi, cô N. bày tỏ: "Nhà trường không nên làm như vậy vì việc thi hay không là quyền lựa chọn của mỗi học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chỉ nên phân tích về các lựa chọn, để phụ huynh có cái nhìn khách quan. Căn cứ trên thành tích học tập, phụ huynh và học sinh sẽ tự quyết định nên thi hay không thi, thi trường công lập hay dân lập".
Nếu học sinh học quá kém, tại sao không để các em "đúp" 1 năm?
Theo cô T.H - cựu giảng viên một trường đại học tại Hà Nội: "Lý do các trường không muốn học sinh yếu kém đi thi THPT công lập là bởi bệnh thành tích. Bên cạnh đó, có 1 câu hỏi cần đặt ra: "Nếu giáo viên thấy học sinh học quá kém đến mức không thể đi thi thì tại sao không cho các con "đúp" để học lại một năm cho chắc kiến thức. Tại sao lại để sự yếu kém đó kéo dài rồi làm các chiêu trò, thủ thuật để qua mặt các cơ quan quản lý?".
Thực tế, tình trạng "bệnh thành tích" đã tồn tại rất lâu. Nhiều nhà trường và giáo viên vì sợ bị cắt khen thưởng, ảnh hưởng thi đua nên tiếp tục cho học sinh yếu kém, thiếu sót được lên lớp bình thường - đây chính là tình trạng "ngồi nhầm lớp" âm ỉ suốt nhiều năm qua. Hậu quả sẽ đến vào những năm cuối cấp, khi học sinh phải tham gia những kỳ thi quan trọng và sự yếu kém được lộ rõ".
Cô N.T.N chỉa sẻ thêm: "Tâm lý nhiều phụ huynh không muốn cho con lưu ban. Con tuy kém nhưng vẫn xin xỏ, chạy chọt mọi cách để được lên lớp. Về điều này, phụ huynh cần được đả thông tư tưởng". Cô N. cho biết, mình từng thuyết phục một phụ huynh cho con lưu ban để học thật vững chắc kiến thức sau đó thi cấp 3 cũng chưa muộn. Từ một học sinh yếu kém, nam sinh này sau đó được "học sinh tiên tiến" và thi đỗ THPT. Lên cấp 3, nam sinh này cũng học rất tốt.
"Nếu ở lớp dưới đã học kém mà vẫn cố lên lớp thì sẽ càng ngày càng kém hơn bởi kiến thức bị hổng lớn. Chính vì vậy tư tưởng không muốn cho con "đúp" của nhiều phụ huynh là sai lầm và cần sớm loại bỏ", cô N. nêu quan điểm.
Tường Vy