(Tổ Quốc) - Nghĩ rằng nếu đứa trẻ này mà nghỉ học là mọi việc được giải quyết ổn thỏa, 4 đứa kia như rắn mất đầu cũng không thể quậy phá được nữa nhưng rồi cô giáo lại băn khoăn.
Tôi có một người bạn thân, cô ấy làm giáo viên một trường cấp 3 tại Đà Nẵng. Nhân một dịp tôi ghé Đà Nẵng và đi cafe với cô ấy. Bất chợt tôi nói rằng, làm nghề giáo viên giờ cũng vất vả quá, lương thì thấp, học sinh thì ghê gớm, phụ huynh cũng đủ kiểu. Tôi hỏi bạn mình có yêu nghề không, có câu chuyện gì về thế hệ teen bây giờ mà bạn ấn tượng không?...
Bạn tôi bảo chấp nhận nghề, mặc dù cũng nhiều khó khăn, bạn tôi nói rằng lúc trước bạn còn làm một đề án nghiên cứu về việc làm cách nào để học sinh không nói tục, chửi thề... vì đây gần như là chuyện hiển nhiên, phổ biến của học sinh hiện nay.
Bạn kể bạn cũng thử rất nhiều cách đối với những học sinh đặc biệt, chậm phát triển mà vào lớp bạn để hoà nhập cộng đồng. Rồi bạn kể về nhóm học sinh cá biệt mà bạn thương nhất.
Vào thời điểm năm 2015, bạn chủ nhiệm lớp 11 cá biệt quậy nhất trường. Trong đó có 5 học sinh đẹp trai nhất lớp, học dở nhất lớp và quậy nhất lớp. Đặc biệt là bạn Hùng, cầm đầu nhóm nghịch tặc này. Khi nhận thấy các học sinh này quá quậy, bạn đề nghị nhà trường tách riêng 5 em ra 5 lớp khác nhau nhưng nhà trường không đồng ý.
Bạn kể bạn mất một thời gian đấu tranh ngầm với Hùng, cứ giờ sinh hoạt 15 phút đầu giờ thì Hùng ra canteen ngồi, bạn đi dạy lớp khác thì Hùng vào lớp học. Bạn năm lần bảy lượt mời phụ huynh Hùng lên làm việc nhưng toàn gặp xe ôm, bà bán hàng ngoài chợ... do Hùng cử đến. Có một lần Hùng còn cử 1 đàn anh giang hồ, xăm trổ đầy mình đến họp phụ huynh cùng cô giáo khiến bạn sợ khiếp vía.
Kiểm tra lại hồ sơ thì bạn biết Hùng có cha hiện đang ở tù và em sống trọ một mình ở Đà Nẵng để học tập. Em có làm thêm mấy việc tay chân để trang trải cho cuộc sống. Sau khi hết học kỳ hai cô trò không ai chịu thua ai thì có một ngày bạn bất ngờ khi thấy bố của Hùng xuất hiện.
Bố của Hùng đã mãn hạn tù, ông đến gặp bạn và bày tỏ nguyện vọng mong muốn chuyển trường cho Hùng về quê ở Quảng Ngãi và tiếp tục học tập ở Quảng Ngãi. Qua cách nói chuyện, bạn biết Hùng mà về quê sẽ bị bỏ học và đi làm cho bố, bạn cũng không cảm nhận thấy tình yêu thương mà bố dành cho Hùng. Bạn bảo ông hãy về để bạn kiểm tra hồ sơ và suy nghĩ.
Về nhà bạn nghĩ rằng nếu đứa trẻ này mà nghỉ học là mọi việc được giải quyết ổn thoả, 4 đứa kia như rắn mất đầu cũng không thể quậy phá được nữa. Hùng cũng học kém, lên lớp toàn ngủ. Bạn sẽ rất nhẹ đầu nếu Hùng chuyển đi.
Nhưng nghĩ kĩ bạn cứ băn khoăn vì cảm thấy không yên tâm về ông bố và bạn nhận ra rằng Hùng tuy học kém, quậy phá nhưng lại có niềm vui đi học, niềm vui với bạn bè. Em chưa bao giờ nghỉ học một buổi nào, còn rất chăm chỉ chép bài. Nghĩ vậy hôm sau bạn quyết định từ chối bố Hùng về chuyện chuyển trường và thuyết phục bố em cho Hùng học hết cấp 3 ở trường.
Từ hôm đó, mối quan hệ của bạn và Hùng tốt hơn một chút, cô trò không còn chiến tranh lạnh nhưng cũng không nói chuyện với nhau. Trong 1 lần Hùng và các bạn trong nhóm đánh nhau với học sinh lớp khác bị hiệu trưởng gọi lên khiển trách. Bạn đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình với hiệu trưởng và nói rằng bạn sẽ cố gắng giúp các em.
Hùng lúc đó đã nhận ra tình thương của cô giáo dành cho mình là thật và cô rất bản lĩnh để bảo vệ học sinh. Bạn về lớp kiểm điểm 5 học sinh nhưng lần này Hùng chấp hành lao động rất nghiêm túc rồi từ đó cô trò gần nhau hơn. Bây giờ Hùng đã tốt nghiệp, đi làm nhưng Tết nào cũng vẫn về thăm cô và luôn miệng nói cười, hỏi thăm cô giáo cũ. Hùng bảo em đã chán quậy rồi, giờ chỉ tập trung làm việc thôi.
Việc dạy dỗ một đứa trẻ luôn là trách nhiệm của cả gia đình, thầy cô và xã hội. Có một câu nói “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” và chỉ có tình yêu thương mới giúp trẻ nhìn nhận được giá trị sống của mình để cố gắng và để yêu thương.
Vài nét về tác giả:
Mai Phùng là một dược sỹ, tốt nghiệp Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; là người đồng sáng lập EQ Cup - nơi cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học thần kinh và EQ dành cho cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.
Bên cạnh đó, chị Mai Phùng còn là tác giả của cuốn sách "Cơm ngon quá, con cảm ơn mẹ". Đây là cuốn sách hướng dẫn cha mẹ cách nâng niu cảm xúc, tâm lý của trẻ trước, trong và sau mỗi bữa ăn, mở ra cho các bà mẹ một con đường nhẹ nhàng, hiệu quả để rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ 0 đến 8 tuổi.
Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết của chị Mai Phùng TẠI ĐÂY.
Mai Phùng