(Tổ Quốc) - Đa phần phụ huynh toàn hỏi con làm bài được không, trong khi ít ai động viên thêm rằng, hôm nay con mệt rồi, con đã làm hết sức, nghỉ ngơi đi thôi.
Sau hai ngày thi "sóng gió", những tưởng bao nhiêu căng thẳng, lo lắng của lứa 2k3 vì thế mà cũng vơi đi ít nhiều. Thế nhưng, đây cũng là khoảng thời gian nhiều dư âm không kém, cả dư âm ngọt ngào và đắng chát khi nhiều thí sinh không hoàn thành bài thi như kỳ vọng của chính mình hay của... cha mẹ.
Đi qua cuộc thi được xem là quan trọng nhất của cuộc đời, dù kết quả ra sao, có tốt đẹp hay sơ sẩy thế nào, thì thứ mà những đứa trẻ mới lớn cần và đáng được nhận về ngay lúc này chính là lời an ủi, cái ôm đầy yêu thương từ cha mẹ mình. Nhưng tiếc thay, đa phần phụ huynh toàn hỏi con làm bài được không, trong khi ít ai động viên thêm rằng, hôm nay con mệt rồi, con đã làm hết sức, nghỉ ngơi đi thôi.
Đặc biệt có những phụ huynh còn nhìn vào kết quả để so sánh con mình và con nhà người ta dù sức lực mỗi đứa trẻ trên thực tế là mỗi khác. Tâm sự của một học sinh 2k3 vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua chính là một lời nhắc nhở, thật nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng, với những ông bố bà mẹ có thói quen đặt những kỳ vọng vượt quá khả năng con cái mình.
"Là một học sinh 2k3 vừa trải qua kì thi đầy mệt mỏi và khó khăn thử thách, con muốn có vài lời nói với các bậc phụ huynh. Chúng con đã thực sự làm hết khả năng của mình rồi. Dù kết quả có thế nào đi nữa thì đó cũng là sự nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ của chúng con.
Có những đêm chúng con đã muốn gục ngã, đã bật khóc trước những tờ đề ôn khó như trên trời, nhưng vẫn phải gượng dậy và tiếp tục chiến đấu. Vậy nên đến cuối cùng, phụ huynh hãy tự hào và hiểu cho tụi con được không? Đừng đem số điểm của tụi con ra so sánh với con ông này con bà kia, bởi nó thực sự rất áp lực.
Khoảng thời gian thi xong là khoảng thời gian tụi con cần được thư giãn, nghỉ ngơi chứ không phải là lúc phải ngồi và cảm thấy tội lỗi vì điểm không được cao như chúng bạn. Với bản thân con, một đứa nhỏ từ đầu năm học tới khi thi chưa bao giờ vượt qua con 5 điểm môn Anh Văn, nhưng thi xong con đã được số điểm khiến con cảm thấy rất hài lòng là 8,4 điểm. Thế nhưng phụ huynh con không thấy điều đó.
Đối với ba mẹ con, 8,4 điểm đó vẫn còn thua con bé chị họ nhà kia, nó được tới 9,2 điểm lận. Điểm Toán của con vẫn còn thua bạn hàng xóm nhà nọ, được 9 điểm hơn lận. Từ lúc đi thi tới nay chưa bao giờ con cảm nhận được sự thoải mái từ ba mẹ của mình.
Nhìn ngoài kia các bạn được ba mẹ an ủi, dỗ dành khi thi không tốt mà con chợt nghĩ, nếu con làm bài kém thì ba mẹ có đỡ so sánh hơn hay không? Nhưng có lẽ đó cũng chỉ mãi là suy nghĩ, dù gì con cũng chỉ là đứa thi không bằng cái người mà ba mẹ hay gọi là "con nhà người ta" kia.
Con cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực, bản thân con đã gần như bị trầm cảm trước khi thi, thế nhưng thi xong con vẫn không cảm thấy khá hơn một tí nào chỉ bởi vì những ám ảnh về điểm số ấy. Nếu các bậc phụ huynh đã đọc đến đây, con mong các cô chú hãy hiểu cho con em mình, tất cả chúng con đã cố gắng hết khả năng mà chúng con có rồi. Đừng tạo áp lực lên con nữa nhé".
Hải An, học sinh lớp 12 tại một trường THPT quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, dù chưa có điểm thi chính thức nhưng sau khi tham khảo kết quả trên mạng, em ước tính điểm Anh Văn của mình vào khoảng 8,4 điểm; Toán khoảng 8 điểm, còn Văn thì chưa biết: "Văn thì khó ước tính điểm nhưng viết được 9 mặt giấy thì với em đã là sự bứt phá. Kết quả cơ bản như vậy em thấy khá hài lòng. Tuy vậy những điểm số đó chưa thể khiến bố mẹ vui vì vẫn thua con nhà người ta", Hải An nói.
Hải An cho biết dù buồn nhưng em hiểu bố mẹ cũng chỉ vì mong con được vào trường tốt. Suy nghĩ đó khiến tâm trạng em đang khá dần lên. Được biết, nguyện vọng của Hải An là thi vào ĐH Sư Phạm TP. HCM và ĐH Sài Gòn.
Hạ Uyên