(Tổ Quốc) - Vẫn biết trẻ con là "thật như đếm" nhưng thật thà đến mức này thì có lẽ cô giáo chấm bài cũng hốt hoảng.
Có những bài tập tiếng Việt với người lớn thì chỉ xong trong 1 nốt nhạc nhưng khi giao cho học sinh lớp 1 thì thật sự là một nhiệm vụ khó khăn. Nguyên do là trẻ mới làm quen với dạng bài này, vốn từ còn ít, suy nghĩ khá ngây ngô.... Và thành quả của những em bé mới chuyển từ mầm non lên tiểu học khiến cho nhiều người đi từ ngạc nhiên đến buồn cười.
Một bài tập tiếng Việt của học sinh mới đây được chia sẻ cũng khiến hội phụ huynh được thêm dịp cười nghiêng ngả. Bài tập yêu cầu các bạn học sinh hoàn chỉnh những câu thành ngữ quen thuộc nhưng có vẻ vì chưa thuộc hết bài nên các em phải vận dụng đến sự sáng tạo vô bờ bến của mình. Và kết quả là một loạt những câu thành ngữ mới ra đời khiến bố mẹ và thầy cô đọc xong chỉ biết cười lăn cười bò vì sự ngô nghê của tuổi học trò.
Ban đầu, bài làm của học sinh này có vẻ khả quan vì có nhiều câu đúng. Chẳng hạn: Anh em như thể tay, chân; Chị và em rất yêu thương nhau. Nhưng đến câu thứ 3 và 4 thì "bé lái" khét đến không ai tưởng tượng được. Học sinh này điền sai bét nhè: Ở NÔNG THÔN gặp NÔNG DÂN, bởi câu trả lời đúng là Ở HIỀN GẶP LÀNH. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ thành Một con ngựa nhìn (khắp) cả tàu thủy. Lọt sàng xuống nia thành... Lọt ngay xuống hố.
Về ý nghĩa, các câu này có nghĩa như sau:
- Ở hiền gặp lành: Ở hiền gặp lành có nghĩa là nếu ta đối xử tử tế, nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách hết lòng, không vụ lợi... thì trước sau gì ta cũng được đền bù xứng đáng; những điều tốt đẹp sẽ đến với ta.
- Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ:
- Lọt sàng xuống nia: Người này thiệt thì người kia hơn, người này không được hưởng thì người kia hưởng, không đi đâu mà mất (thường nói về quyền lợi giữa những người có quan hệ thân thuộc).
Bài làm dù sai nhưng ai ngờ được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt tình. Một số người còn chia sẻ rằng nhiều câu trả lời tuy không phải là thành ngữ nhưng lại rất hợp lý trong thực tế như ở nông thôn gặp nông dân. Một số cư dân mạng khác thì lại tranh thủ khoe thêm vài chiến tích tương tự của các bạn nhỏ ở nhà của mình để mọi người cùng giải trí. Đáng nói, dưới phần bình luận, nhiều người phải xin... bản gốc vì đọc bài tập này xong không nhớ câu thành ngữ đúng là gì!
Một bài tập tiếng Việt khác cũng từng gây bão. Đề bài ra đề điền vào chỗ trống của câu văn: "Con cái cần phải biết ơn ..." với đáp án là bố mẹ hoặc cha mẹ. Nhưng vì nghĩ rằng con cái là từ chỉ giới tính nên bạn học sinh này đã hồn nhiên ghi một đáp án khiến cả thầy cô và người đọc đều bật cười "Con cái cần phải biết ơn con đực". Ngay lập tức bức ảnh nhận được vô vàn những bình luận thể hiện sự cảm thông cho em bé, vì với các bạn nhỏ chưa hẳn đã hiểu hết ý nghĩa của các từ ghép như thế này.
Trước đó, bài tập tiếng Việt của một học sinh cũng khiến cô giáo sang chấn tâm lý. Nguyên văn bài tập này như sau: Viết lời đáp trong tình huống sau: "Hà hớn hở hỏi Hoa: "Cậu chuẩn bị đi du lịch Vũng Tàu à? Thích thế! Chúc mừng cậu nhé".
Với câu hỏi này, yêu cầu của cô giáo là trả lời đúng ý, đủ nội dung, chỉ gói gọn trong 2 dòng chứ không cần phải giải thích quá nhiều về chuyến đi. Thế nhưng có lẽ chưa từng đi Vũng Tàu, hoặc quá mệt để nói lời... hoa mỹ, cậu bé chỉ trả lời duy nhất 1 chữ: Ừ!
Vẫn biết trẻ con là "thật như đếm" nhưng thật thà đến mức này thì có lẽ cô giáo chấm bài cũng hốt hoảng. Đọc hết câu mới thấy quả là học trò vẫn cứ là học trò, dù lớn dù nhỏ thì vẫn luôn khiến thầy cô bất ngờ hết lần này đến lần khác vì sự sáng tạo vô biên của mình.
Hiểu Đan