(Tổ Quốc) - Cách đây ít giờ, thầy Đ. bị một trang fanpage tố đã để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho học sinh của mình trong giờ thi thử môn Toán.
Hàng năm, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 vào cuối tháng 3. Đây là kỳ thi thử nhằm đánh giá sơ bộ về chất lượng dạy và học ở các nhà trường, trung tâm, từ đó kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức giảng dạy, ôn tập, giúp các em chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh sẽ làm bài kiểm tra tại nhà và ngoài giờ học trên lớp thông qua Hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ thi khảo sát đã được chuyển sang cuối tháng 5. Ngày 30/5, học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia kỳ thi thử môn Toán. Tuy nhiên một sự việc đã xảy ra, gây tranh cãi trên cộng đồng mạng.
Theo đó một giáo viên dạy Toán có tên N.T.Đ bị tố đã giúp học sinh của mình gian lận trong kỳ thi thử. Được biết thầy Đ. là thầy giáo dạy online nổi tiếng và hiện là giám đốc một trung tâm luyện thi đại học tại Hà Nội. Trang Facebook cá nhân của thầy giáo này có đến hơn 350 nghìn lượt theo dõi.
Cách đây ít giờ, thầy Đ. bị một trang fanpage tố đã để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho học sinh của mình trong giờ thi thử. Nội dung tố cáo cụ thể như sau: "Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức thi thử online ngày hôm qua. Trong thời gian thi, một thầy giáo đã cho trợ giảng của mình giải đề và lấy đáp án đăng lên facebook cho các bạn học sinh đang thi điền. Không xét đến tính chất của kì thi này vì đây là kỳ thi online nên buộc phải chấp nhận những tiêu cực đó nhưng xét trên phương diện một người thầy thì hành động tiếp tay cho học sinh gian lận trong thi cử là sai hoàn toàn.
Công bằng ở đâu cho những bạn học thật, thi thật nếu sáng thứ 2 đi học, kẻ gian lận được 10 điểm "vỗ mặt" những người cất công 90 phút ngồi làm bài. Ý nghĩa của kì thi lại bị chính những người được gọi là thầy mang ra để làm trò truyền thông cho với những con điểm ảo".
Đi kèm với dòng chia sẻ, fanpage này đăng tải hình ảnh chụp trong group luyện thi có hơn 2 nghìn thành viên của thầy Đ. Có thể thấy, thầy giáo này ban đầu đã dặn học trò vẫn đi học thêm bình thường còn: "Kỳ thi của Sở đã có thầy lo". Khi học sinh giục đáp án, thầy Đ. liền trấn an: "Thầy đang dặn trợ giảng rồi. Up lên đây". Đáp án sau đó được trợ giảng có tên T.L đăng lên cho các học sinh điền vào bài thi.
Hiện tại, cộng đồng mạng đang tỏ ra vô cùng bức xúc với hành động của thầy Đ. Nhiều người bày tỏ quan điểm: "Mục đích khi tạo môt bài thi khảo sát của Sở Hà Nội chắc chắn không phải lấy điểm mà là để tham khảo, đánh giá xem học sinh thiếu sót ở những đâu, kiến thức đến mức độ nào. Hành vi của thầy rõ ràng đã tiếp tay cho sự gian lận. Bây giờ thầy giúp các em có được dăm ba điểm thi ảo để sĩ diện với bố mẹ, bạn bè. Nhưng đến kỳ thi thật, liệu thầy có giúp được như vậy nữa không?" - bạn H.T bình luận.
Bạn Q.N than thở: "Bệnh thành tích ảo đây mà! Học trò thì muốn có điểm cao để khoe với bố mẹ, bạn bè. Thầy thì muốn học trò điểm cao để quảng cáo mình dạy giỏi. Chán thay cho người thầy. Làm thầy mà lại dạy các em gian lận".
Hiện tại chúng tôi đang liên lạc với thầy N.T.Đ nhưng chưa nhận được phản hồi.
"Hành động của thầy tiếp tay cho sự gian dối của học sinh"
Sau khi biết đến vụ việc của thầy N.T.Đ, một thầy giáo ở Hà Nội cũng đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm của mình. Thầy giáo này cho biết, hành động của thầy Đ. đã tiếp tay cho tính gian lận, dối trá của học sinh. Điều này càng nguy hiểm khi thầy Đ. là một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, có đông người theo dõi và theo học.
"Gian lận chính là nguồn gốc xảy ra những vụ chạy điểm, chạy trường. Nếu các em học sinh bị nhiễm phải tính gian dối từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sau này khi ra xã hội sẽ dễ mắc phải nhiều sai lầm. Đọc các bình luận có thể thấy, đại đa số học sinh của thầy Đ. đều rất thích thú, ủng hộ hành động của thầy. Dạy sai kiến thức đã cực kì nguy hiểm. Dạy sai đạo đức của hàng ngàn học sinh thi còn nguy hiểm hơn gấp bội".
Nói thêm về kỳ thi khảo sát online và vụ việc của thầy Đ., thầy giáo này đánh giá: "Vì thi trực tuyến nên việc đảm bảo tính nghiêm túc khá khó. Nhiều em cũng chưa quen hình thức thi nên việc đánh giá còn thiếu khách quan. Đặc biệt khâu bảo mật, đảm bảo tính khách quan dễ xảy ra tình trạng gian lận trong làm bài.
Vốn dĩ mục đích của kỳ thi khảo sát là để học sinh tự rà soát lại kiến thức. Chỗ nào còn yếu thì bổ sung. Học sinh phải tự làm bài một cách nghiêm túc thì mới nhận ra điểm yếu của mình .Tuy nhiên có những "thợ dạy" lại yêu cầu học sinh đến trung tâm học. Còn đề thi thì được trợ giảng làm sẵn, học sinh chỉ việc chép. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm và trái đạo đức nghề nghiệp. Học sinh sẽ không biết được mình yếu ở đâu, cần khắc phục những gì".
Thanh Hương