(Tổ Quốc) - Tưởng Khoa học máy tính năm nay đã lấy điểm chuẩn "đỉnh" nhưng ngành học được công bố mới đây càng gây choáng hơn.
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Năm 2021, xét tuyển học bạ vẫn là "mắt xích" quan trọng trong bức tranh xét tuyển đại học của thí sinh và định hướng tuyển sinh của các trường.
Với phương thức sử dụng kết quả học tập THPT năm nay, thí sinh phải đạt 9,9 điểm/môn trở lên mới có thể trúng tuyển ngành Sư phạm hoá học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết sau hơn 1 tháng nhận hồ sơ, trường đã ghi nhận hơn 10.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trên. Qua quá trình duyệt hồ sơ, có gần 8.000 nguyện vọng đủ điều kiện tham gia xét tuyển.
Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngành Sư phạm Hóa học có điểm chuẩn cao nhất là 29,75. Bên cạnh đó, cũng có 2 ngành khác có mức điểm trúng tuyển trên 29 là sư phạm toán học với 29,52 điểm và sư phạm vật lý với 29,07 điểm.
Theo đề án tuyển sinh đã công bố, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả THPT chỉ là một trong các phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay. Ngoài ra, trường còn phần lớn chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số ngành còn dành chỉ tiêu xét kết hợp điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc điểm kỳ thi năng khiếu.
Sư phạm Hóa học - ngành học triển vọng
Ngành Sư phạm Hóa học có tên tiếng Anh là Chemistry Teacher Education. Đây là ngành nghề chuyên đào tạo đội ngũ cử nhân ngành Sư phạm Hóa học có đủ phẩm chất và năng lực để tham gia hoạt động giáo dục và giảng dạy hóa học bậc phổ thông trung học, các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; tham gia công tác nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học cơ bản tại các viện, các trung tâm nghiên cứu.
Hóa học có liên quan tới rất nhiều ngành nghề khác nhau và nó được xem như chất xúc tác giúp cho các ngành nghề có thể phát triển. Trong bối cảnh đất nước đang xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ cần tới một nguồn nhân lực rất lớn ngành Sư phạm Hóa học. Chính vì thế, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể dễ dàng tìm được một công việc phù hợp như:
Làm việc tại các công ty liên quan đến hóa chất.
Làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đặc biệt về về lĩnh vực Hóa học, Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn Hóa học.
Làm công tác giảng dạy Hóa học tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học, hướng dẫn và bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học tại các trường phổ thông.
Học ngành Sư phạm Hóa học ở đâu?
Ngoài Đại học Sư phạm TP.HCM, thí sinh có thể tham khảo một số trường đại học đào tạo ngành Sư phạm Hóa học theo từng khu vực để việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn.
Khu vực miền Bắc: Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên)
Khu vực miền Trung: Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); Đại học Sư phạm (Đại học Huế); Đại học Hồng Đức; Đại học Vinh; Đại học Hà Tĩnh; Đại học Quảng Bình; Đại học Quy Nhơn; Đại học Phú Yên
Khu vực miền Nam: Đại học Sư phạm TP. HCM; Đại học Sài Gòn; Đại học Cần Thơ; Đại học Đồng Tháp; Đại học Đồng Nai; Đại học An Giang.
Tùy vào từng trường khác nhau sẽ có mức điểm chuẩn ngành Sư phạm Hóa học khác nhau. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn trong các kỳ tuyển sinh của các trường thường từ 17 điểm trở lên.
Hiểu Đan