(Tổ Quốc) - Dành dụm bao lâu mới được 50 ngàn, tưởng ngày mai cậu em sẽ đem lên trường "mở tiệc" ăn mừng cùng "bạn bè chiến hữu", nhưng không…
Một trong những niềm hạnh phúc to bự chính là có một đứa em. Khi ấy bạn nghiễm nhiên có thêm một người thân, một người bạn, một tri kỷ, một đồng minh... và cả những lúc là hai nhân vật ở… hai đầu chiến tuyến nữa. Tuy vậy, mọi mâu thuẫn hay hơn thua tranh giành trẻ con ấy thường không giữ được lâu, sau tất cả, các bà chị thì luôn yêu thương em trai theo cách riêng của mình và các cậu em trai cũng như thế.
Chị em của Kiều Trinh - Gia Khiêm (TP. Tuyên Quang) cũng vậy. Cậu em thua chị 11 tuổi, nghe "sặc mùi" được chiều chuộng thế nhưng, cảnh hai chị em "chiến tranh" từ lạnh đến nóng rồi cả đánh nhau xảy ra như cơm bữa. Ví dụ chị thức khuya lén chơi điện thoại thì em mách bố mẹ. Nhiều khi giành ăn của chị hay là nhảy ầm ầm lên giường gọi chị dậy sớm bằng được trong khi chị muốn ngủ thêm chút nữa.
Dù vậy, qua những lúc "sóng gió', tình chị em lại cứ bền lâu. Có khi sự quan tâm chăm sóc của cậu em trai còn khiến cho cô chị ngổ ngáo cảm động đến chảy nước mắt. Chẳng hạn như khi Kiều Trinh bắt gặp tờ 50 ngàn đồng cùng phần giấy note ghi chú dưới đây của Gia Khiêm.
"Cu cậu mới 8 tuổi, chưa được cho tiền tiêu vặt. Cứ mỗi đôi ba ngày xin lẻ bố mẹ, ông bà 1,2 nghìn, cũng không mè nheo xin nhiều. "Chắt bóp" có vẻ khá là lâu, thì hôm qua ông cụ non này mang 1 cục tiền lẻ ra đổi được đồng 50k của bố. Mình cứ nghĩ nó sẽ mua quà vặt ăn hết, vì trẻ con mà, hoặc khao thằng bạn "anh em chiến hữu" của nó 1 bữa "xiên nướng cổng trường" sau khi hết dịch.
Không ngờ lúc nó ngủ rồi, mình sang phòng nó lấy sạc điện thoại thì vô tình thấy tờ note vàng cùng tiền cu cậu để ngay ngắn trên đệm đầu giường. Chắc sợ quên nên phải note lại mới ghê, không chắc hôm sau không biết phải tiêu sao luôn. Thấy cu cậu dùng tiền dành dụm lâu ơi là lâu mà vẫn quyết mua đồ ăn sáng, mua nước cho mình đầu tiên, dù bình thường chị em như chó với mèo, rồi vẫn nhớ "cho mẹ" hết số tiền còn lại, tự nhiên khóe mắt mình thật cay", Trinh kể.
Gia Khiêm đi học sớm 1 năm nên năm nay đã học lớp 4. Từ năm 5 tuổi, cu cậu đã xin đi học võ chỉ để "bảo vệ chị, không ai bắt nạt chị". Ở nhà Kiều Trinh có nhiệm vụ phải rửa bát, có lần bị đứt tay đang lên lầu tìm urgo để dán lại, lúc xuống thì thấy cậu em đang rửa bát rồi.
"Lúc đấy Gia Khiêm còn học lớp 2, chưa với tới cái chạn bát nên còn kê ghế lên úp bát. Thấy mình thì nó bảo thôi đứt tay để em rửa cho. Dù nó rửa chắc không sạch đâu nhưng cũng cảm động lắm lắm. Trong nhà, hai chị em thường ăn cơm sớm với ông bà vì bố mẹ đi làm về muộn. Gia Khiêm toàn để phần nhiều thức ăn cho bố mẹ hơn, cứ lén bỏ thêm phần thức ăn của mình vào phần bố mẹ".
"Mình còn nhớ Tết vừa rồi là năm đầu tiên mẹ cho nó giữ hết tiền tết. Đâu được hơn 3 triệu. Cu cậu giữ cẩn thận lắm, bảo là dù thế nào cũng không tiêu, để tiết kiệm. Nhưng mà lúc mẹ mình mua máy tính mới để làm việc, nó vẫn lấy hết ra bảo cho mẹ, chỉ giữ lại 20 nghìn làm vốn thôi. Nhìn chung là bình thường chị em cãi nhau, đánh nhau như chó với mèo, nhưng có đứa em biết quan tâm, đáng yêu vậy mình cũng mát lòng mát dạ lắm đấy chứ", Kiều Trinh chia sẻ.
Hạ Uyên