(Tổ Quốc) - Một thí sinh tự do tuyệt vọng vì cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đợt 2 đều không thể tham gia dự thi. Nhiều người đồng cảm nhưng bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều tranh cãi xung quanh.
Câu chuyện nam sinh tên Tân (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Long An bật khóc, liên hệ khắp nơi cầu cứu vì không thể dự thi tốt nghiệp được phản ánh trên báo chí những ngày này khiến nhiều người xót xa. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh, TP HCM và Long An đều quyết định không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mà chuyển sang xét đặc cách. Trước đó, Tân cũng không thể tham gia đợt 1 do địa phương nơi em ở giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tân lần đầu dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học năm 2018. Vì không trúng tuyển ngành và trường yêu thích, em đăng ký học một ngành khác nhưng vẫn nung nấu thi lại để vào bằng được ngành Y khoa, Đại học Y Dược TP HCM. Kết thúc kỳ I năm nhất đại học, nam sinh quyết định bảo lưu một học kỳ để chuyên tâm ôn thi ba môn Toán, Hóa, Sinh. Kỳ thi năm 2019, Tân thiếu 0,7 điểm. Lần thi năm 2020, điểm đã tăng 2 so với năm trước, nhưng điểm chuẩn của trường cũng tăng mạnh khiến Tân thiếu gần 0,5 điểm.
Ngày 10/8, Đại học Y Dược TP HCM thông báo bổ sung phương thức xét tuyển để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT cả hai đợt. Đối tượng là thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT, thí sinh tự do như Tân không được nhắc tới.
Đam mê 1 ngành học có nhất thiết phải vào đúng trường?
Câu chuyện của Tân thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Ngoài bày tỏ sự cảm thông, ngưỡng mộ sự kiên trì và mong Tân cùng những thí sinh tự do khác có thể lách qua khe "cửa hẹp" để vào đại học, nhiều người có kinh nghiệm cũng cho rằng, nếu thực sự muốn học ngành học yêu thích, cụ thể ở đây là Y khoa, Tân có thể chọn trường khác với điểm chuẩn thấp hơn, không nhất thiết phải là ĐH Y Dược TP.HCM.
Trên thực tế, điểm chuẩn ĐH Y Dược TP.HCM mọi năm đều rất cao. Năm 2019, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất với mức 26,7 điểm. Năm 2020, ngành Y khoa lấy 28,45 điểm.
"Bạn Tân thân mến, tôi nghĩ bạn không hề thích ngành Y như bạn tưởng đâu. Với cách tuyển sinh của Bộ ngày nay, các bạn chỉ cần biết cách đặt nguyện vọng hợp lý sẽ rất khó rớt ngành yêu thích. Bạn chỉ thiếu 0,5 điểm để đậu Y khoa của Y Dược TP.HCM, vậy sao không đặt NV2 vào trường Y Phạm Ngọc Thạch, Răng hàm mặt, Y cổ truyền,... Tôi có những người bạn biết chắc không đậu Y Dược nổi nhưng vì thích ngành Y họ chấp nhận ra Huế, Cần Thơ để được học ngành yêu thích. Đã yêu thì học ở đâu miễn mình giỏi là được, không nhất thiết phải đúng trường", một cư dân mạng nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, ai cũng muốn hướng tới cái tốt nhất. Tân chỉ thiếu 0,5 điểm chứng tỏ khả năng của em không tệ, thì việc em quyết tâm thi lại vào ĐH Y Dược TP.HCM là có lý do: "Tại sao em phải học trường khác, ngành khác trong khi sở thích của em là ngành Y khoa ĐH Y Dược. Bằng cấp của ĐH Y Dược luôn được coi trọng, dễ kiếm việc làm hơn. Nói như bạn thì tại sao hàng năm có mấy trăm ngàn học sinh từ các tỉnh đổ lên TPHCM để học ĐH mà không học ở tỉnh họ?".
Nhiều người khác khuyên, Tân nên quyết tâm thi lại bởi học cái mình không thích thì bạn có học tốt sau này ra đời cũng không bứt phá được với công việc ấy mà cùng lắm chỉ ở mức hoàn thành. Người khác lại cho rằng, thi lại nhiều năm là một dạng lãng phí: Tiền bạc, thời gian, sức lực, hãy trân trọng và đào sâu nghiên cứu thứ trong tay, biết đâu niềm vui lại đến.
"Đôi khi em không chọn được nghề mà nghề sẽ chọn em. Em phải tự xem lại năng lực mình có đủ không, và thực sự em đam mê ngành Y (theo em khẳng định) là vì lý do gì hay chỉ là "trở thành bác sĩ được hâm mộ, ra trường làm có nhiều cơ hội kiếm tiền". Chị cũng thi trượt đại học Y, bây giờ thì làm giáo viên tiểu học. Chuyện cũng 12 năm rồi và chị yêu nghề. Đừng quá bấu víu vào cái gọi là ước mơ để rồi dang dở những điều hiện thực khác".
Một bác sĩ trẻ nhận định, Y khoa không phải màu hồng, rất nhiều chông gai thử thách: "Không dám bàn lùi vì em thật sự đã nung nấu quyết tâm rồi, nhưng từ 1 bác sĩ đã từng trải thì thú thật, trên đời còn rất nhiều con đường đẹp khác em có thể đi".
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả cuốn sách Cùng con bước qua các kỳ thi cho rằng: Trong học hành thi cử từ xưa tới nay luôn có yếu tố “học tài thi phận”, nghĩa là dù thí sinh nỗ lực hết rồi, nhưng chỉ thiếu 1% may mắn thì cũng không đạt được nguyện vọng.
"Thực sự rất thông cảm vì em đã không may mắn 3 năm. Nhưng có một điều, dịch bệnh như Covid-19 là điều bất khả kháng nên vấn đề tuyển sinh nhiều nơi bị đảo lộn, khiến nhiều giấc mơ đại học của các thí sinh bị “đánh cắp”.
Trong trường hợp này, nếu em quá đam mê ĐH Y Dược TP.HCM thì có lẽ vẫn nên cố theo đuổi đam mê và mình thực hiện “mục tiêu kép”, nghĩa là vừa học 1 trường nào đó phù hợp hoàn cảnh hiện tại, vừa vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê để có thể, năm tới thi lại trường Y Dược. Tôi nghĩ, đã là đam mê thì khó có thể thay đổi, cũng như trong tình yêu, nếu đam mê mãnh liệt thì nhất định lấy người mình yêu dù vượt qua bao gian nan, trắc trở, éo le chứ không thế khuyên người ta, thôi đi lấy anh khác đi cho xong được!
Nhưng tự bản thân em phải nhìn nhận lại, em có đam mê nhưng có tự cân đối để theo đuổi được hay không, còn không bố trí được thì phải chấp nhận từ bỏ. Với tố chất và tuổi trẻ như các em, không khó để làm lại, nhưng học Y khoa cũng có số năm dài hơn các ngành khác, các em hãy tĩnh tâm và đánh giá lại toàn bộ khả năng cũng như điều kiện của mình để lựa chọn bước tiếp theo trên con đường đời".
Trong văn bản gửi các trường đại học về việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh cuối tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: "Ngoài thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, các trường xem xét tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với cả thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021".
Tuy nhiên, các trường chưa có động thái mới, thí sinh tự do vẫn trong trạng thái lo lắng mất cơ hội vào đại học. Theo Bộ, tổng số thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 là hơn 23.000, trong đó 11.000 em đã thi, số còn lại xét đặc cách tốt nghiệp THPT và thí sinh tự do. Riêng TP HCM có hơn 1.000 thí sinh tự do không thể dự thi đợt 2.
Hiểu Đan