(Tổ Quốc) - "Đừng phán xét khi chưa biết rõ sự thật", câu nói quá đúng khi áp dụng vào trường hợp này.
Trong các lớp học trực tuyến, nơi khả năng tương tác bị hạn chế, việc bật camera khi học sẽ tăng sự kỷ luật và tập trung cho học sinh, sinh viên. Rõ ràng khi không yêu cầu học viên mở camera trong lớp học, không những làm giáo viên có cảm giác nói chuyện một mình, nó còn rất phiền phức khi một học viên nào đó phát biểu. Thậm chí có một số giáo viên còn cảm thấy không thể dạy học tốt nếu học viên của họ không mở camera lên.
Ngược lại, học viên không thấy giáo viên trên màn hình cùng ảnh hưởng đến khả năng tập trung của mình. Khi mọi người có thể nhìn thấy nhau, khả năng tương tác giữa giáo viên với các em sẽ được nâng cao. Từ đó xây dựng những chủ đề hấp dẫn cải thiện chất lượng lớp học.
Tuy nhiên, tại Đại học Yogyakarta (Universitas Gadjah, Indonesia) một giảng viên luôn đóng camera khi giảng bài, sinh viên chỉ nghe được giọng nói mà không thể nhìn thấy người. Giảng viên này tên là Edi Prasetyo Nugroho, đang giảng dạy về kinh doanh.
Ban đầu, lý do thầy đưa ra là để sinh viên không bị sao lãng việc học, tuy nhiên nhiều sinh viên thấy thiếu thuyết phục, đồng thời cho rằng thầy đang cố biện minh để tranh thủ làm việc riêng trong quá trình dạy học.
Đến một ngày, thầy Nugrojo lỡ tay bấm mở camera và vô tình "tiết lộ" sự thật đau lòng. Hóa ra giáo sư này đã phải chống chọi với căn bệnh thận hơn 11 năm, trong thời gian này, ông phải đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo mỗi tuần. Thời gian gần đây tình trạng xấu đi, trong quá trình sinh hoạt thầy phải dùng máy thở để duy trì sự sống.
Dù sức khỏe yếu đi và phải đeo ống thở song thầy Edi Prasetyo Nugroho chưa từng ngừng dạy buổi nào. Thầy cũng không muốn học trò nhìn thấy hình ảnh của mình mà ảnh hưởng tinh thần hay mất tập trung khi học online, đó là lý do camera của thầy luôn ở tình trạng đóng.
Sau khi biết được sự thật, một nam sinh đã quay câu chuyện về thầy giáo và tải video lên TikTok. Chàng sinh viên cho biết: "Thầy chưa bao giờ phàn nàn về thể trạng như chúng tôi, và vẫn cố gắng hết sức để dạy dỗ chúng tôi. Thực sự, tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, vì dù có cơ thể khỏe mạnh nhưng đôi khi tôi không có chí tiến thủ để học tập chăm chỉ". Clip ngay lập tức được lan tỏa mạnh mẽ, cư dân mạng không khỏi xúc động, đồng thời gửi lời chúc thầy Nugrojo luôn mạnh khỏe để tiếp tục con đường đưa đò cao quý của mình.
Hiểu Đan