(Tổ Quốc) - Có nhiều sự thật về trí thông minh cũng như cuộc đời của một người được xem là thông minh mà phần lớn mọi người chưa thực sự hiểu hết.
Đã làm cha làm mẹ, ai mà không mong muốn con cái mình lớn lên khỏe mạnh và thông minh. Và gần như mặc định, xã hội chúng ta luôn cho rằng những người thông minh thì thế nào cũng sẽ thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Nhưng theo anh Huỳnh Chí Viễn - một thầy giáo ở TP.HCM, đồng thời là một tác giả sách có nhiều bài viết về nuôi dạy con được nhiều phụ huynh đồng tình và yêu thích: Có nhiều sự thật về trí thông minh cũng như cuộc đời của một người được xem là thông minh mà phần lớn mọi người chưa thực sự hiểu hết.
1. Định nghĩa "truyền thống" về trí thông minh và chỉ số IQ
"Thông minh" là một từ ghép Hán Việt với hàm ý "tai nghe rõ" (thông) và "mắt nhìn tỏ" (minh). Như vậy nếu xét theo nghĩa gốc thì "thông minh" có nghĩa là các giác quan sắc bén nhanh nhạy trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin: mắt nhìn qua là thấy rõ, tai nghe qua là đã hiểu. Trước khi tâm lý học phát triển, phương Tây cũng có cách đánh giá trí thông minh khá đơn giản dựa trên các khả năng tiếp nhận thông tin (khả năng tiếp thu), ghi nhớ thông tin (trí nhớ) và xử lý thông tin (giải quyết vấn đề như thế nào). Những người được xem là thông minh thường sẽ có những đặc điểm chung như sau:
a. Có khả năng tiếp nhận và phân tích thông tin nhanh chóng và nhạy bén.
b. Có khả năng nhớ nhiều và nhớ lâu.
c. Có khả năng dùng những thông tin lưu trữ để giải quyết những vấn đề phức tạp.
d. Có khả năng kết hợp nhiều thông tin để tạo ra cái mới.
Chính vì thế, những đứa trẻ có trí nhớ kém, chậm biết đọc hoặc không làm tốt các phép tính cộng trừ nhân chia đều được xem là kém thông minh hơn những đứa trẻ khác.
Để đánh giá trí thông minh của một người, những nhà tâm lý học sử dụng bài kiểm tra chỉ số thông minh (Intelligence Quotient Test-IQ Test). Tuy nhiên từ thập niên 1990 trở đi một số nhà tâm lý học đã đánh giá các bài test này là phiến diện và không chính xác vì chúng bỏ sót quá nhiều khía cạnh tư duy và năng khiếu mà chỉ chú trọng vào hai phạm trù tư duy toán học logic và tư duy ngôn ngữ.
2. Có bao nhiêu loại trí thông minh khác nhau?
Từ năm 1983 trở đi, khái niệm "các dạng trí thông minh" dần dần được công nhận và cạnh tranh với khái niệm "chỉ số thông minh IQ" truyền thống. Theo các nghiên cứu khoa học, con người có thể có 1 hoặc nhiều hơn các dạng trí thông minh sau đây:
1. Trí thông minh thiên nhiên (naturalist): Đây là khả năng cảm nhận và thích nghi với thiên nhiên nhạy bén.
2. Trí thông minh âm nhạc (musical): Là sự nhạy cảm trong việc cảm thụ giai điệu, tiết tấu, cao độ, trường độ và những đặc trưng về mặt âm học do các loại nhạc cụ khác nhau tạo nên.
3. Trí thông minh logic/toán học (mathematical/logical): Là khả năng tính toán nhanh nhạy cũng như giải quyết những vấn đề mang tính logic cao.
4. Trí thông minh tư duy triết học (existential/philosophical): Đây là dạng trí thông minh của những nhà triết học, tư tưởng học, tôn giáo và tâm lý học.
5. Trí thông minh đối nhân xử thế (interpersonal): Người sở hữu loại trí thông minh này rất nhạy cảm với các mối quan hệ giữa người với người hay nói một cách khác, họ là những người hiểu được tâm lý của người khác.
6. Trí thông minh thể chất (bodily/kinesthetic): Đây là loại trí thông minh của những người có năng khiếu thể dục thể thao, võ thuật, khiêu vũ và biểu diễn.
7. Trí thông minh ngôn ngữ (linguistic): Đây là loại trí thông minh nhạy bén đối với các vấn đề về ngôn ngữ: phát âm, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, vần điệu…
8. Trí thông minh nội tâm (intrapersonal): Loại trí thông minh này giúp người sở hữu nó điều khiển và chế ngự cảm xúc nội tại theo ý muốn của mình.
9. Trí thông minh định vị hình học (spatial): Đây là loại trí thông minh liên quan tới việc định vị trên cơ sở hình học không gian hai chiều và ba chiều. Người sở hữu loại trí thông minh này có khả năng xác định phương hướng cũng như ước tính đoạn đường xa gần khá chính xác. Họ cũng có thể là những người có khiếu thẩm mỹ cao.
10. Gần đây có những ý kiến bổ sung thêm hai loại thông minh nữa là trí thông minh vị giác và trí thông minh khứu giác tức là những người có vị giác tinh tế, có gu ẩm thực. Họ là những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, người thử rượu…
Việc phân loại trí thông minh theo hướng hiện đại đã giúp cho rất nhiều phụ huynh hiểu rõ hơn về thiên hướng năng khiếu của con em mình để định hướng nghề nghiệp cho con mình từ bé, cũng như không tùy tiện xem con mình là ngu dốt hay vô dụng nếu nó không giỏi được một môn học mũi nhọn nào đó theo định hướng chung của xã hội.
3. Những người thông minh kiệt xuất có thực sự sung sướng hơn người bình thường?
Một ngộ nhận nữa về trí thông minh là người thông minh thường được xem là thành công và có cuộc sống tốt hơn những người kém thông minh. Chính vì vậy, cha mẹ thường có kỳ vọng con cái mình là thần đồng hoặc sau này trở thành nhà bác học hay người nổi tiếng. Trên thực tế, ngoại trừ những người sở hữu loại trí thông minh đối nhân xử thế và trí thông minh nội tâm tức là những người giỏi trong việc cân bằng cảm xúc cũng như thấu hiểu người khác, những người sở hữu một trong những loại trí thông minh còn lại vượt trội thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và gặp phải rất nhiều vấn đề tâm lý.
1. Việc ý thức được sự nổi trội của mình ở một phương diện nào đó cũng như cảm giác được người khác ngưỡng mộ thần tượng khiến cho những đứa trẻ thông minh có cảm giác tự cao tự đại, coi thường người khác. Điều này cản trở chúng trong việc phát triển các mối quan hệ thông thường với bạn bè và trong xã hội.
2. Vì tư duy của những đứa trẻ thông minh vượt trội hơn những người khác ở một hoặc nhiều lĩnh vực, chúng thường cảm thấy bạn bè cùng trang lứa không hiểu được chúng nên thường sẽ có ít bạn hơn. Những người thông minh có khuynh hướng trở nên cô độc vì họ để dành phần lớn thời gian chìm đắm trong thế giới riêng suy tư của mình hơn là giao tiếp bên ngoài.
3. Người thông minh khó thỏa mãn và đạt được hạnh phúc hơn người bình thường vì mục tiêu của họ đặt ra thường quá cao hoặc thậm chí gần như là không tưởng. Ngược lại, khi thất bại họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và dằn vặt bản thân nhiều hơn người bình thường. Nói một cách khác, người thông minh thường khó chấp nhận thất bại và sẽ dễ bị thất bại đánh gục hơn người bình thường.
4. Người thông minh lại là những người dễ sa vào tình trạng nghiện ngập bê tha vì sự thông minh của họ luôn thôi thúc họ thử những cảm giác mới mẻ với suy nghĩ lúc đầu là mình có thể chiến thắng được chúng, không bị lệ thuộc. Đồng thời các chất kích thích có tác dụng giải phóng họ về mặt cảm xúc hoặc suy nghĩ khiến họ đạt được những giới hạn bình thường họ không đạt được. Tuy nhiên sự cô độc trong cuộc sống sẽ khiến họ trở nên lệ thuộc vào các chất kích thích dẫn đến nghiện ngập.
5. Người thông minh khó giữ được những mối quan hệ tình cảm nghiêm túc lâu bền vì thứ nhất họ rất dễ chán khi đã hiểu về người kia trong khi đối với người kia, họ vẫn là một ẩn số khó đoán. Đồng thời người thông minh luôn có một sức hấp dẫn với người khác và chính bản thân họ ý thức được điều đó. Chính vì vậy, một khi đã chán trong một mối quan hệ, họ sẽ tìm cách để dùng sức hấp dẫn của mình để chinh phục một mối quan hệ khác.
6. Trong công việc, người thông minh dễ có cảm giác bất mãn với cấp trên và đồng nghiệp. Họ luôn cần một sự kích thích và thử thách về mặt trí tuệ và dễ dàng cảm thấy công việc họ đang làm là nhàm chán và vô vị.
7. Nhiều nghiên cứu cho thấy, não bộ của những thiên tài có rất nhiều điểm tương đồng với những kẻ tâm thần phân liệt hoặc hoang tưởng vì họ nhìn cuộc sống qua lăng kính hoàn toàn khác biệt so với người bình thường. Rất nhiều những thiên tài tỏa sáng trong lĩnh vực của họ nhưng khi lên tới đỉnh cao, họ bắt đầu tự hủy hoại bản thân mình, thậm chí tự sát. Cái chết đối với họ dường như là một sự giải thoát khỏi cuộc sống bình thường mà họ không thể nào có thể hòa nhập được.
4. Những thử thách trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thông minh
Nếu con bạn là một đứa trẻ thông minh hoặc có những tài năng vượt trội, hãy lưu ý những điều sau khi dạy con:
1. Những đứa trẻ thông minh luôn cần sự thử thách không ngừng vì chúng rất dễ cảm thấy chán với những điều lặp đi lặp lại hoặc những thử thách mà chúng đã vượt qua được. Vì thế, cha mẹ nên thường xuyên tìm những phương pháp khác nhau để kích thích sự ham học của trẻ.
2. Những đứa trẻ thông minh không có nghĩa là sẽ giỏi hết tất cả mọi môn hoặc có khả năng nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào đầu cùng một lúc. Việc ép con mình học giỏi toàn diện với một chương trình học nặng nề quá tải sẽ có tác dụng ngược khiến cho trẻ cảm thấy ức chế và căm thù việc học.
3. Những đứa trẻ thông minh học tốt nhất khi chúng cảm thấy hứng thú với việc học và cảm thấy những gì chúng học có ích. Việc bắt những đứa trẻ thông minh học thuộc lòng những kiến thức vô bổ có thể khiến chúng chán ghét và sao nhãng việc học hành.
4. Những đứa trẻ thông minh sẽ đòi hỏi rất cao ở những người dạy chúng. Đối với những người thực sự giỏi và hiểu biết, chúng sẽ rất kính trọng và vâng lời, nhưng ngược lại không chấp nhận thầy cô hoặc cha mẹ yếu về kiến thức. Để dạy những đứa trẻ thông minh, người dạy phải không ngừng nâng cao kiến thức và luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi hóc búa mà chúng đặt ra.
5. Những đứa trẻ thông minh đặc biệt nhạy cảm với những lời nói qua loa, hời hợt hoặc không đúng sự thật vì chúng xem đó là một sự xúc phạm trí thông minh của chúng. Cha mẹ nên cẩn trọng vì một lời nói dối tưởng chừng như vô thưởng vô phạt cũng có thể khiến cho con cái đánh mất sự kính trọng đối với cha mẹ.
6. Những đứa trẻ thông minh thường sẽ rất tò mò đối với những thứ xung quanh. Việc cấm đoán hoặc nói dối sẽ càng khiến chúng quyết tâm tìm hiểu bằng mọi cách. Hãy chuẩn bị tinh thần và kiến thức để trả lời những câu hỏi của chúng về tình dục, ma túy hoặc những vấn đề xã hội.
7. Những đứa trẻ thông minh thường sẽ cảm thấy cô đơn nếu không nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ. Ngược lại chúng sẽ cảm thấy bị gò bó và áp lực nếu bị cha mẹ nhắc nhở hoặc chăm sóc từng li từng tí nhất là ở độ tuổi dậy thì. Hãy cho con mình sự quan tâm cần thiết và sự tự do thích hợp.
8. Những đứa trẻ thông minh sẽ dễ trở nên kiêu ngạo, háo thắng và ngông cuồng nhất là khi chúng được người lớn ca ngợi tâng bốc quá lố. Hãy dạy con rằng núi cao còn có núi cao hơn và tập cho bé tính nhẫn nại và khiêm tốn. Nếu có dịp, cứ để cho con thất bại vài lần để bé hiểu rằng mình phải cần cố gắng nhiều.
9, Nếu con bạn muốn tham gia những cuộc thi tài năng để thử sức mình thì đó là một điều tốt. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng thắng thua mà hãy dạy con rút ra những kinh nghiệm cho dù thắng hay thua. Một đứa trẻ chỉ có thắng mà không biết thua sẽ trở nên tự mãn và không thể chịu được những cú shock nếu sau này thất bại.
10. Những đứa trẻ thông minh sẽ dễ học những thói hư tật xấu như dối trá, lừa gạt và khôn lỏi. Hãy sống trung thực và tử tế để làm gương cho con vì con cái thường học những thói hư tật xấu trực tiếp từ cha mẹ và người thân trong gia đình.
Có một đứa con thông minh là một niềm tự hào nhưng đồng thời trách nhiệm nuôi dạy con của người làm cha làm mẹ cũng khó khăn và thử thách hơn rất nhiều. Một đứa trẻ sau này lớn lên có thành công và hạnh phúc hay không không chỉ dựa vào trí thông minh mà còn do nhiều nhân tố khác quyết định, trong đó sự nuôi dạy đúng cách của cha mẹ đóng vai trò chủ đạo.
Hạ Uyên