(Tổ Quốc) - Muốn tạo ra những "quả ngọt" trong tương lai, các bậc làm cha, làm mẹ hãy bắt đầu thay đổi "thế giới bên trong", thay đổi chính mình.
"Mỗi lần đưa con tới lớp, đều nhìn thấy tấm bảng treo ở dọc hành lang này. Mình coi nó là quan niệm tiến bộ ở các trường công lập và khá đồng tình với góc nhìn này", chị Tiểu Phương, 1 bà mẹ Hà Nội có 2 con nhỏ (7 tuổi và 5 tuổi), hiện đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông chia sẻ câu chuyện của mình bắt đầu từ tấm bảng như thế.
Dạy con từ chính trải nghiệm của mình, bà mẹ ở Hà Nội này đã có những bước chuyển hóa tích cực để vừa là tấm gương cho con, vừa kéo khoảng cách giữa bố mẹ và con cái gần hơn, gần hơn từng chút một. "Trước khi thay đổi con, hãy thay đổi chính mình", bởi con cái chính là sự phản chiếu của bố mẹ. Đó là bài học quan trọng chị Phương nhận ra trong quá trình học làm mẹ của mình.
Con sẽ làm theo những gì chúng ta làm, chứ không phải theo những gì chúng ta nói
Ngày trước, mỗi lần đi làm về, vừa bước vào cửa, bà mẹ đã luôn hằm hè: "Các con không chào mẹ à". Nhưng giờ thì khác, vừa mở cửa, mình đã chủ động vui vẻ nở nụ cười thật tươi và chào trước: "Mẹ chào 2 con nhé". Đều đặn khoảng 1 tuần sau thì 2 đứa con có sự thay đổi, thấy dáng mẹ về sau tấm kính, chúng nó đã hô to: "Con chào mẹ ạ!".
Thay vì rao giảng đạo đức "Con phải ngăn nắp, gọn gàng", khi được chồng nhắc, mình luôn để ý hơn vào việc xếp guốc ngay ngắn vào kệ mỗi khi vào nhà, chủ đích là để cho bọn trẻ con thấy hành động này. Nếu chúng mải chơi không nhìn thì mình luôn nhắc to: "Các con ơi, nay mẹ xếp gọn giày của mẹ rồi nhé". Và đúng như dự đoán, mình thấy bọn nhỏ có sự biến chuyển rất nhanh ở khâu xếp dép lên kệ.
Trong chương trình "Vì con xứng đáng" mà chị bạn thân đã share, Lê Yến Hoa có đưa ra 1 ví dụ khá thú vị: Một con vịt con nở ra từ một quả trứng, điều đầu tiên nó thấy, nếu con vịt mẹ rỉa lông, nó cũng rỉa lông, nếu con vịt mẹ kêu cạc cạc, nó cũng kêu kéc kéc. Nếu vịt mẹ nhảy xuống bơi, vịt con có thể không biết nước là gì nhưng nó cũng nhảy xuống bơi theo vịt mẹ. Đặc biệt, những đứa trẻ ở giai đoạn cửa sổ (0-6t) sẽ luôn sao chép, bắt chước lại hành động của người lớn.
Điều đó đủ thấy: Con sẽ làm theo những gì chúng ta làm, chứ không phải theo những gì chúng ta nói. Cũng như vậy, cách giải quyết, xử lý tình huống của bố mẹ trước các sự việc xảy ra trong cuộc sống sẽ góp phần hình thành tính cách của con. Nói một cách khác, con cái chính là sự phản chiếu của bố mẹ. Nếu bạn hay cáu gắt thì đừng ngạc nhiên, tại sao đứa con hay lăn đùng ra ăn vạ hoặc giận dữ một cách bất thường! Nếu bạn lúc nào cũng phơi phới, hạnh phúc, thì hãy tin, con bạn lúc nào cũng sẽ tươi vui và đầy cảm xúc tích cực!
Vì thế, muốn tạo ra những "quả ngọt" trong tương lai, - các bậc làm cha, làm mẹ hãy bắt đầu thay đổi "thế giới bên trong", thay đổi chính mình.
Hãy là "đồng bọn" của con, về cùng phe với con
Trước mặt trẻ con, chúng ta thường hay nghe những câu phàn nàn của ông bà, bố mẹ về con trẻ như "Con bé không giỏi thể thao", "Thằng nhỏ bướng lắm", "Con em rụt rè và nhút nhát" hay "bé nhà em ích kỷ lắm",… Tuy nhiên theo chị Phương, đây đều là những điều hết sức hạn định. Càng phải nghe kịch bản này lặp đi lặp lại nhiều, con bạn sẽ có chiều hướng "viết cuộc đời mình" theo hướng đó.
"Thời gian này mình cũng đã bớt cáu bẳn với con. Khi thấy nó lười ăn, thay vì quát "ăn uống thế à con?" thì trấn tĩnh suy nghĩ về nguyên nhân "có thể hôm nay con mệt" hay "có lẽ trước đó bà giúp việc đã cho con ăn no rồi"… Thời gian này đã khen con nhiều hơn nhưng không khen theo kiểu "nịnh đầm" mà khen theo quá trình, sự nỗ lực của trẻ.
"Trước đây, mình thường dùng vai của 1 người mẹ, cao hơn con để nhìn nhận, đánh giá mọi việc hoặc áp đặt con nhưng khi hiểu mình cần thay đổi mình trước, mình luôn hạ cái tôi xuống, đứng bằng với con, hiểu cảm xúc của con để dùng yêu thương cảm hóa.
Rất lâu rồi, mình không cần dùng đòn roi hay trừng phạt con nữa, luôn có cách nhẹ nhàng để xử lý mọi việc. Luôn tôn trọng con và coi con là bạn. Khi con yêu mình, tự khắc sẽ nghe lời mình. Mình từng nghe ai đó nói rằng: Hãy là "đồng bọn", "đồng lõa" của con, về cùng phe với con. Con ăn gì, làm gì, học gì, chơi gì, mẹ hãy đồng hành cùng. Chính vì vậy mà khi con học piano, mình cũng bắt đầu học piano, khi con học patin, mình cũng bắt đầu học patin, con học vẽ, mình học vẽ. Luôn có mẹ cùng học, cùng chơi, mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều", chị Phương chia sẻ.
Khi đọc cuốn sách "Người mẹ tốt hơn người thầy tốt", chị Phương khá ấn tượng với hình ảnh người bố cùng học Toán với cậu con trai cấp 3. Con anh học Toán không tốt lắm. Anh nhìn vở Toán của con, thấy những nội dung đó vượt quá phạm vi kiến thức của mình. Thay vì thuê gia sư phụ đạo hoặc cho đi học thêm như nhiều người khác, anh bắt đầu nghiên cứu sách giáo khoa môn Toán. Người bố không chỉ giả vờ làm học sinh mà học một cách rất nghiêm túc. 2 bố con cùng học, cùng trao đổi, thậm chí có lúc con anh dạy anh học. Nhờ đó, trình độ con trai của anh này tiến bộ rõ rệt.
"Chính vì vậy, mình nghĩ, đã là bố mẹ, chúng ta nên đầu tư một chút để trở thành bạn của con, thay vì chỉ bỏ tiền ra mua đồ chơi, mua quần áo, mua bất cứ thứ gì con thích, nhưng lại không chịu hy sinh thời gian, công sức, trí tuệ cho con hoặc bỏ mặc, đặt chế độ "tự lái" để dạy con" – chị Phương nhấn mạnh.
Hạ Uyên