(Tổ Quốc) - Cậu bé 5 tuổi đứng ngơ ngác trước cổng tòa liên tục khóc và gọi mẹ khiến những người chứng kiến vô cùng chạnh lòng.
Khi một gia đình tan vỡ, người tổn thương nhất có lẽ là những đứa con. Chúng làm sao hiểu được sâu xa của vấn đề rằng bố mẹ ly hôn chỉ vì không thể cùng chung sống được nữa. Chúng chỉ tự hỏi tại sao bố mẹ lại không ở cùng và chăm sóc con, tại sao các bạn có đầy đủ bố mẹ mà con thì lại không. Và chắc chắn, những sự mất mát ấy sẽ còn theo chúng một thời gian dài sau này.
Những ngày vừa qua, trên MXH Trung Quốc lan truyền hình ảnh một cậu bé đứng khóc lóc trước tòa án khi bị bố mẹ nhận phán quyết ly hôn.
Lúc ấy, Trung tâm chỉ huy 110 thuộc Sở Công an huyện Tam Giang, Liễu Châu, Quảng Tây nhận được tin báo của một nhân viên Phòng Đăng ký kết hôn thuộc Cục Hộ tịch rằng có một cậu bé khóc trong tiền sảnh. Cảnh sát tức tốc đến hiện trường.
Thì ra, có một cặp vợ chồng đã đến cơ quan quản lý các vấn đề hôn nhân và hoàn thành thủ tục ly hôn. Nhận được giấy tờ ly hôn xong xuôi, khi ra về cả hai người đã... bỏ quên mất đứa con trai 5 tuổi và đi theo hai hướng khác nhau về nhà mình.
Một lúc lâu sau, cậu bé bắt đầu tỏ vẻ sợ hãi và khóc lóc gọi mẹ. Các nhân chứng kể lại, em đã la lớn liên tục chỉ một câu: "Con muốn tìm mẹ!".
Người xung quanh đến hỏi thăm thì cậu bé cho biết mình có một chiếc điện thoại được bố đưa để liên lạc. Người lớn dùng chiếc điện thoại đó để gọi cho bố đứa trẻ và đưa em về đồn cảnh sát gần đó ngồi chờ.
Tuy nhiên, khi nhận được điện thoại báo con bị lạc, bố cậu bé cho biết mình đã rời khỏi khu vực và chưa thể quay về ngay. Tại đồn cảnh sát, cậu bé 5 tuổi còn khóc lóc hỏi cảnh sát là: "Có phải các chú đã bắt mẹ cháu đi rồi không?".
Cùng ngày, bố bé trai cuối cùng cũng đã đến đón cậu bé về. Hình ảnh camera an ninh ghi lại cho thấy em đã vội vàng chạy ra phía bố và hai người ôm nhau bật khóc.
Tuy không rõ hoàn cảnh cụ thể của gia đình, nhưng cộng đồng mạng Trung Quốc đa số đều tỏ thái độ bất bình trước câu chuyện này. Nhiều người lên tiếng trách móc sự vô tâm và vô trách nhiệm của bố mẹ, và lo lắng bé trai sẽ bị tổn thương tâm lý vì không chỉ phải chứng kiến bố mẹ ly hôn mà còn bị vô tình bỏ rơi lại ngay sau đó.
Phụ huynh cần ứng xử với con trẻ ra sao để chúng hiểu và chấp nhận việc cha mẹ ly hôn?
Khi không hạnh phúc, ly hôn là cách giải quyết duy nhất. Bởi nếu như tiếp tục duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì lại khiến những đứa trẻ tổn thương hơn.
Chọn bước tiếp cùng nhau hay không là quyết định của mỗi cặp vợ chồng. Nhưng dù thế nào hãy luôn nhớ bạn còn những đứa con. Và chuẩn bị tâm lý cho chúng như thế nào trước và sau khi ly hôn là điều quan trọng không kém:
Nên trò chuyện để con biết và chuẩn bị tâm lý
Rõ ràng việc cha mẹ ly hôn mà không được báo trước làm cho đứa con hẫng hụt rất nhiều về tinh thần. Khi rơi vào quyết định lớn là sống với cha hay với mẹ, sẽ khiến trẻ bối rối không biết sống với ai sẽ tốt hơn.
Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của trẻ sau này. Cho nên, người lớn khi quyết định ly hôn cần nói rõ cho trẻ biết mọi việc đang diễn ra để trẻ chuẩn bị tâm lý.
Cho trẻ biết nguyên nhân khách quan dẫn đến việc ly hôn
Dưới góc độ tâm lý học, nếu cha mẹ ly hôn mà không cho trẻ biết nguyên nhân của sự việc thì trẻ nhỏ có thể nghĩ rằng cha mẹ ly hôn là do chúng chưa ngoan, học chưa tốt ở trường,… và điều này làm cho con cái cảm thấy vì lỗi lầm của mình mà cha mẹ phải ly hôn.
Cha mẹ cũng cần khẳng định, việc ly hôn là giải pháp cuối cùng, trẻ không có lỗi gì trong chuyện này và trách nhiệm trong chuyện ly hôn thuộc về phần cha mẹ. Làm được điều này sẽ giúp trẻ hiểu hơn vấn đề và ít nhiều sẽ xoa dịu những nỗi đau, cảm xúc tiêu cực của con.
Tôn trọng quyết định của con
Việc quyết định trẻ sống cùng ai, cha mẹ không thể tự quyết mà cần lắng nghe mong muốn của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần bình tâm suy nghĩ, dùng lý trí soi xét xem con của mình về sống cùng ai thì sẽ tốt cho bé hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Trên cơ sở đó mới có thể hạn chế tối đa sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con trẻ.
Dành thời gian cho con
Cha mẹ cần khẳng định với con rằng, dù các con không thể sống cùng nhau nhưng các con vẫn là anh em, chị em của nhau và chuyện đó thì không bao giờ thay đổi được. Có thể là phân chia thời gian chăm sóc, hoặc thỉnh thoảng cùng đi ăn tối, cố gắng tổ chức sinh nhật và chụp ảnh cùng con... Trong khoảng thời gian này lên lặng lẽ suy nghĩ, tránh cãi vã gây tổn thương thêm cho nhau và ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ.
Ly hôn không phải là một việc xấu, đó là điều không tránh khỏi của những gia đình không hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi không còn là vợ chồng thì hai người có thể là bố hoặc mẹ của con mình, mà con thì lại chẳng thể bỏ được. Hãy là những ông bố bà mẹ đúng nghĩa và có trách nhiệm với con mình.
Hiểu Đan