(Tổ Quốc) - Trở thành một người cố vấn (mentor) trên LinkedIn sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Sau cùng, danh tiếng của bạn được nâng cao và sự nghiệp chắc chắn nở hoa.
Sự nghiệp của chúng ta là một hành trình dài. Mỗi tháng ngày qua đi, chị em công sở rút ra cho mình nhiều bài học hơn. Sau khi bản thân đã tích lũy được những kinh nghiệm tuyệt vời, tại sao bạn không thử chia sẻ chúng và trở thành một người cố vấn, giúp đỡ người khác trong hành trình sự nghiệp của họ?
Hiển nhiên, những nhà khởi nghiệp trẻ nói riêng và thế hệ trẻ nói chung rất cần những mentor tốt. Thế nhưng dường như chẳng mấy ai đề cập đến lợi ích khi trở thành một mentor cả.
Hiểu rõ định nghĩa của người cố vấn (mentor)
Khi bàn về khởi nghiệp, kinh doanh, chúng ta thường nghe nhiều đến những lợi ích mà mentor, tạm dịch là người cố vấn, mang lại cho một mentee - người được cố vấn. Theo nguồn gốc của từ trong tiếng Anh, mentor là một người truyền cảm hứng, dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường, và hỗ trợ chúng ta.
Mentor vừa là một nhà cố vấn vừa là một người bạn. Họ có kiến thức, kinh nghiệm như một người cố vấn nhưng ứng xử và được tin cậy như một người bạn. Mối quan hệ giữa mentor và mentee là mối quan hệ chuyển đổi, theo nghĩa giúp cả hai có những chuyển đổi theo hướng tích cực hơn.
Một mentor sẽ làm gì?
Nếu chúng ta có một mentor trong công việc, thì người mentor đó sẽ huấn luyện, đào tạo chuyên môn cho chúng ta. Hơn nữa, họ còn chỉ ra con đường ngắn nhất để chúng ta đạt được mục tiêu nghề nghiệp.
Mặt khác, mentor sẽ giới thiệu, tạo điều kiện để chúng ta gặp gỡ người này, người kia, mở rộng mối quan hệ để phát triển sự nghiệp của mình. Không chỉ trong công việc, mà ở nhiều phương diện khác của cuộc sống, chúng ta vẫn cần có mentor.
Tại sao nên làm mentor trên LinkedIn?
Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ những lợi ích của việc làm cố vấn trên LinkedIn. Nó không chỉ là sự cho đi kinh nghiệm hay kiến thức.
Nền tảng của LinkedIn cũng gần giống với Facebook và những mạng xã hội khác. Tuy nhiên LinkedIn được sử dụng chủ yếu bởi các doanh nghiệp và những cá nhân chuyên nghiệp với mục đích tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và mở rộng cơ hội kinh doanh. Nói một cách ngắn gọn, LinkedIn tương tự như Facebook nhưng chủ yếu được dùng để phục vụ cho công việc thay vì giải trí. Đây rõ ràng là một môi trường tuyệt vời cho những mentor, mentee muốn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm công việc và cuộc sống.
Mentor giúp mentee phát triển bản thân và công việc trong kinh doanh. Ngược lại, mentee cũng đem lại rất nhiều giá trị tích cực cho người mentor của mình. Bao gồm:
- Sự học hỏi qua lại: Mentor, bất chấp tuổi tác hay kinh nghiệm, vẫn có những điều có thể học hỏi từ mentee của mình. Đó có thể là những lĩnh vực kinh doanh hay sản phẩm mới của mentee. Đó cũng có thể là thái độ và phong cách sống của họ.
- Ôn tập lại kiến thức: Đây cũng là cơ hội để mentor mài dũa lại những kiến thức vốn có qua việc truyền thụ. Hay chỉ bằng cách tạo cảm hứng với mentee thôi cũng đủ để mentor nạp năng lượng cho bản thân rồi!
- Xây dựng thương hiệu cá nhân: Giúp đỡ người khác là con đường ngắn nhất để kiểm tra năng lực và xây dựng danh tiếng cho bạn đấy!
Bắt đầu sự nghiệp cố vấn với LinkedIn như thế nào?
Trên thực tế, trong số những người muốn trở thành cố vấn, hơn một nửa không biết bắt đầu từ đâu và một phần ba thì gặp khó khăn trong việc tìm đúng người. LinkedIn có thể là trang mạng xã hội hữu ích và phù hợp nhất với những ai muốn bắt đầu. Sau đây là 2 mẹo giúp bạn dễ dàng tìm kiếm những mentee cho mình trên LinkedIn:
Mẹo 1: Hãy khiến việc tiếp cận bạn trở nên dễ dàng hơn
Nếu đã sẵn sàng muốn tư vấn, hãy bắt đầu bằng cách nêu rõ ý định của bạn. Nêu mong muốn đó qua phần giới thiệu (Headline). Chia sẻ một số chi tiết về cách bạn có thể giúp mọi người trong sự nghiệp của họ hoặc một số thách thức mà bạn đã từng đối mặt trước đây.
Chia sẻ một bài viết mà bạn thấy thú vị hoặc hữu ích có thể là một trong những cách hay ho để người theo dõi tiếp cận bạn. Trực tiếp hơn, hãy chia sẻ một vấn đề khó khăn trong sự nghiệp và đề nghị có một cuộc trò chuyện với bất cứ ai phải đối mặt với một tình huống tương tự.
Đừng quên kiểm tra hòm thư Email mỗi ngày để không bỏ lỡ lời yêu cầu giúp đỡ nào. Hãy đề nghị họ kết nối với bạn qua LinkedIn nữa nha!
Mẹo 2: Đừng ngại giúp đỡ những người ngoài vòng kết bạn!
Có rất nhiều cách để chủ động tìm những người cần tư vấn nghề nghiệp. Song nhiều người có thể không biết làm thế nào để tiếp cận với bạn. Thực tế những cá nhân này thường có nền tảng và kinh nghiệm tương tự với bạn. Điều này đã truyền cảm hứng cho LinkedIn ra mắt chức năng Plus One Pledge.
Hãy tham gia các nhóm trên LinkedIn nơi mọi người có thể yêu cầu giúp đỡ và tư vấn. Và, bằng cách này, bạn có thể tham gia vào một mạng lưới các chuyên gia có cùng sở thích và cập nhật các cuộc trò chuyện, thông tin chi tiết và tin tức mới nhất. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các nhóm bằng các bộ lọc tìm kiếm. Hãy xem xét tìm kiếm theo ngành nghề, địa điểm, hoặc sử dụng các từ khóa như chương trình tư vấn hoặc tư vấn nghề nghiệp.
Vậy đó, mỗi chị em đừng ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ hay những người cần giúp đỡ. Hãy làm một mentor có tâm, có tầm để khiến mỗi ngày trong sự nghiệp đem lại nhiều ý nghĩa hơn cho bản thân và cộng đồng chị em nhé!
Quiry