(Tổ Quốc) - Mức thu nhập của sinh viên ngôi trường top đầu cả nước này thực tế ra sao?
Tọa lạc tại số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) hiện là một trong những ngôi trường danh giá top đầu cả nước. Đây là trường đại học chuyên ngành kỹ thuật đầu ngành tại Việt Nam, thành viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được xếp vào nhóm đại học trọng điểm quốc gia.
Hiện tại, chương trình đào tạo đại học chính quy của Đại học Bách Khoa Hà Nội có 6 nhóm ngành/chương trình. Mô hình đào tạo được xây dựng theo 2 định hướng: Cử nhân - thạc sĩ khoa học và Cử nhân - kỹ sư.
Để trở thành một sinh viên HUST không hề đơn giản, sĩ tử cần phải có năng lực học tập cực kỳ xuất sắc. Năm 2020, một số ngành top đầu của Đại học Bách Khoa Hà Nội như Khoa học Máy tính lấy đến 29.4 điểm; ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo lấy 28.65 điểm,...
Điểm chuẩn các ngành của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2020.
Vào được trường đã khó, ra được trường còn khó hơn gấp bội. Trong ngày hội Tư vấn tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2021, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng chia sẻ: Hằng năm có 700 - 800 sinh viên phải ra khỏi hệ chính quy do không đảm bảo được yêu cầu của nhà trường.
Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ sáu mới ra trường được. Bên cạnh đó mỗi năm trường có 5000 sinh viên thì có khoảng 1000 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều này cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa top đầu và top cuối.
Vậy sau khi ra trường, mức thu nhập của sinh viên ngôi trường top đầu cả nước này thực tế ra sao?
Năm 2017, Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố số liệu cuộc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng đến một năm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trả lời khảo sát khoảng 80%.
Kết quả mức lương trung bình của sinh viên được khảo sát là 8,2 triệu đồng. Phổ lương của sinh viên khá rộng, từ 3 triệu đồng (làm tại các cơ quan nhà nước, Viện nghiên cứu) đến 60 triệu đồng (làm tại các công ty nước ngoài) mỗi tháng.
Trong số sinh viên được khảo sát, 91% làm đúng ngành sau 6 tháng ra trường, chỉ 9% làm trái ngành. Tỷ lệ làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân (42%), các công ty 100% vốn nước ngoài (28%), làm trong các Tập đoàn kinh tế (9%), ở cơ quan hành chính nhà nước (8%); Viện nghiên cứu (6%), làm ở các trường đại học, cao đẳng (4%), tự thành lập doanh nghiệp (2%) và công tác ở những nơi khác (1%).
Cũng theo khảo sát, có hơn 60 em đạt được mức lương từ 2.000 đến 3.000 USD (khoảng 40-60 triệu đồng). Các em này hầu hết đều làm cho công ty nước ngoài.
Năm 2018, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, khi được hỏi về mức thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp, thầy Nguyễn Phong Điền chia sẻ thêm: "Mức lương tùy theo vị trí làm việc. Chẳng hạn, các bạn làm về công nghệ thông tin (CNTT), lương khởi điểm trung bình từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Một số ngành khác, có mức lương tháng 7 - 8 triệu đồng. Những em học chương trình chất lượng cao, có kỹ năng ngoại ngữ tốt, thu nhập tháng lên tới trên 1.000 USD. Theo khảo sát, sinh viên BKHN hài lòng với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng".
Thanh Hương