(Tổ Quốc) - Đây cũng sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho chị em công sở Việt Nam khi bị đột ngột nghỉ việc!
Hãy tưởng tượng bạn đã chuyển đến làm việc cho một công ty tại Nhật Bản. Chị em sẽ được sống trong một căn hộ tiện nghi, được bảo trì tốt, nằm ở gần ga tàu. Cuộc sống tại Nhật sẽ làm bạn choáng ngợp: kỳ lạ, khác thường, thú vị và đôi khi hơi khó khăn. Nhưng bạn có vẻ đã thích nghi được!
Công ty Nhật Bản này không phải nơi có môi trường văn hóa tiến bộ nhất, nhưng bạn thích công việc hằng ngày và đã cống hiến rất nhiều. Là một nhân viên toàn thời gian, chị em được tận hưởng những lợi ích của bảo hiểm xã hội, chương trình phúc lợi quốc gia cung cấp bảo hiểm y tế, lương hưu công cộng và thậm chí bảo hiểm thất nghiệp.
Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu. Nó đã chấm dứt sau cuộc họp mới nhất của với sếp cùng tin sét đánh: Hợp đồng làm việc của bạn sắp kết thúc!
Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy hít thở sâu và bình tĩnh. Trong trường hợp bạn đã bị sa thải bất hợp pháp, chúng ta có thể đảo ngược tình thế! Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các quy tắc việc làm được áp dụng nếu cơn ác mộng sa thải ở Nhật Bản trở thành sự thật.
Khi bạn buộc phải rời đi, đừng đồng ý!
Giả sử có một cuộc gọi đến văn phòng thông báo cho bạn rằng bạn bị sa thải – đừng đồng ý ngay hay ký những giấy tờ xa lạ. Bất kỳ sự thừa nhận nào bằng văn bản hay cách khác thì nhà tuyển dụng sẽ có thể tiến hành quá trình sa thải.
Theo Kei Sumikawa, một luật sư của Văn phòng Luật sư Sumikawa, các nhân viên trong tình huống này không nên đồng ý hay thảo luận bất cứ điều gì mà hãy thẳng thừng từ chối quyết định đó.
Không quan trọng cho dù bạn là người nước ngoài hay người Nhật, Luật lao động tại đây bảo vệ quyền lợi của người lao động trước sự lạm dụng của người sử dụng lao động. Đáng buồn là vấn nạn này khá phổ biến - đặc biệt là với nhân viên nước ngoài, nhân viên hợp đồng và phụ nữ.
Nên làm gì trước tiên?
Như đã đề cập ở trên, các quy tắc sử dụng lao động khi sa thải một nhân viên rất rõ ràng. Lý do sa thải phải được công bố trực tiếp bằng văn bản.
Theo Bộ luật Tiêu chuẩn Lao động Nhật Bản, chủ lao động phải cung cấp cho nhân viên lý do chấm dứt hợp đồng với thông báo nghỉ việc trước ít nhất 30 ngày. Công ty cũng được yêu cầu cung cấp 30 ngày thôi việc nếu buộc bạn nghỉ việc mà không có thông báo chính xác.
Hãy xem công ty bạn liệu có đang tuân theo một số quy tắc cơ bản không, lưu ý:
Công ty đã đưa ra một lời giải thích đầy đủ cho việc sa thải của bạn bằng văn bản?
Công ty đã đưa ra ít nhất 30 ngày thông báo về việc sa thải bằng văn bản chưa?
Công ty có cho biết bạn sẽ nhận được 30 ngày lương trả (trên mức lương cố định) để bù cho thời gian bạn làm việc không?
Công ty đã cung cấp cho bạn một gói thôi việc?
Nắm rõ quyền lợi của người lao động
Dưới đây là một vài lý do các công ty chắc chắn không thể sử dụng để sa thải nhân viên.
1. Người sử dụng lao động không được sa thải nhân viên trong thời gian vắng mặt với lý do điều trị y tế. (Điều 19, Bộ luật Tiêu chuẩn Lao động)
2. Người sử dụng lao động không được sa thải nhân viên vì lý do nhân viên đó đã báo cáo vi phạm. (Mục 2, Điều 104, Bộ luật Tiêu chuẩn Lao động)
3. Không được sa thải nhân viên vì lý do giới tính của nhân viên. (Điều 6, Bộ luật cơ hội việc làm bình đẳng). Tương tự như vậy, ông chủ không được sa thải nhân viên vì lý do chủng tộc hay tôn giáo của họ.
4. Chủ lao động không được sa thải nhân viên nữ vì kết hôn, mang thai hoặc xin nghỉ thai sản. (Điều 9, Bộ luật cơ hội việc làm bình đẳng)
5. Người sử dụng lao động không được sa thải một nhân viên vì đã cố gắng tổ chức liên đoàn lao động. (Điều 7, Bộ luật Liên đoàn Lao động)
6. Không được sa thải nhân viên vì làm rò rỉ thông tin. (Điều 3, Bộ luật bảo vệ người thổi còi)
Lựa chọn là thuộc về bạn
Bước đầu tiên của bạn là hẹn gặp một Cố vấn cho Lao động nước ngoài. Bạn có thể tìm thấy một danh sách của các trung tâm tư vấn lao động lớn trên trang web của Chính quyền thành phố Tokyo. Với lời khuyên và hướng dẫn từ các văn phòng này, bạn sẽ xác định được tính minh bạch của vụ việc và nhận được sự tư vấn pháp lý sau đó.
Mất việc là một trải nghiệm thay đổi cuộc sống, dù ở Nhật Bản hay bất cứ quốc gia nào khác. Điều này về cơ bản sẽ đi đến một quyết định: rời đi hay ở lại. Nếu bạn quyết định giữ vững lập trường của mình, hãy nhớ luôn có những tổ chức sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Một bài học cho các chị em đã và đang làm việc tại Nhật Bản hay bất cứ quốc gia nào khác. Biết là làm việc xa xứ lắm cay đắng, tủi nhục nhưng không phải vì thế mà chúng ta chịu cảnh bị lấn át trước sự lạm quyền.
Chị em công sở hãy tỉnh táo và trau dồi hiểu biết về quyền lợi lao động nhé! Mặc dù có vẻ hơi khô khan nhưng sẽ rất logic và hữu dụng đó!
Theo J.T
Quiry