(Tổ Quốc) - Thấy con trai sợ hãi vì chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, chị Dương lập tức có cách xoa dịu con cực kỳ thông minh và tinh tế.
Vợ chồng chị Dương (Trung Quốc) mới mua một căn nhà trả góp. Mỗi tháng anh chị đều mất một khoản tiền lớn để trả nợ, cộng thêm các loại phí sinh hoạt khiến cả hai chẳng dành dụm được bao nhiêu. Gánh nặng về tiền bạc khiến tần suất hai vợ chồng cãi vã nhau càng lúc càng nhiều.
Một tối nọ, vợ chồng chị lại cãi nhau về việc chi tiêu hàng tháng. Chị Dương yêu cầu chồng cắt giảm tối đa khoản ăn uống ngoài với đồng nghiệp. Tranh cãi một một hồi khiến 2 người dần trở nên to tiếng và mất kiếm soát, cho đến khi anh chị giật mình nghe thấy tiếng khóc của con trai nhỏ Tiểu Bảo ngoài cửa.
Hóa ra trong lúc cả 2 đang cãi nhau thì cậu con trai 5 tuổi tỉnh ngủ, dậy đi WC. Lúc đi ngang qua phòng bố mẹ, nghe thấy tiếng cãi nhau nên sợ hãi, khóc thét lên. Thấy khuôn mặt con thảng thốt, nước mắt chảy ròng ròng, vợ chồng chị Dương bấy giờ mới giật mình chạy vội ra dỗ con. Nhưng cả hai nói thế nào, Tiểu Bảo vẫn không ngừng khóc.
Suy nghĩ một lúc, chị Dương nhẹ nhàng vỗ lưng con bảo: "Tiểu Bảo đừng sợ. Người ta cãi nhau bởi vì họ không đồng tình với quan điểm của người kia. Trẻ con cãi nhau thì người lớn đôi khi cũng như vậy. Nhưng bố mẹ luôn làm lành bởi vì bố mẹ yêu thương nhau và yêu con rất nhiều".
Câu nói của mẹ khiến Tiểu Bảo nín khóc lập tức. Cậu bé lấy tay lau nước mắt và nhoẻn miệng cười với bố mẹ. Còn vợ chồng chị Dương thì lén nhìn nhau rồi thở phào. Sau lần đó, cả hai cố gắng kìm chế cảm xúc, không to tiếng với nhau để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Bố mẹ đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con
Các bậc cha mẹ đều nhận thức được việc cãi nhau trước mặt con là không nên. Tuy nhiên khi xung đột xảy ra, chúng ta đôi khi không kiềm chế được cảm xúc của mình, dẫn đến việc lời qua tiếng lại. Khi chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa, trẻ nhỏ sẽ phải chịu rất nhiều hậu quả nặng nề về mặt tâm lý.
Theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Phát triển trẻ em, căng thẳng liên quan đến việc sống trong một ngôi nhà có xung đột cao sẽ làm giảm hiệu suất nhận thức của con. Khi cha mẹ căng thẳng thường xuyên, con sẽ gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh sự chú ý và cảm xúc. Khả năng giải quyết vấn đề và tiếp thu các thông tin mới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, con có thể trở nên hung hăng; tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm; tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên; nhìn nhận cuộc sống theo hướng tiêu cực. Ngoài ra con còn có thể gặp rắc rối về thể chất. Cụ thể khi thấy cha mẹ cãi nhau, con sẽ cảm thấy buồn bã, lo lắng. Cảm giác này có thể được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của con và giấc ngủ của con,...
Chính vì vậy, khi có mâu thuẫn xảy ra, bố mẹ hãy cố gắng ngồi xuống, cùng nhau tìm cách giải quyết thay vì nạt nộ, cãi vã nhau. Con chỉ có thể hạnh phúc và thành công nếu được sống trong môi trường bao bọc và đầy tình thương.
Thanh Hương