(Tổ Quốc) - Xe container đang lên đèo, không thể dừng xe vì sẽ gây nguy hiểm cho các xe phía sau, tài xế chỉ còn cách la hét thật to mong giải quyết được.
LTS: Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến xe tải, xe container, xe đầu kéo gây chết người hàng loạt khiến dư luận bất an, lo sợ.
Người ta ví xe container (đầu kéo) như những "hung thần xa lộ", gây ra tai nạn với hậu quả thảm khốc, trở thành nỗi khiếp đảm của người đi đường. Tài xế container cũng bị nhìn với ánh mắt dè chừng, miệt thị. Nhiều người cho rằng tài xế container là những người "cơm chợ vợ đường" - ý chỉ cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, không chung thủy.
Thế nhưng đằng sau vô lăng, đằng sau những lời thị phi ấy, ít ai biết được cuộc sống thực sự của những người tài xế - cuộc sống đầy chật vật, gian truân, nguy hiểm trên từng cung đường.
Nghề lái xe phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội vì khác với ngành nghề khác, công việc này liên quan trực tiếp đến sự an toàn của nhiều người.
Thời gian gần đây, những vụ tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân do lái xe container (xe đầu kéo) có dấu hiệu buồn ngủ mất lái khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.
Từ đây, không ít người làm nghề tài xế đường dài đã bộc bạch tâm tư của riêng mình khi cầm vô lăng.
Tài xế là một trong những nghề nhận nhiều rủi ro, bởi chỉ cần một chút sơ suất thì có thể mất cả mạng sống của chính mình và những người xung quanh. (Ảnh minh họa)
Có gần 20 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Cường (40 tuổi), một tài xế đường dài ở thành phố Hồ Chí Minh không ít lần đối mặt với những tình huống hiểm nguy trên đường:
"Tôi chuyên chạy chuyến ban đêm, nhiều lúc mệt mỏi, buồn ngủ lắm, nhưng vất vả mãi thành quen. Còn nhớ có đêm lái xe trên đèo đoạn Lăng Cô – Huế, xe đột nhiên bị hỏng hộp số, tôi phải chạy từ từ. Thế là có người nhảy lên xe, phá khóa trộm đồ.
Lúc đó xe đang lên đèo, phía sau nhiều chiếc nối đuôi nhau, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên tôi chỉ còn cách hét thật to cho người đó sợ. Một lúc sau anh ta mới nhảy xuống khi thấy có xe khác chạy qua giúp tôi.
Dù đã cố ngủ đủ giấc để đảm bảo an toàn, nhưng nhiều đoạn đường đồi núi, lại chạy đêm khiến tôi không ít lần đối diện với tử thần.
Đó là khi gặp xe tải chạy ngược chiều mình phóng nhanh, cua gấp ở đoạn khuất tầm nhìn, hay xe máy vô tư chạy lạng lách, lấn đường…Tôi phải cố căng mắt ra xử lý cho kịp.
Ấy vậy mà người ta nói tài xế kinh nghiệm, tay lái vững cũng chưa đủ, nhiều tình huống thót tim chỉ biết trông chờ vào may mắn để tránh tai nạn" – Anh Nguyễn Cường kể.
Còn với anh Trần Duy Điệp (34 tuổi), quê Nghệ An - tài xế chạy xe container chạy chuyến Nam - Bắc, điều ám ảnh nhất chính là những lần xe hư giữa đêm, ngay đoạn đường đồi núi, vắng vẻ.
"Có lần xe tôi bị hư điện ngay giữa đêm, đoạn đường vắng cũng chẳng có ai mà nhờ giúp đỡ. Nói thật lúc đó sợ chứ, nhỡ kẻ xấu đến cướp bóc thì cũng chịu, chuyến hàng lại đang bị chủ hối thúc, chỉ biết nằm chờ trời sáng và trách cái số mình vất vả, đen đủi thôi.
Hư xe đã thế, chuyện xe container xếp hàng dài vài cây số vì tắc đường cũng không hiếm hoi và vất vả không kém. Cánh tài xế chúng tôi hay chia sẻ khoảnh khắc nấu ăn, ngủ ngay trên xe vì đợi cảnh tắc đường".
Bữa bữa ăn được anh Điệp và đồng nghiệp "chế biến" ngay trên xe
Nhận lại sự đối xử không xứng đáng sau những nhọc nhằn, nguy hiểm
Công việc nào cũng có vất vả, gian truân nhưng có lẽ với những lái xe đường dài, nhọc nhằn còn nhân lên gấp bội khi sau những vất vả, nguy hiểm, nhiều người nhận lại sự đối xử tệ từ phía chủ xe.
Anh Trần Duy Điệp cho hay, dù đã có hàng chục năm gắn bó với nghề lái xe đường dài, nhưng càng lớn tuổi, anh càng muốn chuyển nghề bởi sức khỏe không đáp ứng được với những nhọc nhằn sau tay lái.
"Có đợt tôi nghỉ đường dài về chạy cảng, cùng một người em xin một công ty vận tải, có 6 chiếc xe mà 4 người chạy bằng giả, chỉ anh em tôi có bằng thật.
Ban đầu chúng tôi không biết, sau ngồi ăn cơm, nói chuyện với các đồng nghiệp khác mới nghe kể họ chưa có bằng, xin vào đây chạy để học hỏi kinh nghiệm chứ đi lơ ít được cầm lái.
Vì không có bằng nên họ lái xe không lương, chỉ được ứng tiền tiêu, chủ ép sao cũng phải chịu. Từ đó, chủ nhà xe cũng căn vào đó ép lương tài xế có bằng thật như tôi và đứa em, họ chỉ cho chúng tôi ứng tiền nhỏ giọt, chạy được thời gian tôi chán quá nên nghỉ ngang, đến giờ vẫn chưa đòi được lương".
Công việc đầy rẫy vất vả, áp lực, lái xe còn phải đảm bảo an toàn cho hàng hóa giao đúng hẹn. Ai cũng tranh thủ ăn uống tạm bợ, cố gắng cho kịp tiến độ tranh thủ đi cả ban đêm vì khung giờ vắng vẻ, dễ đi.
Công việc vất vả, họ càng nhọc nhằn, khốn đốn hơn khi bị chủ xe tìm mọi cách bớt xén tiền công. Anh Duy Điệp kể thêm: "Lúc mới vào, nói chuyện lương bổng và công việc với chủ nghĩ lương cao lắm nên cố gắng chạy.
Đa số là khoán chuyến, chạy nhiều công nhiều, chạy ít thì lương ít. Những khi không có hàng, tài xế nằm ở bãi xe chầu chực, lúc hàng về ồ ạt một lần thì chủ họ hối thúc, chuyến này đi gấp, chuyến kia cần ngay.
Tài xế chúng tôi dù mệt mấy cũng lo chạy để tới tháng có lương, nhiều lúc mắt mở không ra, thử hỏi vì sao tai nạn nhiều. Khi ấy, tài xế là người chịu toàn bộ thiệt hại.
Ấy vậy mà xong việc, chủ không thanh toán tiền công một lần. Chúng tôi toàn bị cho ứng nhỏ giọt gọi là chi phí đi đường, ăn uống, mỗi lần tầm hơn 1 triệu.
Cứ nghĩ để cuối tháng dư ra nhận một lần, nhưng chủ lại viện đủ lý do như chưa thu được tiền hàng, cần vốn xoay vòng… Tài xế chỉ biết ngậm ngùi chịu, vì nghỉ là mất luôn tiền công".
Tìm niềm vui từ công việc lắm gian truân
Bữa ăn không đúng giờ, giấc ngủ chưa tròn vẹn, hiểm nguy tai nạn rình rập, không có khái niệm ngày và đêm, đồng hồ sinh học của các tài xế đường dài thay đổi và quặn đắng như những ly cà phê "gió bụi dọc đường".
Nếu cứ mãi nghĩ về nguy hiểm, khó khăn bủa vây, có lẽ họ sẽ khó bám trụ nổi hàng chục năm với nghề.
Đa số cánh tài xế đường dài đều chọn cho mình cuộc sống đơn giản, suy nghĩ phóng khoáng, bằng lòng với niềm vui giản dị có được trên những cung đường.
Những bữa "cơm nhà" ấm lòng dọc đường đi
Anh Nguyễn Cường, tài xế đến từ thành phố Hồ Chí Minh, người đến với nghề lái xê xuất phát từ đam mê khám phá những cung đường mới cho hay:
"Vất vả là thế nhưng anh em chúng tôi vẫn tìm thấy niềm vui khi đến những vùng đất mới, gặp gỡ người dân nhiệt tình, chất phác dọc đường đi.
Dừng xe bên quán ven đường, chúng tôi có những địa chỉ quen mà chỉ cần tấp vào là các chị, các cô đã bê sẵn mâm cơm ngon lành như cơm nhà lên.
Họ biết khẩu vị của khách quen, anh này không thế thiếu quả ớt tươi trong mâm, anh kia thích ăn nhạt hơn… như người thân trong gia đình vậy."
Cuộc sống xa nhà, họ tìm niềm vui trong những cuộc vui với anh em, bạn bè. Họ trao đổi kinh nghiệm lái xe, lập thành hội nhóm trên mạng xã hội để tâm sự, cùng giải quyết khó khăn mà từng người gặp phải.
"Chúng tôi đối mặt với việc mất cắp bình ắc quy, gương xe, lốp xe, biển số…như cơm bữa. Do tuyến đường chạy dài, nhiều lúc buồn ngủ không thể chống chịu nổi nữa, phải tấp vào bên đất trống, lúc này các "đạo chích" sẽ thi nhau "luộc" đồ.
Để đối phó, chúng tôi "mách nước" nhau phải chuẩn bị sẵn trên xe một thanh sắt hoặc thanh gỗ to, khi xe dừng thì vờ cầm thanh sắt xuống gõ vào lốp. Như thế khi bọn đạo chích thấy được cũng phải dè chừng.
Rồi có bất trắc gì trên đường thì anh em dặn nhau phải giúp đỡ đồng nghiệp dù quen biết hay không, để kẻ xấu không dám động đến cánh lái xe đường dài chúng mình" – Anh Cường bộc bạch.
Nhọc nhằn là vậy, nhưng có lẽ chính những niềm vui giản dị và nỗ lực và làm việc bằng cái tâm là điều khiến các tài xế đường dài gắn bó với công việc của mình.
Ngân Hà