(Tổ Quốc) - Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì có không ít lời phản đối. Một số phụ huynh cho rằng việc học online ở cấp mầm non là không cần thiết.
Mới đây, một chủ đề được chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm. Cụ thể một bà mẹ có con mới 2 tuổi, hiện đang học mầm non cho biết: Trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19, trường của con chị gửi thông báo về việc học online. Theo đó, từ ngày 17/2 - 28/2/2021, nhà trường sẽ gửi bài dạy online trực tiếp đến phụ huynh.
Tuy nhiên bà mẹ này cho rằng việc học online là không hợp lý vì con chị còn quá nhỏ, mới chỉ 2 tuổi. "Vì mình có thể chưa cập nhật những hình thức giáo dục mới nên mình muốn xin ý kiến của các bố mẹ trước khi phản hồi nhà trường", chị cho biết.
Ngay lập tức, nhiều bậc cha mẹ có con học mầm non khác đã phản hồi dưới bài đăng. Hầu hết các ý kiến đều cho biết việc học online ở cấp mầm non là bình thường và trường con mình cũng đang áp dụng.
Một phụ huynh cho biết: "Học online của mẫu giáo chỉ là các cô quay clip rồi gửi lên trang Facebook của trường thôi mà. Con mình trường công là vậy".
"Đợt dịch năm ngoái, bé nhà mình lúc đấy tầm 2 tuổi cũng học online nhưng chỉ 30 phút/ngày để con không quên mặt cô giáo. Gọi là học chứ được khoảng 5 phút là con chạy khắp nhà rồi. Trường cũng không thu hay trừ vào tiền học phí", phụ huynh khác chia sẻ thêm.
Một số phụ huynh cũng tận tình giải thích thêm cho bà mẹ trên về việc học online: "Ý của nhà trường là gửi bài học cho phụ huynh để bố mẹ ở nhà cho con học thôi. Như trường con mình, cô giáo gửi các bài hát, thơ ca qua Zalo, khi nào ngồi với con thì mình đưa ra cho con tập theo".
Dạo một vòng ý kiến, có thể thấy khá nhiều phụ huynh đồng tình với việc cho trẻ mầm non học online. Phụ huynh Q.L bày tỏ: "2 tuổi thì con cũng có nhiều bài học. Bé nhà mình học hát múa, Tiếng Anh, xếp hình, nhận biết hình khối màu sắc, đọc thơ. Nếu các cô trường mình mà gửi bài giảng online thì mình mừng quá. Nhất là các trò chơi cho con".
Chị N.H.U - một phụ huynh ở TP.HCM có con 4 tuổi cũng chia sẻ chuyện học online của con: "Cả mình và con đều hào hứng với việc này. Chuyện học cũng đơn giản lắm: Cô quay clip kể chuyện, dạy rửa tay,...rồi đăng lên nhóm. Bố mẹ cho con làm theo, không bắt buộc, không phải ngồi học như cấp tiểu học. Con cũng đỡ nhớ trường lớp và không quên mặt cô".
Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến đồng tình thì có không ít lời phản đối. Một số phụ huynh cho rằng việc học online ở cấp mầm non là không cần thiết. Bởi ở độ tuổi mầm non, việc các con tiếp xúc với thiết bị công nghệ là không nên, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Con mình lớp 1 còn chẳng cho tham gia học online nữa là 2 tuổi. Càng bé thì học online càng không hiệu quả, lại hại mắt, hại não và hình thành thói quen sử dụng thiết bị điện tử sớm. Điều này không tốt", một phụ huynh nêu quan điểm. Sự bất đồng ý kiến sau đó gây ra luồng tranh cãi không ngớt giữa các bậc phụ huynh.
Có nên cho trẻ mầm non học online hay không?
Hiện tại do dịch Covid-19 nên học sinh các cấp không thể đến trường. Trong thời gian này, các trường học, bao gồm cả trường mầm non đã tổ chức học online để học sinh không bị chậm kiến thức. Đối với bậc mầm non, một số hình thức học online đã được triển khai như: Các cô giáo làm những giáo án điện tử với bài thơ, câu chuyện, trò chơi... cho học sinh các độ tuổi để đăng tải trên website của trường, nhóm Zalo, Facebook của lớp.
Tuy nhiên việc học online ở cấp mầm non có thực sự cần thiết? Nói về điều này, chuyên gia tư vấn phụ huynh Linh Phan cho biết: "Theo sự phát triển tự nhiên về mặt nhận thức, tâm sinh lý của trẻ thì việc yêu cầu trẻ mầm non (dưới 5 tuổi) phải ngồi một chỗ để học trực tuyến là không thể hiệu quả.
Điều quan trọng với trẻ ở độ tuổi này là tiếp xúc và học một cách trực quan thông qua các giác quan, hình thành kinh nghiệm và giúp trẻ ghi nhớ. Trẻ mẫu giáo cần thường xuyên chuyển động, khám phá và đây là điều mà việc học từ xa không thể làm được. Nhất là khi phải ngồi và nhìn chằm chằm vào màn hình. Việc học trực tuyến đối với trẻ mầm non có thể được cải thiện chỉ khi có sự tham gia hỗ trợ trực tiếp của phụ huynh/người chăm sóc.
Cụ thể là khi giáo viên hướng dẫn trực tuyến thì phụ huynh/người chăm sóc sẽ là người truyền đạt lại, hướng dẫn hoặc hỗ trợ trẻ tham gia vào lớp học. Ở Nauy, thời gian trẻ mầm non phải ở nhà không đi học, phụ huynh sẽ được hỗ trợ làm việc từ xa để trông con. Ngoài ra mỗi thứ 2 đầu tuần, các cô giáo lại chuẩn bị một bộ công cụ (thường là giấy màu, các đồ thủ công… theo 1 chủ đề có sẵn) sau đó sẽ dành ra mỗi ngày khoảng 15-20 phút gửi các video hoặc live hướng dẫn cho phụ huynh".
Nói về việc cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ sẽ dẫn đến những nguy hại về sức khỏe, chị Linh Phan cũng cho biết: "Khuyến cáo của WHO và các tổ chức uy tín trên thế giới là trẻ từ 2-5 tuổi không nên tiếp xúc màn hình quá 30 phút/ngày. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì nên hạn chế tối đa nếu có thể.
Trẻ lớn cần phải học online để có kiến thức thì đã đành, trẻ nhỏ mầm non sẽ tiếp thu kiến thức qua tương tác trực tiếp. Vậy nên dạy online nhắm tới đối tượng mầm non sẽ không hiệu quả, chưa kể là với trẻ độ tuổi quá nhỏ thì việc ngồi lâu trước màn hình sẽ mang lại nhiều cái hại hơn là lợi".
Nói về chuyện dạy online ở cấp mầm non, cô Hà Ngọc Nga - quản lý trường mầm non Tatuschool Montessori Children's House, TP.HCM cũng bày tỏ quan điểm: "Mình nghĩ đây chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài thì trẻ mầm non học online khá khó khăn. Với những gia đình mà bố mẹ, ông bà có thể trông thì việc học online dưới hình thức tương tác 30 phút/ngày, giúp các con không buồn chán thì được. Còn với những gia đình neo người thì trẻ rất cần đến trường".
Về việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mầm non, chị Nga bày tỏ ý kiến đồng tình. "Mình đã đọc khá nhiều nghiên cứu và chứng kiến các trường hợp về tác hại của màn hình đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy mình luôn kiên quyết khuyên các bậc phụ huynh trước 6 tuổi hãy để con tránh xa/hạn chế màn hình điện thoại, ti vi, ipad càng nhiều càng tốt.
Trong tình hình dịch bệnh phải đóng cửa trường, mình đã sớm bắt đầu nghiên cứu các hình thức dạy online cho bé từ đợt dịch năm ngoái, năm nay vẫn tiếp tục, thế nhưng đến giờ phút này thực sự nó không thể thuyết phục được mình.
Khuyến khích những đứa trẻ, đặc biệt những đứa trẻ bậc mầm non (từ tiểu học trở đi thì ổn), ngồi vào màn hình vì mục đích gì thì mình cũng thấy hại nhiều hơn là lợi. Nhà trường có thể có nguồn thu học phí để vượt dịch, phụ huynh có thể có thời gian rảnh rỗi chút để làm việc, nhưng những đứa trẻ thì sao? Bộ não quá non nớt của chúng sẽ ra sao?", chị Nga đặt câu hỏi.
Thanh Hương