(Tổ Quốc) - Đề xuất của hiệu trưởng trường Marie Curie đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cả phụ huynh học sinh và các nhà quản lý.
Chiều 7/7 tại Hội nghị giao ban báo chí thông tin về kết quả năm học 2019-2020 và chuẩn bị cho năm học 2020-2021 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường tư tập trung học sinh trước 1 tháng so với trường công.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie.
Theo thầy Khang, hiện "Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét sửa đổi thông tư 13 năm 2011 cho phù hợp hơn, có thể sẽ rút ngắn thời gian học trước của trường tư so với trường công. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giáo viên, phụ huynh, học sinh trường tư thục". Chính vì vậy, thầy Khang mong muốn, đề xuất Bộ cho phép trường tư thục vẫn được tựu trường trước trường công lập 1 tháng.
Cũng theo chia sẻ thêm của thầy Khang, việc tựu trường sớm là phù hợp với nhu cầu của phụ huynh, học sinh và giúp giáo viên ổn định cuộc sống.
"Những năm trước trường Marie Curie cũng nghỉ hè 2 tháng nên ảnh hưởng tới thu nhập của giáo viên không nhiều, nhưng với những trường tựu trường muộn hơn thì cuộc sống thầy cô sẽ rất khó khăn", thầy Khang nhận định.
Phản ứng trái chiều từ phụ huynh
Trước đề xuất cho con theo học ở các trường tư thục với thời gian của năm học kéo dài 10 tháng, rất nhiều phụ huynh đồng tình. Lý do được những phụ huynh này đưa ra đó là khi con em đi học sớm hơn sẽ đồng nghĩa với việc các bé không quá căng thẳng về lượng kiến thức, có thể có thêm thời gian để phát triển các kỹ năng mềm. Cùng với đó, khi con tới trường học, phụ huynh cũng yên tâm hơn và có thể chuyên tâm vào công việc riêng của từng người.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng gặp không ít sự phản đối. Nhiều ý kiến không đồng tình đều chung quan điểm cần để học sinh nghỉ ngơi và phải có sự đồng nhất thời gian giữa trường công và trường tư.
Một vài phụ huynh có quan điểm "cứng rắn" hơn thì cho rằng, việc "trường tư thục tựu trường sớm là bỏ quên quyền lợi của học sinh", bởi đề xuất này mới chỉ dựa trên góc nhìn của người lớn, không lấy học sinh làm trung tâm.
Cũng theo ý kiến này thì "nhiệm vụ chính của ngành giáo dục không đơn giản chỉ là truyền đạt kiến thức hàn lâm mà còn phải đào tạo, định hướng cho thế hệ mới - nơi con người có tri thức, sức khỏe, phát triển cả về thể chất lẫn tư duy, chứ không phải tạo ra những con robot biết đọc, viết... và làm đẹp lòng người lớn".
Chính vì lẽ đó, "thời gian nghỉ hè và tựu trường cần được thống nhất chung cho cả nước, không nên phân biệt trường công hay trường tư. Đã là học sinh, các em đều cần được tạo môi trường, điều kiện phát triển như nhau. Lịch học và nghỉ hè đã được nghiên cứu, cân đối, xác lập bởi những nhà giáo dục có kinh nghiệm để phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ", ý kiến này bổ sung thêm.
Theo điều 14, Chương trình giáo dục tại Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục có nêu rõ: Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung.
Ngày 30/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ quy định thống nhất thời gian khai giảng năm học 2020-2021 trên cả nước là ngày 5/9. Thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9. Các trường không tổ chức dạy học trước thời gian trên.
Với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi thông tư 13 năm 2011 cho phù hợp hơn.
Vân Anh