(Tổ Quốc) - Mọi em bé đều sở hữu một kho báu tiềm ẩn những thói quen và đức tính tốt. Thế nhưng, những điều tuyệt vời đó sẽ không thể nảy mầm và tỏa sáng nếu bố mẹ không biết cách nuôi dưỡng tâm hồn cho con từ khi còn nhỏ.
Để một cái cây phát triển mạnh khỏe xanh tốt, người trồng cây phải cung cấp cho cây đủ nắng, nước và phân bón, đồng thời cũng phải năng chăm sóc cho cây bằng cách bắt sâu, tỉa cành, ngắt lá bệnh. Để nuôi dưỡng tâm hồn của một đứa trẻ được nhân hậu, trung thực và vui vẻ, bố mẹ cũng phải biết cách chăm bón cho tâm hồn con một cách hợp lý. Một cơ thể khỏe mạnh cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Một tâm hồn khỏe mạnh cũng cần những "dưỡng chất" riêng.
Sau đây là 10 điều những bậc cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng cho con mình một tâm hồn đẹp mà anh Huỳnh Chí Viễn - một thầy giáo ở TP.HCM, đồng thời là một tác giả sách có nhiều bài viết về nuôi dạy con được nhiều phụ huynh đồng tình và yêu thích:
1. Cư xử văn minh với các thành viên trong gia đình
Nhiều phụ huynh hay than phiền con cái của họ rất khó dạy, chỉ có việc chào hỏi người lớn, dạ thưa tử tế, biết cảm ơn và xin lỗi mà dạy hoài không được. Thật ra, muốn con cái cư xử lịch sự lễ phép và văn minh, điều đơn giản nhất là những thành viên trong gia đình phải làm gương cho trẻ thấy mỗi ngày.
Đối với trẻ ở tuổi tập nói, những khái niệm như "lễ phép" hay "lịch sự" là những khái niệm hết sức mơ hồ và không có giá trị gì cả. Việc la mắng hoặc đánh con bắt bé phải lễ phép càng làm cho bé cảm thấy sợ và ghét những gì được dạy và tìm cách tránh né. Để con bạn trở thành một người lịch sự văn minh, hãy làm những điều sau đây với tất cả những người bạn tương tác và cả với con:
a. Chủ động chào hỏi người đối diện khi gặp mặt và trước khi ra về.
b. Cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc nhận đồ từ người khác.
c. Xin lỗi khi làm phiền người khác hoặc làm điều gì không đúng.
d. Xin phép khi muốn đi ra ngoài hoặc làm việc riêng.
e. Trả lời người khác bằng một câu đầy đủ chủ vị với giọng nói lịch sự ôn hòa.
f. Không nói tục chửi thể hoặc vô cớ lớn tiếng hay xẵng giọng.
Nếu bạn cảm thấy những điều này quá khó khăn và phiền phức thì đừng hỏi tại sao con bạn không bao giờ làm được. Chính bạn là người lớn bạn còn không làm thì đừng bắt con mình làm.
2. Trò chuyện với con
Phần lớn các bậc cha mẹ rất lười trò chuyện với con cái. Với cái cớ là bận công việc không có thời gian dành cho những chuyện "trẻ con", bố mẹ Việt Nam thường gói gọn nội dung đối thoại của con cái trong những phạm vi sau:
a. Ra lệnh những điều mình muốn con làm.
b. Ngăn cấm những thứ mà mình không thích con làm hoặc nghĩ rằng không tốt.
c. La mắng khi con làm sai ý mình hoặc khen thưởng nếu con làm đúng ý mình.
Còn lại việc trò chuyện đúng nghĩa với con cái như lắng nghe và giải thích những thắc mắc hoặc tâm sự của con, truyền đạt lại kinh nghiệm của bản thân cho con cái hay chia sẻ những áp lực về mặt tinh thần rất hiếm xảy ra. Các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được cha mẹ dành trung bình từ 1-2 giờ trò chuyện mỗi ngày sẽ có tư duy ngôn ngữ, tư duy logic và chỉ số cảm xúc vượt trội so với những đứa trẻ không thường xuyên trò chuyện với bố mẹ. Con cái độ tuổi thiếu niên nếu trò chuyện thường xuyên với bố mẹ sẽ tự tin hơn trong giao tiếp và ít gặp những vấn đề của tuổi vị thành niên như kết giao với bạn xấu, hút thuốc, uống rượu hoặc quan hệ tình dục quá sớm.
3. Đọc sách cùng với con
Đọc sách là một thói quen tốt mà nhiều nhà giáo dục đã khuyến cáo phụ huynh. Tuy nhiên muốn con có được thói quen đọc sách không có nghĩa là ép buộc con phải đọc sách trong khi bố mẹ không tự mình có thói quen này. Theo thống kê năm 2006 ở Mỹ, tỷ lệ con cái có thói quen đọc sách ở các trẻ em có bố mẹ thường xuyên đọc sách báo là 43% so với 5% đối với những trẻ em có cha mẹ không thích đọc sách. Hãy tập cho con thói quen thích đọc sách qua những bước sau:
a. Thường xuyên đọc truyện cho bé ở độ tuổi mẫu giáo.
b. Đặt ra những câu hỏi dựa trên nội dung truyện để kiểm tra khả năng hiểu biết của con.
c. Dẫn con đi nhà sách và cùng con lựa chọn sách như một thói quen.
d. Đừng chỉ mua cho con một thể loại sách mà con thích mà hãy lựa chọn cho con sách ở nhiều thể loại khác nhau: văn học, khoa học, lịch sử, rèn luyện nhân cách… với độ khó về mặt kiến thức và từ vựng tăng dần theo lứa tuổi của bé.
d. Tạo một kệ sách cho con trong nhà với nhiều loại sách khác nhau được sắp xếp một cách khoa học.
e. Đọc và giới thiệu những quyển sách hay, phù hợp lứa tuổi đối với con.
Lưu ý: thói quen đọc sách là một thói quen cần được luyện tập thường xuyên và mất một thời gian dài để hình thành. Vì thế cha mẹ không được nôn nóng mà phải kiên trì làm gương cho con. Đồng thời muốn con thường xuyên đọc sách thì phải cùng đọc và chia sẻ, bàn luận nội dung sách với con. Không nên dùng những phần thưởng vật chất để khuyến khích con đọc sách vì điều này sẽ hình thành thói quen xấu là con bạn chỉ đọc sách khi được thưởng.
4. Dạy con làm việc nhà
Dạy con làm việc nhà là một điều hết sức hữu ích vì ngoài việc dạy cho con những kỹ năng cơ bản để chăm sóc cho bản thân mình khi cha mẹ không có nhà, làm việc nhà còn giúp cho con chia sẻ trách nhiệm trong gia đình với bố mẹ. Từ đó, con cái sẽ trân trọng những gì cha mẹ làm cho mình và thương yêu cha mẹ hơn. Dù con bạn là trai hay gái, hãy dạy cho bé cách quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt đồ bằng tay và nấu một số món ăn đơn giản trước khi bé lên 10 tuổi.
5. Cùng xem TV với con
Cha mẹ thường lo ngại việc con cái xem truyền hình quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị giác của trẻ, khiến trẻ trở nên lười biếng, chểnh mảng chuyện học hành và học những nội dung xấu trên phim ảnh. Đó là khi bạn để cho bé xem truyền hình một mình và không quan tâm tới những gì bé xem. Hãy tận dụng thời gian xem truyền hình chung với con và biến nó thành một dịp dạy con hữu hiệu bằng cách quy định khung thời gian xem truyền hình mỗi ngày là bao nhiêu, nội dung xem là gì và cùng bàn luận những gì mà bạn cùng xem với bé. Cũng giống như việc đọc sách, hãy đa dạng hóa nội dung xem trên TV thay vì chỉ để trẻ xem một vài chương trình mà bé thích. Điều này cũng có thể áp dụng tương tự cho việc dạy bé sử dụng những kênh Youtube hoặc các trang web trên internet.
6. Cùng con sáng tạo
Bố mẹ nào mà chẳng tự hào khi con mình có thiên hướng sáng tạo như lắp ghép mô hình Lego, chơi được một loại nhạc cụ hoặc vẽ tranh. Tuy nhiên, việc khuyến khích khả năng sáng tạo của trẻ không chỉ dừng ở chỗ là mua cho con những bộ lắp ráp đắt tiền hoặc tìm những lớp năng khiếu cho con đi học mà còn phụ thuộc vào việc bạn có tham gia vào quá trình sáng tạo của con hay không?
Thay vì để con mày mò lắp ráp một mình, hãy cùng con xây dựng những mô hình từ đơn giản đến phức tạp và giải thích những nguyên lý lắp ráp cho con hiểu. Đừng càu nhàu nếu con không thích học đàn mà hãy ngồi tập đàn chung với bé để cảm nhận được rằng việc học đàn không hề đơn giản như bạn nghĩ. Đừng la mắng con bạn nếu bé có lỡ biến mảng tường trong phòng thành một tác phẩm hội họa trừu tượng. Hãy chụp hình bé cùng với tác phẩm của mình rồi treo nó ở đâu đó trong nhà trước khi sơn lại bức tường. Những đứa trẻ sáng tạo cần phải được khuyến khích và động viên để tạo nguồn cảm hứng.
7. Cùng chơi thể thao với con và tạo thói quen ăn uống khoa học
Đừng phàn nàn con mình lười biếng không chịu chơi thể thao nếu bạn có thói quen nằm dài trên ghế salon xem truyền hình từ giờ này sang giờ khác. Đừng bắt bé phải dậy sớm để ra công viên chạy bộ khi bạn còn quấn chăn nằm ngủ vào những ngày cuối tuần. Muốn con cái khỏe mạnh và ham thích thể thao, bố mẹ không được lười biếng vận động. Hãy dành thời gian ít nhất hai ngày trong tuần để cùng con tham gia những hoạt động thể chất như chạy bộ, bơi lội, đánh cầu lông… Những buổi dã ngoại với những trò chơi vận động ngoài trời ngoài việc nâng cao sức khỏe còn có tác dụng gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
Và cũng đừng quên thói quen ăn uống của bé cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của vợ chồng bạn. Hãy tập cho bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau chứ đừng nuông chiều chỉ cho bé ăn những thứ bé thích nhưng có hại cho sức khỏe. Đồng thời tập thói quen ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá và giảm lượng đường và muối trong thức ăn hằng ngày.
8. Nuôi thú cưng hoặc trồng cây
Muốn dạy cho trẻ con lòng nhân từ và tinh thần trách nhiệm, cách tốt nhất là tập cho con cách trồng cây hoặc nuôi thú cưng. Khi một đứa trẻ nuôi thú cưng hoặc trồng cây, bé sẽ học cách quan tâm chăm sóc và tính kiên nhẫn. Đồng thời bé sẽ học cách quý trọng sự sống và yêu thương các loài động vật.
Nếu bạn làm ngơ trước việc con bạn ngược đãi động vật, bạn đang vô tình cho con mình tiến gần hơn tới cái xấu cái ác. Ngược lại, khi dạy con chăm sóc cho cây trồng hoặc thú cưng, bạn đang gieo vào lòng bé những hạt mầm của sự lương thiện. Nếu gia đình không có điều kiện nuôi thú cưng hoặc trồng cây, hãy dành thời gian dẫn bé đi chơi vườn thú hoặc xem những kênh truyền hình về thế giới động vật và giải thích cho con nghe về cuộc sống đa dạng của muôn loài.
9. Cùng con làm thiện nguyện
Lòng thương người là một trong những điều mà cha mẹ phải dạy con cái để giúp con cái định hình nhân cách ngay từ khi rất nhỏ. Hãy dạy con lòng nhân ái thương người bằng cách thường làm những việc tốt giúp đỡ người nghèo trước mặt con đồng thời giải thích cho con nghe rằng những người có số phận bất hạnh cần được giúp đỡ và tôn trọng. Nếu có dịp, hãy dẫn bé cùng bạn đi làm công tác thiện nguyện ở những trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão hoặc bệnh viện... để bé hiểu được rằng có nhiều người khổ hơn mình. Nếu bạn dạy bé phải biết lễ phép lịch sự với người lớn thì đừng quên rằng những người nghèo nếu lớn tuổi hơn bé cũng cần phải được đối xử lịch sự và lễ phép. Đó mới thực sự là đạo đức.
10. Đến dự những hoạt động của con ở trường
Có nhiều bậc cha mẹ muốn con đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi được trường tổ chức để mang phần thưởng hoặc giấy khen về khoe với mọi người nhưng hiếm khi dành thời gian đến dự những cuộc thi hoặc hoạt động của con ở trường. Có một bạn học viên của tôi tâm sự rằng bố của bạn luôn muốn con tham gia các cuộc thi ở trường nhưng chưa một lần đến khích lệ động viên con. Nếu có phần thưởng hoặc giấy khen mang về thì bố bạn sẽ khen một vài câu chiếu lệ còn nếu lỡ như đi về tay trắng thì y như rằng sẽ bị bố mẹ mắng chửi thậm tệ. Điều này khiến cho bạn từ một cô bé năng nổ hoạt bát và tự tin trở nên u uất trầm cảm trong suốt một thời gian dài.
Các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng không có phần thưởng hay giấy khen nào quan trọng đối với con bằng sự quan tâm, khích lệ và động viên từ chính bố mẹ đối với sự nỗ lực của bé. Hãy chứng tỏ cho con mình biết rằng mình luôn tự hào về những gì bé làm cho dù có đạt thành tích hay không.
Hạ Uyên