(Tổ Quốc) - Trong nhiều trường hợp, điều cha mẹ có thể làm là cố gắng hết sức để cho đôi cánh của đứa trẻ được cứng cáp, còn việc bay đi đâu là lựa chọn của chính con.
Con bạn có khỏe không?
Nhiều bà mẹ chắc chắn cảm thấy rằng con của mình tất nhiên rất khỏe. Nhưng bạn có biết có hai loại sức khoẻ: Một là sức khỏe thể chất và hai là sức khỏe tinh thần. Có bao nhiêu phụ huynh thực sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con mình?
Trong quá trình giáo dục con cái, các bậc cha mẹ luôn quan tâm nhiều hơn khi con ốm đau, họ sẽ rất lo lắng đưa con đến bệnh viện, xót xa khi con bị va chạm, trầy xước nhưng dễ dàng bỏ qua việc giáo dục tâm lý cho con. Những đứa trẻ như thế thường không biết cách trút bỏ cảm xúc tiêu cực hay điều chỉnh nội tâm của mình và thậm chí không hiểu được một số cảm giác chung về sự thay đổi của cơ thể.
Cô Trần (Trung Quốc) có một cô con gái 18 tuổi. Một lần đưa con gái đi học về, cô nhận thấy con gái rất lầm lì, căng thẳng. Nghĩ có điều gì bất thường đã xảy ra, vì vậy cô đã bí mật kiểm tra ba lô của con.
Người mẹ rất hoảng hốt vì đã tìm thấy trong đó một que thử thai. May mắn thay, kết quả cho thấy cô bé không có thai nhưng điều này vẫn khiến người mẹ tức giận vì biết con gái đã nếm thử trái cấm. Một lúc sau, khi con đi ra từ nhà vệ sinh, cô Trần quay lại và tát con, mắng con không biết xấu hổ và làm ảnh hưởng danh dự gia đình.
Cô Trần cho rằng mình làm vậy là để giáo dục con cái, nhưng không ngờ rằng hành vi đó có thể gây ra những tổn hại không thể khắc phục đối với tâm lý của trẻ.
Không ít phụ huynh đánh mất con chỉ vì ứng xử thiếu khéo léo khi phát hiện con "yêu sớm". Con sẽ thấy tự ti, thu mình, nghĩ bản thân là đồ bỏ đi hoặc lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, nhẹ thì cãi lại, nặng hơn thì bỏ nhà đi, rất nguy hiểm.
Một người mẹ khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, nhưng cách xử lý hoàn toàn khác. Thay vì đánh đập, mắng mỏ, cô nói với con một số kiến thức liên quan và những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, đồng thời dạy con nên làm gì để bảo vệ mình tốt hơn.
Sau khi cảm thấy con gái đã nhận thức được vấn đề, người mẹ đưa cho con hai hộp bao cao su. Theo quan điểm của chị, đứa trẻ đã trưởng thành ở tuổi 18, và khi đã có thể tự lựa chọn, chúng phải học cách chịu trách nhiệm cho những lựa chọn đó. Là một người mẹ, đôi khi bạn nên chấp nhận có một số điều dù muốn nhưng không thể kiểm soát. Điều duy nhất bạn có thể làm là bảo vệ con mình khỏi bị tổn hại càng nhiều càng tốt.
Trong mắt những bậc cha mẹ, nói chuyện về giới tính cho con là điều ngượng ngùng, họ cho rằng con mình quá nhỏ để hiểu. Tuy nhiên, nhìn vào những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy phụ huynh nghĩ con mình bé dại nhưng "yêu râu xanh" thì không đợi bé "lớn" mới "bắt đầu".
Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con cái phổ biến kiến thức giới tính, dặn dò con điều nên làm, không nên làm. Nếu cảm thấy ngại trò chuyện trực tiếp, bố mẹ có thể cho con xem những video, câu chuyện, tin tức giáo dục giới tính. Điều này không chỉ giúp các em nhanh chóng học được các phương pháp bảo vệ bản thân mà còn có được những kiến thức chuyên nghiệp, hệ thống và toàn diện hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn cho con cách đối phó với những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như cách xử lý để không mang thai ngoài ý muốn, làm gì nếu bị người khác quấy rối, làm gì khi nhận được những tin nhắn rác trên mạng xã hội...
Cha mẹ cần hiểu rằng dù chúng ta hết mình chăm sóc con cái nhưng trẻ em là người có tư duy độc lập, khi lớn lên trẻ sẽ làm nhiều việc mà cha mẹ không thể kiểm soát được.
Trong nhiều trường hợp, điều cha mẹ có thể làm là cố gắng hết sức để cho đôi cánh của đứa trẻ được cứng cáp, còn việc bay đi đâu là lựa chọn của chính con. Đồng thời dang rộng vòng tay khi con cái trở về nhà sau những tổn thương, đây chính là sự ủng hộ, động viên lớn nhất dành cho các con mình.
Hiểu Đan