(Tổ Quốc) - Nên ôn luyện từ lớp mấy, có nên cho con thi vào trường "chọi" hay không, những môn học nào cần lưu ý... đều được bà mẹ này chia sẻ cụ thể.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không phải của tòa soạn.
Dù chưa tới mùa tuyển sinh, nhưng với những gia đình có con đang học năm cuối tiểu học, chuyện cho con thi trường nào hay ôn luyện ra sao đã "rục rịch" ngay từ sớm. Trên thực tế, nếu có nguyện vọng cho con vào các trường điểm, trường chất lượng cao thì việc để "nước tới chân mới nhảy" rất dễ khiến con không theo kịp. Nên chuẩn bị cho con ngay từ khi nào và chuẩn bị ra sao là điều nhiều phụ huynh băn khoăn.
Chị Dương Thị Minh (ở Hà Nội) là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giáo dục Con Tự Học (CTH Edu), quản trị viên của một hội nhóm về chia sẻ kinh nghiệm học tập. Có hai con đang đi học, trong đó có bé vừa thi chuyển cấp lên lớp 6 một trường chất lượng cao năm nay, chị Minh chia sẻ:
"Tầm này năm ngoái, khi hết học kì I, nhà mình mới thực sự "nóng" với chuyện cho bạn nhỏ lúc đó lớp 5 ôn thi vào lớp 6. "Nóng" muộn như vậy không phải là một việc nên làm. Nếu không có Covid khiến cho con nhiều tháng được học ở nhà, các thầy cô giàu kinh nghiệm ôn thi giảng và chia sẻ đề ôn luyện online thường xuyên, bố mẹ cũng rảnh rang để chỉ dẫn thêm, thì với sức học đang bình bình của bạn nhà mình, chắc là đã không kịp trở tay".
Xuất phát từ kinh nghiệm của chính bản thân mình trong việc "chạy đua" chuyển cấp cho con, chị đã có những chia sẻ thiết thực nhằm giúp bố mẹ đang có con học lớp 4-5 định hướng rõ ràng, giúp con chuẩn bị chắc chắc hơn.
1. Có nên thi vào lớp 6 trường chọi?
Nếu như ở bậc tiểu học, "gần nhà, chăm sóc bán trú tốt, không khí học đường thân thiện, vui vẻ, nhiều tiết tiếng Anh, nhiều hoạt động trải nghiệm" có trọng số rất cao trong việc lựa chọn trường của các gia đình thì chất lượng đào tạo thể hiện qua kết quả thi vào 10 (chuyên và không chuyên), thái độ, năng lực học tập, văn hóa ứng xử của phần lớn học sinh lại được đặc biệt coi trọng khi chúng ta lựa chọn trường THCS cho con.
Có thể thấy rõ 3 lý do để mỗi năm có cả chục ngàn học sinh lớp 5 dự thi vào các trường THCS có tổ chức thi tuyển sinh đầu vào là:
- Muốn được học tập trong một ngôi trường có kết quả dạy và học tốt, rèn luyện tác phong, nề nếp tốt, có chương trình đào tạo tiếng Anh tốt.
- Muốn có một mục tiêu đủ cao để thử thách ý chí và rèn luyện khả năng chịu áp lực cao cho con ở 1-2 năm cuối bậc tiểu học.
- Muốn được học chương trình THCS song bằng để vừa tăng cường năng lực Tiếng Anh, vừa tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến.
Nếu con thấy mình cũng muốn ít nhất một trong các điểm trên, và đủ năng lực theo học tốt chương trình cơ bản của từng năm học tiểu học, thì NÊN đặt mục tiêu thi vào lớp 6 một vài "trường chọi", và nỗ lực ôn luyện để đạt được mục tiêu.
2. Sẽ phải thi những môn nào, độ khó có đúng là ở mức không đi luyện thi sẽ không thể làm được?
Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh là ba môn có mặt trong bài thi tuyển sinh của hầu hết các trường. Các bài thi được xây dựng trên nguyên tắc bám sát chương trình tiểu học, xoay quanh các kiến thức trọng tầm ở năm lớp 4 và lớp 5, nhưng có những câu hỏi vận dụng mức cao để phân hóa học sinh nhằm đạt được mục đích tuyển lọc.
Mình tin là những học sinh học chắc chương trình tiểu học lớp 4-5, có dành thời gian ôn tập nâng cao - dù dưới hình thức đi học luyện thi có giáo viên hướng dẫn hay là tự học ở nhà - đều có thể làm được phần lớn bài thi.
Ngoại lệ đáng kể nhất có lẽ là:
Bài thi môn Toán vào lớp 6 của trường Hà Nội - Amsterdam. Nhiều học sinh nắm chắc chương trình toán lớp 4-5 mà không ôn luyện thêm, thì chỉ được 2-3 điểm.
Bài thi môn Tiếng Anh: rất nhiều học sinh ở các thành phố lớn đã có năng lực Tiếng Anh vượt xa chương trình Tiếng Anh lớp 5, nên phạm vi từ vựng, ngữ pháp, trình độ đọc được đưa ra trong các bài thi môn Anh thường lan sang chương trình Tiếng Anh lớp 6 và sang mức tương đương trình độ A2 KET (chứng chỉ Tiếng Anh trình độ sơ cấp), thậm chí B1 PET (chứng chỉ tiếng Anh trình độ trung cấp).
Những con có nhiều cơ hội thi đỗ nhất là những bạn học tốt cả 3 môn Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh. Với hầu hết các trường, trung bình mỗi môn đạt 7 điểm là đủ để đỗ.
3. Nên ôn luyện từ lớp mấy?
Không ít cha mẹ tìm thầy tìm lớp cho con đi học thêm từ năm lớp 2-3, vì mục tiêu thi vào lớp 6. Tuy nhiên mình đồng quan điểm với một số giáo viên giàu kinh nghiệm luyện thi có tâm như thầy Trần Hữu Hiếu, cô Thu Ngân... là: Với phần lớn các học sinh, thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu ôn tập nâng cao theo định hướng thi tuyển vào lớp 6 là từ năm lớp 4. Đủ dài để không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn có kỹ năng làm bài thành thạo, có kinh nghiệm về những nhầm lẫn có thể mắc. Đủ ngắn để không bị mệt mỏi kéo dài.
4. Nên ôn luyện ở trung tâm hay tự ôn ở nhà?
Đi học thêm, ôn luyện với giáo viên/trung tâm giàu kinh nghiệm luyện thi là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, hiện cũng có rất nhiều sách và phần mềm/khóa học online hữu ích để:
- Các con có năng lực tự học tốt tự ôn luyện tại nhà.
- Các bạn đang đi học thêm có thêm công cụ để tự thường xuyên đánh giá mức độ sẵn sàng của mình.
- Cha mẹ có điều kiện về kiến thức và thời gian có thể sử dụng để tự hướng dẫn con ôn luyện.
Tùy điều kiện cụ thể mà bố mẹ và con nên quyết định với môn nào thì dùng những kênh nào để có thể ôn luyện thuận tiện và hiệu quả nhất. Với môn Tiếng Việt, tài liệu mà năm ngoái bạn nhà mình đã sử dụng và thấy rất hữu ích là bộ sách (2 tập) 100 đề đánh giá năng lực môn tiếng Việt dành cho học sinh lớp 4-5 của Next Nobels.
Theo chị Minh, nếu con không muốn mà chỉ bố mẹ muốn con thi vào trường chất lượng cao thì sẽ rất mệt mỏi. Vì vậy, bố mẹ nên trò chuyện để con định hình đường đi lâu dài, hiểu giá trị của việc học hành nói chung và việc và trường chất lượng cao/lớp chọn nói riêng. Bố mẹ chỉ có thể hỗ trợ thôi, việc lựa chọn nên tôn trọng ý kiến và mong muốn của con mình. Ngôi trường phù hợp năng lực con, môi trường tốt, đáp ứng khả năng của gia đình sẽ là lựa chọn tối ưu.
"Thi vẫn cần thi, nhưng ôn sao cho vừa đủ, hiệu quả cao để còn có thời gian cho những việc vui thích hơn cũng không kém phần quan trọng".
Hiểu Đan