(Tổ Quốc) - Gạt hết những điều không như ý đó, chịu khó "gạn đục khơi trong", chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội từ trong thách thức.
Có thể kể ra bao nhiêu thứ bất tiện khi học online: Nào là lũ trẻ không tập trung, mở loa gọi nhau í ới trong giờ học; mạng chập chờn, cô xuất hiện rồi bỗng dưng... biến mất, đang học thì bị out khiến thầy trò chật vật vào ra, ra vào mất thời gian...
Không thể phủ nhận những vấn đề tạm gọi là khó khăn, rắc rối của người học khi phải ngồi trước màn hình máy tính hay điện thoại, trong khoảng thời gian dài. Nhưng, gạt hết những điều không như ý đó, chịu khó "gạn đục khơi trong", chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội từ trong thách thức.
Có con năm nay vào đầu cấp 2, chị Tuệ Ngôn, một MC, nhân viên truyền thông ở TP.HCM, cho rằng: "Xưa có nhiều cha mẹ vẫn tâm niệm: Trăm sự nhờ cô! Còn ngày nay trăm sự trong tay mình rồi, mình có kịp thời mà chụp lấy cơ hội này hay không?". Trải qua những khó khăn ban đầu, chị nhận định khoảng thời gian con học online ở nhà là CƠ HỘI VÀNG để được đồng hành cùng con. Có những "đặc quyền" cho bố mẹ trong giai đoạn này mà khi con học trực tiếp ở trường không thể hoặc rất khó để phụ huynh nắm bắt được.
Khó khăn? Tất nhiên là không thể tránh khỏi!
Chị Ngôn cho rằng, việc học online ban đầu gặp rất nhiều bất cập, đặc biệt là cấp học mới, mọi chuyện đều vô cùng lạ lẫm với con.
"Buổi đầu tiên cả lớp đã vào mà Bim thì đăng nhập không thành công con cũng lo lắng, căng thẳng dữ lắm. Có hôm con ăn trưa quên giờ vào học, cả lớp và cô giáo đi tìm, nói chung là đủ thứ chuyện khó đỡ. Theo mình, nếu bé nào thiếu tự tin hoặc không tập trung thì khi học online hạn chế khả năng tiếp thu hơn rất nhiều so với học offline. Thực sự trong lớp con trai mình, có những bạn khi có ba hoặc mẹ bên cạnh mới dám phát biểu", chị Ngôn chia sẻ.
Khó khăn còn nhiều nhưng quả thật, ngoài học online ra thì hiện không có giải pháp nào khả thi hơn và đương nhiên có học vẫn hơn không. Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng có khó khăn khi thay đổi hình thức dạy. Họ cũng tập làm quen với công nghệ, nhất là giáo viên lớn tuổi, thay đổi thiết kế bài giảng, hay những bất tiện như mạng không ổn định, học sinh không tập trung...
"Việc dịch bệnh gây ảnh hưởng mọi thứ là chuyện chung của cả thế giới, phụ huynh lo lắng 1 nhà trường lo lắng 10, họ còn áp lực hơn rất nhiều. Biết khó là có khó thật, nhưng nếu chút khó khăn thử thách đã than vãn thì chắc chắn tinh thần con cái mình cũng bị ảnh hưởng, bởi các con học phản xạ đổ lỗi từ chính ba mẹ mình. Thay vì than thở khiến con tiếp nhận năng lượng tiêu cực hay đẩy hết cho nhà trường, xã hội mình cũng rất cần chung tay. Đó cũng là cách mình dạy con về đạo đức, là cơ hội để nói với con về chia sẻ, đồng cảm", chị Ngôn nêu ý kiến.
Học online - Cơ hội vàng
"Bạn Bim nhà mình ngày xưa trên bảng cô đang nói C thì ổng vẫn đang ghi ghép A dưới vở nên hậu quả là ổng lọ mọ rất khó tập trung. Nhưng xưa con ở trên lớp mình không chứng kiến nên không biết thực hư ra sao mà trao đổi, giúp đỡ con. Khi học online, mẹ sẽ có thể ngồi bên cạnh 1 tiết để quan sát, rồi phân tích và đúc kết cho con thấy được vì sao con học chưa tốt.
Con kết thúc môn học, tiết học, buổi học, ngày học trong sự hứng khởi hay chán nản, hoang mang? Hứng khởi thì do đâu? Kĩ năng xử lí tình huống, giao tiếp, tương tác, tiếp thu bài của con đã tốt hay cách tương tác, giảng bài của thầy cô giáo có hấp dẫn? Đó là những điều mà bố mẹ có thể dễ dàng quan sát được trong thời gian con học online".
Con tốt chỗ nào thì cha mẹ cướp lấy cơ hội để chỉ ra cho con cách phát huy. Môn chưa tốt thì giúp con chinh phục để học một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
"Với mình, thành quả sau 2 tuần Bim học online đó chính là giúp con vượt qua nỗi sợ học tiếng Anh. Bim đã không còn ngán ngẩm mỗi khi nhìn thời khóa biểu có tiếng Anh nữa. Con cũng đặt mục tiêu lọt top 3 của lớp. Tất nhiên mục tiêu thì có thể đạt hoặc không, nhưng điều mình muốn nói là nhờ có những giờ học online mà mình quan sát và đồng hành cùng con sát sao hơn".
Chị Ngôn cho rằng, khi học ở nhà, việc khen chê con đúng cách cũng rất quan trọng: "Mình tranh thủ quan sát phát hiện con tốt chỗ nào để khen con kịp thời, khiến con tự tin hơn rất nhiều, hào hứng phát biểu rất tự tin. Chẳng hạn con nói không đúng nhưng rõ ràng rành mạch, mình có thể khen điểm tốt này của con rồi góp ý sau và tìm cách giúp con. Những lỗi lặt vặt bị cô nhắc nhở thì mình đừng có loạn theo vì lúc đó con biết lỗi và đủ lo lắng rồi. Cứ từ từ khuyên nhủ, mình nghĩ con sẽ tiếp thu và thay đổi".
Một điều nữa mà chị Ngôn lưu ý đó là phụ huynh đồng hành, quan sát nhưng đừng quá can dự vào bài giảng hay chê thầy cô trước mặt con: "Mình biết có trường hợp bố mẹ lỡ miệng nhận xét cô dạy dở khi ngồi học cùng con, tuy nhiên điều này vô cùng không nên. Nếu muốn, bố mẹ có thể góp ý riêng, hãy để cho con được sống với lăng kính của con với thầy cô suốt năm học trong hạnh phúc. Bé nhà mình học ở trường hiện tại, vấn đề đối thoại với giáo viên và nhà trường rất thuận lợi. Mình nghĩ nếu có cách phản ánh tế nhị thì mọi chuyện sẽ được giải quyết".
Học online có nhiều hạn chế, tuy nhiên điểm sáng tuyệt vời của phương pháp này là giúp cho các em học được một kỹ năng tối quan trọng đối với người đi học: Kỹ năng tự học. Lượng kiến thức chắc chắn không thể được như khi con đến trường, tuy nhiên các con vẫn ý thức được rằng đang trong năm học, nên chịu rèn tính kỷ luật như ngủ sớm, dậy sớm, ôn bài. Như vậy chẳng phải tốt hơn dành thời gian rảnh để coi TV hoặc chơi game sao?
Về cơ sở hạ tầng, rất khó để đòi hỏi sự giống nhau ở tất cả các gia đình, ở bất kỳ xã hội nào. Với các em nhỏ, việc học online sẽ nhiều khó khăn hơn. Mỗi cá nhân, gia đình cần tự tìm ra giải pháp và áp dụng cho gia đình mình. Hơn bao giờ hết, nhà trường vẫn cần sự thông cảm, thấu hiểu của các bậc phụ huynh và mong phụ huynh luôn đồng hành, động viên con em mình trong những ngày học trực tuyến.
Hiểu Đan