(Tổ Quốc) - Qua phân tích nhiều ca bệnh thực tế trên lâm sàng, các nhà tâm lý chỉ ra rằng, không phải "một đống rơm" nghiền nát đứa trẻ mà chính là "từng cọng rơm".
Trong phòng khám tâm lý, bạn sẽ gặp một số phụ huynh bày tỏ sự hoài nghi khi chuyên gia cho rằng con họ bị trầm cảm. Các thành viên trong gia đình không thường xuyên xảy ra cãi vã hay bạo lực lạnh nhạt, trình độ dân trí của cha mẹ cũng không thấp, thậm chí là dân trí cao. Họ rất ít khi đánh đập, mắng mỏ con cái, là một gia đình tương đối "dân chủ".
Từ góc độ của đứa trẻ, chúng không thể nói ra nguyên nhân trực tiếp trong một thời gian, nhưng trẻ không vui, chán nản, khóc lóc, đánh giá thấp bản thân, thậm chí tự hại mình và tệ hơn, có hành vi tự tử.
Qua phân tích nhiều ca bệnh thực tế trên lâm sàng, các nhà tâm lý chỉ ra rằng, không phải một đống rơm nghiền nát đứa trẻ mà chính là "từng cọng rơm". Tại sao lại nói như vậy? Yan Ruiying, một bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh sẽ giúp bạn khám phá những nguyên nhân gây bệnh dễ bị bỏ qua nhất.
1. Quyền lực mềm trong lớp áo "dân chủ"
Có tình huống nào sau đây quen thuộc với bạn không?
Tình huống 1: Phụ huynh: Con ơi, con thích món quà nào?
Khi một đứa trẻ đưa ra một lựa chọn không có trong đầu bạn, bạn có cố gắng thuyết phục con thuận theo ý kiến của mình không? Thường thì đứa trẻ cuối cùng vẫn thỏa hiệp.
Tình huống 2: Con: Mẹ ơi, con không thích học cái này.
Cha mẹ thường bình tĩnh giảng kiểu "bề trên". Cuối cùng thì đứa trẻ cũng chịu thua.
Tình huống 3: Con: Bạn X thật là khó chịu.
Phụ huynh: Làm sao con có thể nói điều đó với người khác! Con thấy rằng mọi người đều xuất sắc về mọi mặt. Con nên trở thành bạn tốt của họ, con biết không?
Tình huống 4: Con: Đây là của con, con không muốn đưa cho nó.
Cha mẹ thường cảm thấy con cái họ keo kiệt hoặc thiếu hiểu biết, mặc dù họ sẽ không ép buộc chúng phải đưa thứ của mình, nhưng họ sẽ bắt đầu chỉ ra những điều tiêu cực và cuối cùng, con cái vẫn sẽ thỏa hiệp.
Trong những tình huống có vẻ dân chủ, không có bạo lực và không có miệt thị bằng lời nói, nhưng trên thực tế, do các biểu hiện của trẻ em không đủ rõ ràng khiến người lớn không thể hiểu được cảm xúc của chúng. Nhưng, trẻ vẫn bị từ chối và "đàn áp". Cha mẹ chỉ khoác cho con cái tấm áo đẹp đẽ "dân chủ" nhưng về bản chất không thay đổi.
GỢI Ý: Hãy cho trẻ sự tôn trọng thực sự, lắng nghe trẻ nhiều hơn, hiểu cảm xúc và suy nghĩ thực sự của trẻ và lý do đằng sau những suy nghĩ đó, để trẻ có thể bộc lộ đầy đủ suy nghĩ và cảm xúc của mình, thay vì bị kìm hãm ngay từ đầu. Hãy cho thấy, bạn không phải kiểu cha mẹ nhẹ nhàng nhưng áp đặt ý muốn của mình cho người khác.
2. Bạo hành tinh thần con dưới danh nghĩa dạy con
Những câu nói sau đây có quen thuộc với bạn không?
- Chẳng phải bố/mẹ đã làm hết chuyện này cho con sao? Con không có chút biết ơn nào sao?
- Bố mẹ phải làm việc chăm chỉ, dậy sớm và thức khuya, không phải để con được ăn ngon, mặc đẹp, sống tốt sao?
- Để có được cái này cho con, công việc của bố mẹ đã bị ảnh hưởng, và con vẫn không biết phải làm thế nào...
Nói những lời như vậy, phụ huynh thông thường muốn con cảm nhận được sự vất vả, hai là để con xúc động, từ đó có những thay đổi về hành vi. Tuy nhiên, hậu quả thực sự là đứa trẻ hoặc cực kỳ tức giận, nổi loạn hơn, hoặc cực kỳ tội lỗi. Khi tình trạng như vậy diễn ra thường xuyên, sự tự đánh giá của trẻ sẽ ngày càng thấp hơn.
GỢI Ý: Tốt nhất, cha mẹ nên bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ một cách trực tiếp và chân thành nhất có thể khi đối mặt với con mình.
3. Tôn trọng bề ngoài nhưng trốn tránh trách nhiệm
Tình huống:
Con: Mẹ ơi, nhà trường cho con lựa chọn, con không biết chọn gì?
Phụ huynh: Chọn bất kỳ cái nào con thích.
Sau khi phương án lựa chọn của đứa trẻ không có kết quả như mong muốn, phụ huynh nói: Lúc đó mẹ đã nói rằng đừng lựa chọn A. Bây giờ con có hối hận không? Con chọn nó cho mình. Bây giờ trách nhiệm của con, không liên quan gì đến mẹ.
Khi trẻ gặp khó khăn, ban đầu trẻ sẽ yêu cầu cha mẹ giúp đỡ nhưng không nhận được sự đồng cảm. Trẻ sẽ mệt mỏi và chán nản. Dần dần, trẻ ít yêu cầu sự giúp đỡ, không phải vì chúng có thể tự giải quyết và đối mặt với nó mà vì chúng không muốn nói chuyện với cha mẹ nữa.
GỢI Ý: Khi trẻ yêu cầu giúp đỡ, hãy giúp trẻ một cách chân thành, nghiêm túc và thảo luận với trẻ; nếu bạn không biết phải làm gì, hãy nói với trẻ một cách trung thực và cùng nhau yêu cầu giúp đỡ.
Nếu kết quả lựa chọn không như ý, cha mẹ cũng nên mạnh dạn nhận phần trách nhiệm của mình, không nên dồn hết trách nhiệm cho con. Lúc này, cha mẹ nên hiểu và động viên con cái, cùng nhau đối diện, cùng nhau suy ngẫm và trưởng thành.
4. Hiếm khi đưa ra lời khẳng định kịp thời cho trẻ
Tình huống 1:
Con: Thưa bố và mẹ, con đã cải thiện được năm bậc trong kỳ thi này.
Phụ huynh: Ồ, bố/mẹ nghe nói rằng XX bạn của con đã tiến bộ thêm 15 bậc, hãy học hỏi thêm từ những người khác, hãy xem họ tuyệt vời như thế nào!
Tình huống hai:
Con: Bố mẹ ơi, con làm đồ thủ công này xem có đẹp không?
Phụ huynh: Được rồi, con cũng có thể học thêm bài nếu có thời gian! Đừng lãng phí thời gian vào những điều vô bổ.
Khi con đạt điểm cao, nhiều cha mẹ không khen ngợi vì sợ con tự cao hoặc cảm thấy không có gì đáng để tuyên dương. Cũng có một số phụ huynh chỉ tập trung vào việc học. Thông thường, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ không thực sự yêu thương mình, không thể làm bố mẹ hài lòng dù có cố gắng đến đâu, tự đánh giá bản thân cũng giảm dần, trở nên nhạy cảm và tự ti.
GỢI Ý: Cố gắng động viên con kịp lúc. Bạn không cần phải khen ngợi hoa mỹ nhưng có thể đưa ra lời khẳng định kịp thời theo cách mô tả cho con. Nhận biết kịp thời những sở thích và đam mê cũng sẽ nâng cao sự tự tin của trẻ, điều này cũng giúp ích cho việc cải thiện kết quả học tập.
Bạn có thể không thấy bất kỳ tình huống nào trên đây là nghiêm trọng, nhưng nếu chúng tích tụ quá nhiều, một số trẻ sẽ dần rơi vào trạng thái trầm cảm.
Tóm lại, trong quá trình trưởng thành của con cái, cha mẹ hãy luôn phấn đấu trở thành một người cha người mẹ có tư cách; dành cho con sự chân thành và tôn trọng, sự kiên nhẫn và lắng nghe; học cách đánh giá cao và là người bạn đồng hành về mặt tinh thần của con mình.
Hiểu Đan