(Tổ Quốc) - Anh Kiều Trường Lâm mới đây quyết định giới thiệu một công trình nghiên cứu chữ viết khác của mình với tên gọi "Chữ viết bảo mật thời 4.0".
Ngày 25/3, công trình chữ "VN song song 4.0" kết hợp từ "Chữ Việt Nhanh" và "Ký Hiệu Dấu" của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, "Chữ VN song song 4.0" chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.
Chữ viết mới này sau khi được công bố đã gây ra nhiều tranh cãi về tính ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Người ủng hộ, người chê trách cho rằng "CVNSS 4.0" quá rắc rối, phức tạp.
Mới đây, sau một thời gian im lặng, anh Kiều Trường Lâm đã có những chia sẻ mới về bộ chữ của mình và đồng tác giả Trần Tư Bình. Anh cho biết, bản thân chấp nhận mọi lời góp ý từ độc giả và sẽ tiếp nhận để hoàn thiện chữ viết CVNSS 4.0 hơn. Cũng trong dịp này, anh Kiều Trường Lâm đã quyết định giới thiệu một công trình nghiên cứu chữ viết khác của mình với tên gọi "Chữ viết bảo mật thời 4.0". Anh Lâm cho biết, chữ viết này chỉ có một mình anh là tác giả và trải qua 10 năm nghiên cứu để hoàn thiện.
Quá trình nghiên cứu "Chữ viết bảo mật thời 4.0"
Anh Lâm cho biết, chữ viết mới được anh bắt đầu nghiên cứu từ năm 2001 và hoàn thiện vào năm 2011. "Mình bắt đầu nghiên cứu "Chữ viết bảo mật thời 4.0" vào học kỳ I đang học tại lớp 10A6 tại Trường THPT Hòa Phong, Tây Hoà, Phú Yên. Sau khi kết thúc phần nghiên cứu ký hiệu dấu cho Chữ Quốc Ngữ. Thời điểm đó mình đang tự học và nghiên cứu tiếng Hàn Quốc và thấy Tiếng Hàn có cấu trúc rất hay.
Sau đó mình nảy sinh ra chủ ý sáng tạo cho Tiếng Việt một chữ viết mới. Từ đó, mình bắt đầu tự vẽ ra chữ mới áp dụng cho Tiếng Việt, sử dụng nhiều kiến thức hình học không gian để tự vẽ, tự thiết kế, tính toán từng góc cạnh để cho ra một bộ chữ viết mới.
Tuy chữ mới này nhìn khá giống chữ Hàn nhưng không phải Chữ Hàn. Mình thiết kế ra 90% chữ cái mới hoàn toàn phù hợp với phát âm Tiếng Việt. Còn 10% ứng dụng từ chữ Hàn. Trải qua 10 năm nghiên cứu thì chữ viết mới này ra đời", anh Kiều Trường Lâm chia sẻ.
Anh Lâm cho biết, chữ viết mới nhằm mục đích ứng dụng trong lĩnh vực bảo mật thông tin, trang trí và lĩnh vực thiết kế. So với "CVNSS 4.0" thì "Chữ viết bảo mật thời 4.0" có độ khó cao hơn vì phải tự vẽ sao cho đọc được, ngoài ra kết hợp sử dụng hình học không gian để đo góc cạnh chữ viết.
Chữ viết mới được dân thiết kế đánh giá cao
Trong 3 mục đích: Ứng dụng trong lĩnh vực bảo mật thông tin, trang trí và thiết kế thì tác giả Kiều Trường Lâm hiện mới kiểm chứng được khía cạnh thứ 2. Anh đã tham khảo qua ý kiến của một số người làm trong lĩnh vực thiết kế và nhận được phản hồi tích cực.
"Bên thiết kế cho rằng "Chữ viết bảo mật thời 4.0" của mình rất đẹp và có tính khả thi cao. Một người bạn làm ngành này còn ngỏ ý muốn xin chữ viết của mình để áp dụng vào font chữ trên máy tính", anh Lâm tự hào chia sẻ. Anh cũng cho biết, nhiều người sau khi xem xong chữ mới cũng đều khen chữ đẹp và có nhiều nét riêng biệt.
Chữ viết mới hiện đang tiến hành xin bản quyền
Tác giả Kiều Trường Lâm hiện đang tiến hành thủ tục xin bản quyền cho công trình nghiên cứu thứ 2 của mình và sẽ mất khoảng 3 tháng. "Hiện tại mình chưa thể công bố toàn bộ nghiên cứu "Chữ viết bảo mật thời 4.0" tới độc giả. Khi có bản quyền mình sẽ chính thức công bố mọi điều từ qui tắc viết đến cách phát âm, tất tật những vấn đề xoay quanh chữ viết mới này.
Mình rất mong chữ mới nhận được sự yêu thích từ độc giả cả nước. Đồng thời mình cũng rất sẵn lòng được lắng nghe các ý kiến, đóng góp của mọi người để hoàn thiện chữ viết mới".
Tường Vy