(Tổ Quốc) - "Tại sao con tôi khó bảo và không biết thương cha mẹ?", "Tại sao con xa cách và không chịu chia sẻ với tôi?", "Lũ trẻ lớn lên hư không chịu nổi"... hẳn bạn đã nghe nhiều những câu hỏi và câu than phiền như thế này. Nhưng vì sao?
Weibo Việt Nam gần đây có đăng tải 1 bài viết từ Zhihu được lược dịch bởi Khiết Nhi Bất Xả. Bài viết dạng Q&A và có 1 câu hỏi đơn giản được đặt ra, nhưng câu trả lời thì không đơn giản chút nào cả.
Câu hỏi là: "Tại sao nhiều trẻ em Trung Quốc không nghĩ đến cảm nhận của cha mẹ?".
Câu trả lời như sau:
"Lúc nhỏ
Mẹ hỏi: “Muốn uống sữa hay nước trái cây?”.
Tôi nói: “Nước trái cây”. Tôi thích mùi vị ngọt.
Mẹ nói: “Thôi uống sữa đi. Tốt cho cơ thể. Nước trái cây không tốt cho sức khỏe”.
Nghe lời mẹ vì nó tốt cho tôi nên tôi đã uống sữa.
Ngày mẹ được phát lương, mẹ hỏi tôi: “Đi quán ăn món Trung hay đi nhà hàng Tây ăn?”.
Tôi chưa bao giờ được ăn món Tây, tôi đã trả lời: “Nhà hàng Tây”.
“Nhà hàng Tây mắc lắm, con thông cảm cho mẹ nha, được không?”.
Cuối cùng, tôi đi quán ăn món Trung.
“Con thích món đồ nào?”, khi đi dạo cửa hàng, mẹ hỏi tôi.
“Con thích cái váy màu trắng”, màu nhìn rất đơn thuần, đơn giản.
Mẹ tôi lại nhờ nhân viên cửa hàng mang tới một chiếc váy màu hồng, “Con nít mà, mặc đơn thuần làm gì, màu hồng nhìn rất đẹp”.
Tôi không muốn lần nữa bị khuất phục, tôi phản đối, nói rằng: “Con không muốn, con cứ muốn nó.”
Mẹ tôi dùng mọi cách để nói nhưng tôi vẫn cứ kiên quyết.
Vậy là mẹ tôi tức giận, “Nay con bị làm sao vậy, nhất định không chịu hiểu cho mẹ”.
Quần áo không mua nữa, mẹ cứ thế mà dắt tôi về.
Sau khi trưởng thành:
Trước khi ăn cơm, mẹ hỏi tôi: “Con muốn ăn canh gì?”.
Tôi nói: “Gì cũng được ạ”.
Khi đi siêu thị, mẹ nói: “Con muốn gì thì cứ lấy đi”.
Cuối cùng, trừ những món mẹ mua cho, tôi không lấy thêm món mà cả.
Mẹ hỏi, tôi trả lời: “Con không có gì muốn lấy”.
Khi mua quần áo,“Con muốn mua đầm hay là quần bò?”, mẹ cầm hai món đồ hỏi tôi.
“Gì cũng được ạ”, tôi cũng trả lời như trước.
Mẹ tôi rất tức giận, nói: “Tại sao một chút ý kiến cá nhân con cũng không có vậy?”.
Cuối cùng mẹ tôi đã chọn mua cái đầm mà mẹ cho rằng con gái nên mặc.
Điều con không thích không phải là quyết định cương quyết của mẹ, mà là mẹ đã quyết định rồi lại còn để con lựa chọn".
Hãy đọc kĩ câu cuối: "Điều con không thích không phải là quyết định cương quyết của mẹ, mà là mẹ đã quyết định rồi lại còn để con lựa chọn".
Và sự thực tất cả những điều mẹ tỏ vẻ rằng quan tâm đến ý kiến con cái, nhưng cuối cùng đều được làm theo ý mình, điều mà mẹ cho rằng là đúng. Vậy hỏi ý kiến để làm gì?
Chúng ta làm cha làm mẹ và thường sai lầm cho rằng sự già đời, từng trải của chúng ta đều mang lại những quyết định đúng đắn và "dắt mũi" lũ trẻ trong mọi tình huống. Chúng ta quên mất đặt mình vào tâm thế, vào suy nghĩ của chúng và hành động theo cách mà chính chúng ta muốn. Lũ trẻ dần dần lớn lên hiểu rằng "mẹ chỉ tỏ vẻ thế", còn mọi quyết định mẹ đã quyết rồi. Và dần dần những câu chuyện từ trong quá khứ tác động đến lũ trẻ khi chúng dần trưởng thành, chúng trở nên xa rời cha mẹ, bất cần và khó bảo.
Xin hãy đọc tiếp những lời tâm sự dưới đây của những người lớn đã từng là đứa trẻ và những tổn thương họ chưa từng nói lại cho cha mẹ mình biết.
Nó dần dần đào lên những hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ với con cái, mà các phụ huynh thì muôn đời vẫn không biết lý do vì sao...
- Khi lựa chọn của trẻ con luôn bị từ chối thì những lần sau nó sẽ không muốn lắng nghe ý kiến của cha mẹ nữa vì vốn dĩ cha mẹ cũng đang không lắng nghe chúng. Đứa nào lành thì như ví dụ, kệ bố mẹ làm gì thì làm, đứa nào cá tính hơn thì sẽ không cần hỏi ý kiến của người lớn nữa, nó không cho phép người khác can dự vào quyết định của nó.
- Có cái váy màu hồng với màu trắng mà cũng bắt chọn màu hồng vì mẹ thấy hợp chứ không phải con thích. Nghe có buồn cười không? Thấy có bạn bảo đang đổ tất cả lỗi cho bố mẹ nhưng thực tế thì là lỗi thật đấy!
- Đừng có biện bạch gì cả vì nếu mở rộng kiến thức ra thì ngày nay các bố mẹ trẻ đang phải học cách tôn trọng ý kiến con. Việc chọn quán Trung thay vì quán Tây cho rẻ thì lẽ ra không nên hỏi mà giải thích trực tiếp là vì mẹ không nhiều tiền nên con chịu khó ăn quán bình thường, nếu dạy dỗ con tốt nó sẽ biết thông cảm thôi mà. Chứ hỏi rồi vẫn chọn theo ý kiến mình thì sẽ có những đứa con ngang ngược, khó chịu là tất yếu.
- Mẹ không bắt con phải vào đại học mẹ muốn đâu... Mẹ mình nói thế nhưng ngày nào có cơ hội toàn kêu mình là bác sĩ tương lai của nhà, mẹ kỳ vọng vào mình lắm, vì cả họ hàng chưa ai làm bác sĩ nên mẹ rất muốn mình làm bác sĩ để rạng danh dòng họ và mẹ được hàng xóm khen ngợi.
1 tuần chắc mẹ mình cũng nhồi nhét cái bác sĩ tương lai vô đầu mình hàng chục lần. Mình với mẹ chưa bao giờ ngồi nói chuyện tâm sự được 1 lần, hầu như lúc nào muốn tâm sự mẹ đều lôi cái vụ bác sĩ làm mình mất hứng.
Vì cái kì vọng đó mẹ mình cũng rất nghiêm khắc về chuyện học, chỉ cần tụt hạng ở lớp thì mẹ sẽ đánh mình, mẹ còn yêu cầu mình đỗ cấp 3 phải thủ khoa, đại học phải ít nhất Á khoa. Khi ai hỏi ước mơ tương lai của mình là gì thì mình cũng cười cho qua chuyện. Giờ có khi mình hỏi mẹ có biết sở thích của mình không chắc mẹ cũng không quan tâm.
- Mình ở nhà nấu cơm ấy. Nhìn con người ta từ các nguyên liệu nấu ăn này kia tạo ra những món này kia thì mình cũng muốn làm thử cho cả nhà ăn. Nhưng tất nhiên là cuối cùng mình không được như ý. Nấu ra mẹ mình sẽ kiểu: "Mày nấu món gì đây?". Đấy là những lúc mẹ mình bình thường.
Còn nếu lúc có chuyện bực trong người thì sẽ kiểu: "Nấu như kia không nấu. Mày nấu cái gì đây? Thức ăn chứ không phải đồ chơi"... Người ta có thể tự nấu ra những món ăn mới còn mình thì cũng với những nguyên liệu đó chỉ được nấu những món ăn quen thuộc.
Cho đến bây giờ, nếu mẹ mình không bảo nấu đồ ăn mình sẽ không nấu, hoặc nếu đồ ăn hết thì mình sẽ phải hỏi mẹ là hôm nay ăn món gì. Thề là mình thấy rất là thụ động luôn. Mẹ mình chưa bao giờ cho mình cơ hội để phát triển cả.
- Mình không trách bố mẹ đã không hiểu mình, mình không trách bố mẹ đã không nuôi dưỡng tinh thần mình, nhưng sự thực là mẹ đã khủng bố tinh thần mình 20 năm và mình thoát khỏi nó tầm 1 năm nay thôi. Mà cũng chưa hoàn toàn nhưng mà bây giờ trong lòng mình đã tự biết tìm cách để nó ổn định hơn nhiều rồi.
- Mẹ nào cũng thương con, nhưng không may thay là tình thương đó không đúng cách, làm tổn thương tinh thần mình rất nhiều, cũng làm sự gắn bó của mình với bố mẹ vơi đi rất nhiều.
Đọc câu chuyện và những lời tâm sự trên bạn sẽ nhận ra mình làm mẹ cũng đã từng như thế. Suy cho cùng thì có lẽ chúng ta đã không nhận thức được việc mình đã làm tổn thương con trẻ. Vì sao giờ con cứng đầu và khó bảo hoặc xa cách đến thế? Đó là vì chúng ta đã có thể không tôn trọng quyết định của con ngay từ khi chúng còn là 1 đứa trẻ?
Đừng coi trẻ con chỉ là 1 đứa trẻ, hãy để chúng ngang bằng để thấu hiểu. Đừng sợ con "cá mè 1 lứa", câu đó cũ rồi. Chỉ có sự tôn trọng mới được đối đãi lại bằng sự tôn trọng thôi, cha mẹ nhé!
ĐX