(Tổ Quốc) - Tranh cãi nổ ra sau khi bài giảng của thầy giáo T. được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người trong ngành cho biết thầy sai kiến thức cơ bản, nhưng đáng chú ý là cách xử lý vấn đề sau đó.
Dạy học trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội đã và đang là một xu hướng được nhiều giáo viên lựa chọn. Trên thực tế, thời điểm chuyển đổi sang hình thức học online năm vừa qua, nhiều thầy cô bỗng được nhiều bạn trẻ quan tâm và thu hút được lượng fan khủng qua những video clip sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên, giảng bài cho hàng ngàn học sinh mỗi lần livestream, những sai sót của giáo viên (nếu có) vì thế cũng bị "soi" kĩ.
Trên nhiều diễn đàn giáo dục hiện đang xôn xao câu chuyện một giáo viên dạy Toán có cái tên khá "kêu": Thầy T. (biệt danh Thầy T.Q.D - giảng viên tại một trung tâm luyện thi tại Hà Nội, hiện trang cá nhân có hơn 22 ngàn lượt theo dõi) dạy sai kiến thức cơ bản về đạo hàm và tính đồng biến, nghịch biến với dạng bài "Tìm m để hàm số đồng biến trên khoảng, nghịch biến trên khoảng (a;b)".
Bị một bạn sinh viên tên M.T phản ánh, thầy T. khẳng định mình đúng và cho rằng: "Em là sinh viên năm 1 phải không? Đề nghị em xem video lại 3 lần, 3 lần, 3 lần...". Nhưng khi các thầy có uy tín chỉ ra chỗ sai và khuyên về đọc lại sách giáo khoa, người này liền xóa bình luận tranh cãi trước đó.
Mọi chuyện tưởng chỉ dừng lại ở đây nhưng đáng nói sau đó, thầy giáo T. lại tiếp tục yêu cầu bạn M.T xóa bài vì "vi phạm pháp luật", và "thầy quản lý nhóm gần 8000 công an ôn thi" nên sẵn sàng kiện ra tòa. Tuy nhiên, sinh viên này cương quyết giữ lại bài viết vì hai lý do: Video là được thầy T. chia sẻ trên trang cá nhân, không phải đi ăn cắp ăn trộm để có. Thứ hai, thái độ của thầy là cực kỳ phản sư phạm.
Sự việc còn đẩy lên cao trào khi một giáo viên khác nghi ngờ về thân thế "Giáo viên khoa Toán - Tin ĐHSP Hà Nội" của thầy dạy Toán này bởi việc dạy sai lý thuyết cơ bản là khó chấp nhận được.
Được biết người này cũng đã gỡ phần thông tin giới thiệu "Giáo viên khoa Toán - Tin ĐHSP Hà Nội" trên trang cá nhân.
Nhiều người cho rằng, việc giáo viên đứng trên bục giảng có tai nạn nghề nghiệp như giảng nhầm, giảng chưa đúng kiến thức... có thể xảy ra. Khi mắc sai lầm, đặc biệt là lần đầu tiên, nỗ lực của nhiều người là cố gắng xóa đi mọi dấu vết và coi như nó chưa từng xảy ra. Nhưng điều đó sẽ phản tác dụng với vai trò là giáo viên. Điều cần thiết là thái độ cầu thị, nhận sai và chỉnh sửa chứ không phải là cách hành xử thiếu sư phạm.
Hiện vụ việc vẫn đang gây xôn xao trên nhiều diễn đàn.
Nguồn: Diễn đàn Toán học Việt Nam
Hiểu Đan