(Tổ Quốc) - Ai cũng có lý lẽ của riêng mình, câu chuyện vì thế mãi chưa có hồi kết.
Ngày nhà giáo Việt Nam, nên mua quà gì cho thầy cô, đây là câu hỏi dù không hề mới nhưng năm nào sắp đến 20/11 cũng được nhiều phụ huynh đem ra bàn tán sôi nổi. Hết bàn trong nhóm riêng đến group chung, mỗi người một ý. Và đôi khi quanh chủ đề có phần hơi riêng tư và tế nhị này cũng nảy sinh đủ vấn đề dẫn tới quan điểm trái chiều.
Mới đây, khi một phụ huynh khơi mào đề tài muôn thuở này trong một hội nhóm, dân tình lại có dịp chia hai "chiến tuyến" tranh cãi không hồi kết. Phụ huynh này hỏi: "Sắp 20/11 mọi người có ý tưởng gì tặng quà cho thầy cô không chỉ giúp em với ạ. Quan trọng là kinh tế và đồng bộ chút ạ vì em muốn tặng cho hết các thầy cô của con lấy thảo. Dịch không gặp được cô những cũng muốn gửi quà cho thầy cô vui".
Bên cạnh đủ loại gợi ý từ tặng quà đến gửi lời chúc, thậm chí cả... chuyển khoản cho nhanh, một giáo viên để lại bình luận: "Thưa chị. Giáo viên tụi em còn chưa được đến trường thì quà cáp để làm gì ạ? Tụi em chỉ mong được đi làm chứ không mong quay lại trường chỉ để nhận quà". Quan điểm này khiến nhiều phụ huynh cho rằng, giáo viên hơi có phần... nhạy cảm bởi chuyện hỏi tặng quà vốn là chuyện rất bình thường, cũng không ai yêu cầu các thầy cô phải đến trường để nhận quà cả.
"Bạn ơi! Phụ huynh đâu có quyền quyết định khi nào trường được mở lại đâu bạn! Con học ở nhà nhưng phụ huynh vẫn luôn biết ơn thầy cô giáo thì có gì không phải? Và giáo viên nhận quà họ vui vì tấm lòng của phụ huynh dành cho họ, trong khó khăn phụ huynh vẫn không quên ngày đặc biệt của giáo viên. Ngoài ra mình biết rất nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vì dịch, vì gia đình có người thân bị nhiễm virus. Vậy thì một món quà động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau lúc này chả phải là điều tốt hay sao? Phụ huynh cũng rất nhiều người chưa được đi làm mà", một phụ huynh nêu ý kiến.
"Cứ ting ting cho cô, có đi học đâu mà tặng"
Trên nhiều diễn đàn cũng diễn ra cuộc tranh cãi nảy lửa về việc nên đi phong bì hay không. Không ít ý kiến chia sẻ họ chọn tặng quà thầy cô bằng phong bì vì nhanh, gọn, thiết thực. Ở trường phái ngược lại, nhiều người không đồng tình tri ân thầy cô dịp 20/11 bằng quà tặng phong bì. Họ cho rằng, ý nghĩa, giá trị của tình thầy trò, cảm xúc thầy trò nhận được khi trao - nhận một bông hoa, món quà nhỏ hay là một lời cảm ơn, thái độ... ý nghĩa hơn bất cứ tiền bạc, vật chất nào.
Nhiều phụ huynh nghĩ Ngày 20-11 hãy tặng quà càng "nặng ký" càng tốt, càng dễ "gởi gắm" con mình. Thế là có nhiều điều tế nhị phát sinh. Thường thì thầy cô bị xầm xì chứ người tặng không ảnh hưởng gì.
Được phụ huynh quan tâm tặng quà nhiều giáo viên cũng không sung sướng gì. Không nhận thì họ nghĩ rằng mình chê, còn nhận quà thì lại băn khoăn không biết phụ huynh đánh giá thế nào về mình, có nghĩ rằng mình sính quà cáp, rồi đánh giá này nọ hay không... Có những món quà đẹp, đắt tiền nhưng không thể sử dụng vì không phù hợp, rất lãng phí. Quà cáp đã trở thành “gánh nặng”, quà càng giá trị thì gánh nặng càng lớn.
Đứng ở vị trí của giáo viên mà nói, hẳn không ai thích đề tài này được đem ra bàn luận công khai bởi với họ, học sinh ngoan ngoãn, chăm học, phụ huynh hiểu chuyện, đồng hành cùng việc học của con đã là một món quà to lớn nhất rồi. Vấn đề quà cáp vốn tế nhị, càng bàn thì càng ít nhiều gây tổn thương đến lòng tự trọng của thầy cô - những người vốn được xã hội quý trọng và kỳ vọng...
Ngày 20/11 là ngày vui của những người “chở đò thầm lặng”, là dịp để chúng ta nhớ và tôn vinh công lao của những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ mình thành người. Vậy thì đâu có lý do gì để chúng ta phải mệt mỏi với câu chuyện quà cáp? Có những em học trò cũ, dù đã học thầy cô từ nhiều năm về trước nhưng tới ngày lễ cũng gởi thiệp về chúc mừng, có em gọi điện hỏi thăm hay chỉ là vài dòng tin nhắn nhưng bất kì cô thầy nào cũng cảm thấy mừng vui khôn xiết. Niềm vui được nhận quà vì thế không nằm ở giá trị món quà nhiều hay ít. Nó phụ thuộc vào tấm lòng của người tặng.
Hiểu Đan