(Tổ Quốc) - Trước những tranh cãi về việc để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho học sinh của mình trong giờ thi thử môn Toán, thầy Nguyễn Tiến Đạt đã đưa ra lý do như sau.
Tối 30/5, một vụ việc xảy ra đã khiến cộng đồng mạng tranh cãi kịch liệt. Theo đó trong giờ thi khảo sát online môn Toán dành cho học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội, một thầy giáo đã để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho các học trò của mình. Hành động này khiến nhiều người bức xúc, cho rằng thầy giáo này đang tiếp tay cho cái sai, dạy học sinh tính gian lận. Nhân vật chính ở đây là thầy Nguyễn Tiến Đạt - thầy giáo dạy Toán online nổi tiếng.
Xem chi tiết vụ việc TẠI ĐÂY.
Hình ảnh chụp từ group ôn thi đại học của thầy Đạt.
Sau khi nhận phải nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận thì hôm nay, thầy Nguyễn Tiến Đạt đã phản hồi về vụ việc này.
“Muốn tạo điều kiện cho các em vướng lịch thi vẫn học được kiến thức mới"
Liên hệ với thầy Nguyễn Tiến Đạt, thầy cho biết việc để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho các học trò của mình là có thật. Giải thích hành động này, thầy Đạt chia sẻ như sau: "Sở Hà Nội có cho học sinh thi thử online. Đề thi rất hay và có tính phân loại, phù hợp cho năm nay. Nhưng cách thi thử online thì có 1 vài bất cập.
Cụ thể giờ thi sẽ kéo dài từ 19h30 đến 22h. Học sinh có thể tham gia bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian này và miễn sao kết thúc trong 90 phút và trước 22h. Học sinh thi chung 1 đề thi và đảo câu hỏi thành các mã đề. Khi thi thử online, nộp bài lên là có thể thấy được câu đúng và câu sai của mình nên những bạn nộp bài sau hoàn toàn có thể hỏi bạn bè đã nộp trước để điền đáp án hoặc nhờ người khác.
Vì vậy chắc chắn không thể đánh giá chính xác điểm số hình thức này. Đã là học sinh thì kiểu gì cũng nghĩ ra cách để trao đổi với nhau nên rất nhiều trường THPT ở Hà Nội không lấy điểm thành phần của bài thi này. Nhưng vì tính bắt buộc phải hoàn thành bài thi nên học sinh buộc phải làm".
Thầy Đạt cho biết nhiều học sinh của mình vì vướng lịch học nên không thể hoàn thành bài thi tại thời điểm đó. Chính vì vậy nên: "Tôi đã dặn các em cứ đi học bình thường để nạp kiến thức mới. Còn bài thi trên, lớp trợ giảng sẽ giúp đỡ các em. Rồi các em sẽ hoàn thành đề thi sau vì tôi sẽ chữa đề thi này, chữa trên livestream vào hôm sau".
Theo thầy Đạt, rất nhiều giáo viên khác cũng làm như vậy nhưng chỉ riêng mình thầy bị lên án: "Điều bất cập đáng nói là có rất nhiều giáo viên cũng công bố đáp án và livestream vào lúc 21h (trước lúc đóng thời hạn nộp bài lại) nhưng không hề bị sao. Nhưng tôi công bố vào lúc 21h kém 7 phút thì bị mọi người lên án.
Trong thời gian bắt đầu giảng dạy đến bây giờ, tôi chưa từng dạy học sinh gian dối. Nhưng với cách đối phó nộp bài, ý nghĩa bài thi không cao thì tôi cho các em bước qua bài thi để dành thời gian học tập những kiến thức khác. Bên cạnh đó, thầy cũng đặt ra câu hỏi: "Liệu có chắc học sinh không nhờ gia sư, bạn bè hay một công cụ nào khác" để vượt qua bài thi?
"Với cộng đồng mạng thì tôi sai nhưng với học trò thì tôi đúng"
Chia sẻ về ý kiến là thầy giáo nhưng lại trực tiếp giúp học sinh gian lận trong bài thi, thầy Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ: "Điểm hướng tới của thi thử là kì thi đại học mà? Còn việc sai hay đúng đó là hệ quy chiếu của mỗi người khi nhìn vào 1 vấn đề. Có thể với cộng đồng mạng là tôi sai nhưng với học sinh của tôi thì lại đúng. Thay vì thời gian đấy các em vẫn học được kiến thức mới mà vẫn qua bài thi (bài thi không lấy điểm của nhiều trường hoặc 1 vài trường lấy điểm hệ số 1 - mà điểm hệ số 1 không ảnh hưởng gì đến điểm phẩy trong giai đoạn cuối này nhiều).
Tôi đã cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định bởi mình biết mình có tầm ảnh hưởng nào đó với học sinh. Trước đây chưa bao giờ tôi làm hộ bài học sinh trong giờ kiểm tra. Nhưng xét về mặt hợp lý của bối cảnh thì tôi vẫn thấy ổn. Và tôi cũng xác nhận các bạn trợ giảng lớp mình có gửi đáp án trong nhóm kín của lớp vào lúc 21h kém 7 phút".
Tôi cũng đã nói trên lớp rất rõ là bài thi này không phản ảnh hoàn toàn điều gì. Thầy không dạy các em gian lận. Nhưng để cho xong điều bắt buộc của nhà trường thì thầy có thể tạo điều kiện. Còn trong mọi bài thi trực tiếp khác, tôi hay nhiều giáo viên đều đề cao tính trung thực và minh bạch".
Thầy Đạt cho biết, bản thân cũng không biết nói sao trước những ý kiến, nhận định trái chiều của cộng đồng mạng. "Trước khi đưa ra quyết định tôi cũng đã suy nghĩ và thấy rằng hợp lý. Chỉ không lường được là mọi người lại đề cao điểm số bài thi online ảo này đến vậy", thầy Đạt nói thêm.
Cộng đồng mạng phản đối dữ dội
Việc công bố đáp án của thầy Đạt có thể xuất phát từ mục đích muốn tốt cho học sinh của mình nhưng xét trên nhiều khía cạnh thì vẫn không hề đúng. Được biết không chỉ cộng đồng mạng mà còn nhiều thầy cô trong nghề cũng tỏ ra bức xúc. Phần đông ý kiến cho rằng: "Kỳ thi khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội có thể còn 1 số bất cập trong khâu quản lý, thời gian nhưng đó là một vấn đề khác. Điều đáng nói ở đây là việc thầy Đạt đã công bố đáp án trong giờ thi, tiếp tay cho cái sai của học sinh.
Càng nguy hiểm hơn khi thầy Đạt là người nổi tiếng, có hàng trăm nghìn người theo dõi và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng. Học sinh có thể học và làm theo cái sai của thầy. Học sinh tìm cách gian lận, đó là cái sai của học sinh. Còn thầy công bố đáp án thì chắc chắn không phải là việc làm đúng. Bên cạnh đó trên cương vị người thầy thì việc hướng các em đến yếu tố trung thực vẫn là mục tiêu cao nhất".
Trước đó, một thầy giáo ở Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm: "Gian lận chính là nguồn gốc xảy ra những vụ chạy điểm, chạy trường. Nếu các em học sinh bị nhiễm phải tính gian dối từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sau này khi ra xã hội sẽ dễ mắc phải nhiều sai lầm. Đọc các bình luận có thể thấy, đại đa số học sinh của thầy Đạt đều rất thích thú, ủng hộ hành động của thầy. Dạy sai kiến thức đã cực kì nguy hiểm. Dạy sai đạo đức của hàng ngàn học sinh thi còn nguy hiểm hơn gấp bội.
Vốn dĩ mục đích của kỳ thi khảo sát là để học sinh tự rà soát lại kiến thức. Chỗ nào còn yếu thì bổ sung. Học sinh phải tự làm bài một cách nghiêm túc thì mới nhận ra điểm yếu của mình .Tuy nhiên có những "thợ dạy" lại yêu cầu học sinh đến trung tâm học. Còn đề thi thì được trợ giảng làm sẵn, học sinh chỉ việc chép. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm và trái đạo đức nghề nghiệp. Học sinh sẽ không biết được mình yếu ở đâu, cần khắc phục những gì".
Chia sẻ này nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ cộng đồng mạng và các giáo viên.
Thanh Hương