Tài xế container nói dối bỏ nghề để lấy vợ, hàng xóm dị nghị: "Nay gái này, mai gái khác, ở nhà ghen đủ chết"

(Tổ Quốc) - Từng phải nói dối và giả vờ nghỉ việc để người yêu chịu cưới, hai lần con chào đời đều vắng mặt bố… là một trong số vô vàn những nỗi niềm của tài xế container trẻ.

LTS: Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến xe tải, xe container, xe đầu kéo gây chết người hàng loạt khiến dư luận bất an, lo sợ.

Người ta ví xe container (đầu kéo) như những "hung thần xa lộ", gây ra tai nạn với hậu quả thảm khốc, trở thành nỗi khiếp đảm của người đi đường. Tài xế container cũng bị nhìn với ánh mắt dè chừng, miệt thị. Nhiều người cho rằng tài xế container là những người "cơm chợ vợ đường" - ý chỉ cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, không chung thủy.

Thế nhưng đằng sau vô lăng, đằng sau những lời thị phi ấy, ít ai biết được cuộc sống thực sự của những người tài xế. Họ cũng đã phải trải qua không ít khó khăn, chật vật để nỗ lực xây dựng cuộc sống riêng vẹn toàn.

Chuyện tài xế xe container phải nói dối để lấy được vợ

Những anh chồng tài xế xe đường dài luôn gắn chặt cuộc sống của mình với cung đường dài và không có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Do đó, xã hội luôn xuất hiện định kiến cho rằng: Cô gái nào lấy chồng là tài xế đường dài sẽ rất khó để giữ gìn hạnh phúc gia đình, phải chịu nhiều thiệt thòi khi chồng thường xuyên vắng nhà.

Không ít người vợ có chồng làm tài xế xe đường dài từng lên mạng tâm sự về nỗi lòng, thiệt thòi gặp phải khi trót nên duyên với người đàn ông mà thời gian ngồi trên cabin xe còn nhiều hơn ở nhà.

Nhưng mấy ai biết, chính những tài xế ấy, sau nhọc nhằn của công việc mưu sinh, sau nhiều tháng ngày rong ruổi, đôi khi họ cũng có giây phút chạnh lòng khi nghĩ về gia đình, vợ con.

Anh Phạm Tý, quê Hải Phòng, là tài xế xe container chuyên chở hàng hóa từ Nam ra Bắc. Anh đã gắn bó với công việc này được 6 năm.

Tài xế container nói dối bỏ nghề để lấy vợ, hàng xóm dị nghị: Nay gái này, mai gái khác, ở nhà ghen đủ chết - Ảnh 2.

Anh Phạm Tý chia sẻ nhiều nỗi niềm phía sau vô lăng trong suốt 6 năm gắn bó với nghề

Anh Phạm Tý thừa nhận, những thiệt thòi mà vợ của tài xế xe container đối diện là hoàn toàn có thật và không thể kể hết được. Là một người chồng, người cha, anh ngày càng thấm thía điều này.

Anh thú nhận trước đây đã phải nói dối, hứa hẹn bỏ nghề thì mới lấy được vợ. "Lúc đó vợ mình không chịu cưới đâu dù yêu nhau sâu đậm và hai đứa đều xác định lâu dài.

Mình đã phải hứa bỏ nghề lái xe, thậm chí mình nghỉ việc một thời gian thật để cô ấy và gia đình tin. Đến mức đó vợ mới chịu về chung một nhà với mình. Cưới xong được nửa tháng thì mình quay lại lái xe đường dài.

Thực sự cũng không muốn lừa dối vợ đâu, chỉ là cuộc sống khó khăn, chật vật quá, không đi làm thì lấy gì sống..."

Suốt 6 năm qua, anh Tý lần lượt đón nhận hạnh phúc khi cô con gái đầu lòng và con trai thứ hai lần lượt ra đời.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng của người đàn ông trụ cột trong gia đình, để một mình vợ chăm sóc, dạy dỗ hai con nhỏ là điều không dễ dàng.

Tài xế container nói dối bỏ nghề để lấy vợ, hàng xóm dị nghị: Nay gái này, mai gái khác, ở nhà ghen đủ chết - Ảnh 3.

Con gái đầu lòng của anh năm nay 6 tuổi, con trai thứ hai 4 tuổi - Hai con là động lực để anh Tý cố gắng trong công việc.

"Mình từng đọc chuyện nhiều cô vợ chia sẻ về khó khăn khi có chồng làm nghề "cơm chợ, vợ đường" này. Đến khi chứng kiến vợ phải một mình gồng gánh việc nhà, nuôi dạy con cái mới càng thấm thía hơn.

Biết là yêu nghề lái nhưng hầu như mình đi làm 24/7, thời gian dành cho gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều lúc muốn đổi nghề khác cho bản thân, vợ con đỡ vất vả nhưng khó lắm, kinh tế gia đình cũng không dư giả gì, trình độ không có, biết làm gì cho có đồng ra đồng vào.

Con cái ngày một lớn, cu út cũng đã 4 tuổi, một mình vợ không kham nổi. Lúc hai con chào đời, mình đều không thể ở bên động viên, chăm sóc vợ.

Nhớ lần sinh cháu thứ hai, lúc đó mình đang nằm chờ bỏ hàng ở biên giới. Nhận được cuộc gọi của vợ, cứ ngỡ cô ấy điện hỏi thăm, nói chuyện như mọi hôm thôi chứ có biết vợ sinh rồi đâu.

Cô ấy sợ mình lo lắng, ở xa cũng không làm được gì nên sinh xong mới bất ngờ gọi điện rồi bật video cho mình ngắm thằng cu vừa ra đời, còn đỏ hỏn. Cảm giác lúc đó nghẹn ngào lắm, không biết diễn tả ra sao nữa" – Tài xế quê Hải Phòng tâm sự.

Động lực để bám trụ với công việc nhọc nhằn chính là gia đình

Không thể đong đếm được những khó khăn, vất vả khi làm nghề tài xế xe container. Dù chỉ mới theo sự nghiệp cầm lái 6 năm, anh Phạm Tý không nhớ nổi số bữa cơm đường cháo chợ ăn vội, những bữa tối 11-12 giờ đêm mới xong chuyến để ăn, hay giấc ngủ trưa trên cabin ngay giữa trưa hè bỏng rát.

Chưa kể đến những nguy hiểm rình rập, đe dọa sự an toàn và cả tính mạng của cánh tài xế khi rong ruổi trên những cung đường Bắc - Nam bất kể đêm ngày.

Tài xế container nói dối bỏ nghề để lấy vợ, hàng xóm dị nghị: Nay gái này, mai gái khác, ở nhà ghen đủ chết - Ảnh 5.

Bữa trưa tạm bợ, vội vã giữa chuyến hàng của anh Tý và đồng nghiệp

Chỗ dựa tinh thần duy nhất và cũng là động lực cho anh Tý chính là vợ và hai con. Khi nhắc đến vợ, anh không giấu niềm yêu thương xen chút tự hào:

"Dù định kiến xã hội về cánh tài xế đường dài chúng mình không ít, vợ từng phải nghe người ta nói mỉa: "Sung sướng, tự hào gì cái nghề lái xe nay đây mai đó, xem được bao lâu? Nay nó con này, mai con khác, ở nhà ghen cũng đủ chết!"

Thế nhưng, cô ấy lại hết sức thấu hiểu, biết nghề của chồng đủ nhiều áp lực rồi, nên vợ chưa từng tạo thêm áp lực gì.

Hai lần vượt cạn vắng chồng, cô ấy không một lời kêu ca, trách móc khiến mình càng thương hơn. Lúc nào cũng bảo: "Anh cứ yên tâm đi làm, em không sao đâu", dù mình biết sau đó là cả một bầu trời tâm trạng.

Vợ mình vốn sinh ra trong gia đình khó khăn nên rất chịu thương, chịu khó, ngoan hiền, đảm đang. Cô ấy luôn ở phía sau, là hậu phương vững chắc, ủng hộ mình trong công việc để chồng đỡ áp lực hơn".

Với tài xế đường dài như anh Tý, bữa cơm, giấc ngủ êm ấm ở nhà là điều xa xỉ. Do đó, mỗi khi chồng về nhà, vợ anh luôn chuẩn bị những bữa cơm ngon lành, đẹp mắt để vợ chồng, con cái cùng quây quần ăn uống, chuyện trò.

Anh Tý kể, nhiều đêm một mình rong ruổi trên những cung đường, anh không tránh khỏi cảm giác tủi thân, nhớ vợ, thương con.

Cả hai con nhỏ của anh đều ngoan ngoãn vâng lời. Tất cả nhờ có sự dạy dỗ, chăm sóc của người vợ, người mẹ tảo tần, chịu khó. Bố thường xuyên vắng nhà, con gái lớn đã biết tự lập và đỡ đần mẹ việc nhà, trông em.

Chính các con động lực để anh Tý cố gắng, mỉm cười khi nhớ đến, dù đi đâu cũng một lòng hướng về tổ ấm nhỏ.

Tài xế container nói dối bỏ nghề để lấy vợ, hàng xóm dị nghị: Nay gái này, mai gái khác, ở nhà ghen đủ chết - Ảnh 6.

Các tài xế container mong muốn xã hội sẽ bớt định kiến, có cái nhìn bao dung, khách quan hơn về công việc lắm nhọc nhằn của họ

"Thực ra nghề này nguy hiểm, nhọc nhằn, bị xã hội nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, nhưng thu nhập của mình cũng không cao, chỉ khoảng 15 triệu/tháng.

Chưa kể gặp phải mấy tay chủ xe làm ăn không rõ ràng, có đợt mình làm cả năm không được trả lương. Họ còn tìm mọi cách bắt lỗi, trừ tiền của tài xế, cuối cùng nản quá mình phải bỏ công ty cũ sang làm chỗ khác.

Gian nan là thế nhưng vẫn phải bám trụ để kiếm tiền nuôi con, nhiều lúc chán nản, mình chỉ biết nghĩ về nụ cười hồn nhiên của các con để cố gắng" – Anh Phạm Tý bộc bạch.

Dẫu biết rằng công việc nào cũng chất chứa đằng sau nhiều góc khuất, nỗi niềm, nhưng có lẽ với các tài xế xe đường dài, gian nan còn gấp bội khi không thể có được cả sự nghiệp và niềm hạnh phúc được quây quần bên gia đình.  

Ngân Hà

Tin mới