(Tổ Quốc) - Khi nhận được đề thi, các em thường rất hồi hộp, lo lắng. Để đẩy nhanh cảm xúc tiêu cực đó và thay bằng một cảm xúc tích cực, học sinh hãy chọn câu dễ nhất để làm.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, các em học sinh lớp 9 sẽ bước vào một kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội (đối với trường công lập), học sinh sẽ làm 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Về thời gian tuyển sinh, sáng ngày 17/7, các em sẽ thi Ngữ văn, chiều thi môn Ngoại ngữ. Sáng ngày 18/7 thi môn Toán.
Trong những ngày này, học sinh cần có sự ôn tập chu đáo, cẩn thận. Ngoài ra phải giữ tinh thần thoải mái, tránh tinh thần căng thẳng mà ảnh hưởng đến kết quả thi. Đối với môn Toán, các em càng cần có biện pháp ôn luyện tốt và phù hợp - bởi đây là bộ môn được đánh giá là khó nhằn.
Theo đó, trước ngày thi tuyển sinh toán lớp 10, học sinh cần nhớ kỹ các điều sau:
1. Quản lý sức khỏe
Ăn đủ chất - ngủ đủ giấc là việc đầu tiên học sinh cần thực hiện. Tránh tình trạng thức quá khuya học bài, đến ngày thi lại kiệt sức không làm được bài. Một lưu ý đặc biệt nữa: Đó là ngày thi thường hay oi nóng. Nếu hàng ngày học sinh hay dùng điều hòa mà phòng thi lại không có thì dễ dẫn đến việc bị sốc nhiệt. Vậy nên cần đặc biệt chú tâm đến điều này.
2. Biến lạ thành quen
Tâm lý khi đi thi rất quan trọng. Nếu học sinh được dự thi tại ngôi trường mình đang học sẽ thuận lợi hơn bởi mọi thứ đã thân quen. Nhưng nếu đi thi ở một ngôi trường khác, cái gì cũng lạ lẫm sẽ khiến tâm lý học sinh hồi hộp, thiếu tự tin. Vì vậy hãy đến nơi dự thi sớm hơn để dạo chơi, tìm hiểu xung quanh trường, điều này sẽ khiến học sinh cảm thấy thân quen và tự tin hơn.
3. Đồng hồ sinh học của bộ não
Một điều mà học sinh cần làm để rèn luyện khả năng tập trung làm bài trong phòng thi, đó là: Tập làm các đề thi theo khung giờ như của ngày thi thật. Điều này sẽ giúp các em có thể thích nghi và rèn cho bộ não phong độ tốt nhất!
4. Làm mất cảm xúc tiêu cực, thay bằng cảm xúc tích cực
Khi nhận được đề thi, các em thường rất hồi hộp, lo lắng. Để đẩy nhanh cảm xúc tiêu cực đó và thay bằng một cảm xúc tích cực, phấn chấn và tự tin, học sinh hãy chọn câu dễ nhất để làm. Khi hoàn thành được một câu hỏi và chắc chắn có được những điểm số đầu tiên thì cảm xúc tiêu cực sẽ nhanh mất đi và thay bằng cảm xúc tích cực, tự tin.
5. Nguyên tắc làm bài "Bảo toàn điểm số bài dễ trước - chinh phục bài khó sau"
Một trong những thái độ sai khi làm bài mà nhiều học sinh mắc phải là "Đứng núi này, trông núi nọ". Bài 1 chưa xong đã nghĩ đến bài 2, phần dễ chưa xong đã nghĩ đến phần khó. Việc làm này dễ khiến các em bị mất điểm vì chưa suy nghĩ kĩ yêu cầu đề bài, dẫn đến kết luận sai, kết luận thiếu hoặc thừa nghiệm. Vì vậy các em nên tập trung và giải quyết triệt để từng bài.
6. Tinh thần "Tìm kiếm từng 0,25 điểm"
Bạn A có tổng điểm xét tuyển 53 điểm, TRƯỢT! Bạn B có tổng điểm xét tuyển 53,25 điểm, ĐỖ! Từ đây các em thấy việc ĐỖ và TRƯỢT cách nhau đúng 0,25 điểm. Vì vậy việc tìm kiếm từng 0,25đ là rất quan trọng. Mỗi bài toán sẽ được quy ra các ý, mỗi ý đúng đạt 0,25đ. Vì vậy hãy cố gắng phân tích từng chi tiết của bài toán, cho dù không giải được hết và hãy trình bày suy nghĩ và lập luận của mình để nắm trọn từng 0,25 điểm.
7. Một số sai lầm thường gặp
Những sai lầm, những nhầm lẫn thường rơi vào hai bài: Rút gọn biểu thức và các câu hỏi phụ, bài phương trình bậc hai và hệ thức Vi-et.
Đối với bài toán rút gọn và trả lời các câu hỏi phụ, khi kết luận các em cần xem xét kĩ điều kiện của đề bài, xem xét kĩ yêu cầu của bài toán. Đối với câu phương trình bậc hai và hệ thức Viet (hoặc có thể là bài toán tương giao giữa hai đồ thị hàm số rồi quy về bài toán phương trình bậc hai) là câu hỏi bắt đầu mang tính phân loại ở mức độ điểm 8 , nên các em cũng cần đầu tư suy nghĩ thật kĩ, tránh bị thiếu trường hợp, điều kiện không chặt chẽ với yêu cầu bài toán...
8. Chỉ nên bắt đầu chứng minh hình khi đã HIỂU và THUỘC đề
Các em nên đọc thật kĩ và vẽ hình theo đúng yêu cầu, sau đó nhìn vào hình đọc ngược lại đề, đồng thời phân tích từng giả thiết trên hình vẽ.
Ví dụ như đề bài cho "Đường kính AB vuông góc với dây cung MN tại I" thì phải suy luận ngay "I là trung điểm của MN"- những phân tích đó sẽ là dữ kiện đẹp để các em chứng minh.
Một bài hình học trong đề thi thường có ba ý theo thứ tự từ dễ đến khó và thường liên quan đến nhau, ý trước rất có thể là tiền đề để làm ý sau. Vì vậy khi gặp vướng mắc, hãy quay lại xem các ý trước đã chứng minh được gì và khai thác để sử dụng.
9. Chú ý câu hỏi thực tế trong đề thi
Những câu hỏi thực tế thường liên quan đến hàm số bậc nhất, parabol, những câu liên quan đến hình nón, hình trụ, hình cầu … Tuy những dạng câu hỏi này không khó nhưng các em cũng nên chuẩn bị tinh thần, ra soát lại những công thức liên quan đến hình nón, trụ, cầu xem đã thuộc chưa, nếu chưa thuộc phải bổ sung ngay!
Nguồn: Thầy Ngân Kỳ - Nhóm Đồng hành cùng Học sinh giỏi
Thanh Hương