(Tổ Quốc) - Không chỉ tố cáo các tệ nạn của học sinh mà phim còn đề cập tới nhiều vấn đề của cả giáo viên và xa hơn là hệ thống giáo dục.
Những năm tháng học đường là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong thanh xuân của mỗi người. Chúng ta cùng nhau nô đùa dưới mái trường, nghe thầy cô giảng bài, hay có một mối tình "gà bông" dễ thương.
Tuy nhiên thế giới học đường không phải chỉ toàn màu hồng. Mỗi ngôi trường, mỗi lớp học có thể tồn tại những mảng đen tối không ngờ. Khi mảng tối đó bị bóc trần cũng là lúc hậu quả đã đi ngoài tầm khắc phục. Từ trước đến nay, điện ảnh châu Á và cả thế giới từng có nhiều bộ phim lên án các tệ nạn học đường như gian lận, xâm hại tình dục, bắt nạt tập thể, giáo viên phân biệt đối xử,... Nhưng hầu hết, mỗi bộ phim thường sẽ chọn một khía cạnh để phán ảnh.
"Girl from Nowhere" (Tạm dịch: Cô gái đến từ hư vô), bộ phim tâm lý kinh dị 18 đến từ Thái Lan lại khác. Phim chọn hướng đi táo bạo, tham vọng hơn khi cùng lúc phản ánh nhiều vấn đề ở trường học. Với 2 mùa lên sóng Netflix, bộ phim xứ "chùa vàng" gây tiếng vang mạnh. Bởi nó không chỉ tố cáo học sinh, phụ huynh mà còn cả giáo viên và xa hơn là hệ thống giáo dục.
Đôi khi, chính nơi được kỳ vọng sẽ dạy dỗ, dìu dắt người trẻ trưởng thành lại gián tiếp đẩy các em vào hố đen tội lỗi.
Khi những "con quỷ" đội lốt thầy giáo đạo mạo
Tập 1, phần 1 của phim đưa khán giả đến một ngôi trường THPT ở Thái Lan, nơi gã thầy giáo nọ lợi dụng quyền lực và công việc quay phim cho lớp tập Yoga để lạm dụng nhiều nữ sinh. Không chỉ vậy "người thầy" này còn lén lút ghi hình, nhằm đe dọa bắt ép các em phải tuân theo mệnh lệnh của mình.
Từ một người bảo vệ trở thành kẻ xâm hại, uy hiếp, hành động của người được xưng là thầy giáo khiến khán giả phẫn nộ và ghê sợ. Cuối cùng, thầy giáo này cũng phải trả giả đắt cho hành vi đồi bại. Nhưng có một thực tế buồn là trong cuộc sống thực còn vô vàn những "con quỷ" đội lốt như thế. Đã rất nhiều vụ án giáo viên xâm hại học sinh bị đưa ra ánh sáng nhưng không ít vụ, nạn nhân vì sợ hãi, xấu hổ mà để cái ác tiếp diễn.
Sự ham hư vinh, thành tích của nhà trường đẩy học trò vào con đường tội lỗi
"Bệnh thành tích" là thực trạng đáng báo động ở rất nhiều ngôi trường. Vì sĩ diện chung của tập thể, không ít thầy cô sẵn sàng làm giả thành tích, thậm chí bao che cho tội lỗi của học trò. Miễn sao học trò đó có thể mang lại danh tiếng và những tấm huy chương. Để rồi chính người thầy gián tiếp đẩy trò trượt dài trên con đường sa ngã.
Tập 3 phần 1 bộ phim "Girl from nowhere" đưa khán giả gặp gỡ Maew - một học sinh không có tài năng nổi trội nhưng lại học tập trong ngôi trường top đầu thành phố. Thấy bạn học giành hết giải thưởng này đến giải thưởng khác Maew sốt ruột nhưng lại không tự khám phá tài năng tiềm ẩn của mình.
Thay vào đó, nữ sinh này chạy theo thành tích và copy tranh vẽ của người khác. Khi vụ việc bị phát giác, Maew chẳng những không bị vạch trần mà còn được bao che bởi thầy hiệu trưởng hám danh. Cả hội đồng trường nhấm nháy, tiếp tay cho cái sai và tung hô cái sai đó. Còn Maew trở thành quân cờ trong trò chơi danh vọng của người lớn.
Tập phim kết thúc khiến người xem tự hỏi: Rồi Maew sẽ trượt dài tới đâu với sự hậu thuẫn như thế?
Nội dung tập 1 phần 2 "Girl from nowhere" phản ánh phần lớn nạn quan hệ tình dục bừa bãi của những cô cậu học sinh, nạo phá thai,... Tuy nhiên nếu để ý kỹ một chi tiết nhỏ ngay những phút mở đầu tập, khán giả sẽ thấy phim lên án thói thành tích của thầy cô.
Cụ thể khi nữ chính Nanno bước vào lớp, cô bạn Lookhme đã cảnh báo Nanno không nên lại gần Nannai vì nam sinh này đã khiến nhiều bạn nữ trong trường có thai. "Nhà trường không quan tâm à?", Nanno hỏi.
"Họ phá thai rồi. Nhưng vấn đề là, Nanai là học sinh giỏi nhất và không có nhỏ nào muốn vác bụng bầu đến trường hết", cô bạn kể.
"Nanai là học sinh giỏi nhất" - câu nói này chưa biết bao nhiều ẩn ý. Phải chăng với ngôi trường này, những danh hiệu mà nam sinh Nanai mang đến còn quan trọng hơn so với những hành động cậu ta gây ra? Thành tích có thể bù đắp được khiếm khuyết đạo đức? Nếu Ban giám hiệu không dửng dưng ngoài cuộc, có lẽ không nhiều nữ sinh rơi vào cảnh nạo phá thai khi tuổi đời còn quá non trẻ...
Sự bảo thủ của người thầy phá hủy thế hệ trẻ và cả chính họ
Nhân vật chính của tập phim 10 mùa 1 là cô giáo Aum. Cô được khắc họa là người nghiêm khắc và có phần bảo thủ, khô cứng. Cô Aum luôn muốn cải cách hệ thống giáo dục nhưng lại theo cách cực đoan, ép học sinh phải theo sự rập khuôn của mình.
Ngay từ những phút giây đầu xuất hiện, cô giáo này đã luôn căng thẳng, không bao giờ tươi tắn với học trò. Trong khi các thầy cô khác vui vẻ chào học sinh ở cổng trường mỗi sáng thì cô Aum lại giữ bộ mặt lạnh tanh. Sự cứng nhắc khiến cô Aum làm mất lòng đồng nghiệp và không thể thân thiết hơn với học trò.
Nói một cách khách quan, nhân vật Aum khá đáng thương khi người chồng giáo sư ngoại tình với sinh viên. Bản thân cô phải chịu nhiều sự đàm tiếu từ xã hội. Nếu ở môi trường công sở, nhân viên thường chịu nhiều áp lực nếu sếp "khó ở" thì trong môi trường học đường, tương ứng với học sinh và giáo viên.
Tâm lý bất ổn, cộng thêm sự bảo thủ sẵn có khiến cô Aum trút giận sang học sinh. Để rồi bi kịch xảy ra. Những giây cuối của phim chứng kiến thảm kịch kinh hoàng khi cô Aum cầm súng thảm sát lớp học. Bên cạnh chỉ trích sự bảo thủ của người thầy, tập phim này cũng nói về góc khuất đời tư của họ. Không chỉ học sinh, cả người thầy cũng cần lắng nghe và chia sẻ...
Trong phần 2 "Girl from nowhere", một cô giáo khác cũng khiến học sinh bức bối không kém vì sự bảo thủ của mình. Cô giáo Nareumon luôn ám ảnh với việc ngăn cấm nam nữ sinh tiếp xúc nhau, đến mức quản lý ứng dụng nhắn tin, bắt các em học riêng khu, không được nói chuyện,...
Dù sự bảo thủ của cô bắt nguồn từ ý tốt, không muốn nữ sinh rơi vào cảnh tử vong do nạo phá thai như bạn mình nhưng cách làm của cô Nareumon lại sai hoàn toàn. Thay vì giáo dục học trò những kiến thức giới tính cần thiết thì cô giáo này lại cấm một cách cực đoan và phản cảm. Thậm chí còn cầm chổi đánh khiến một nam sinh bị thương. Là giáo viên nhưng cô Nareumon lại không hiểu tâm lý tuổi mới lớn. Rằng càng cấm thì càng tò mò!
Sự bảo thủ một lần nữa được đề cập trong tập 6, phần 2 của "Girl from nowhere". Cả tập phim thể hiện bằng màu đen trắng, khắc họa sự bí bách đến nghẹt thở. Tại ngôi trường Pantanawittaya, một lần nữa, Nanno chứng kiến những quy tắc cũ rích của giáo viên nhằm áp chế học sinh theo khuôn khổ. Như việc giáo viên cùng ban hành chính ập vào lớp để kiểm tra cặp sách, học sinh phải nhất nhất tuân thủ theo lời nói của giáo viên,... Thậm chí giáo viên còn hành hung học sinh khi bị phát hiện dạy sai kiến thức.
Tại ngôi trường đen trắng đó có tới hàng trăm điều nội quy mà bất kể ai dám khác biệt đều sẽ bị "bay màu". Cuối cùng chính những người thầy cô lại phải trả giá cho sự bảo thủ của mình khi học sinh nắm thóp lại.
Sự thờ ơ của giáo viên trước tệ nạn bạo lực học đường
Hai tập cuối của phần 1 nói về nạn bạo hành học đường và tình bạn giả dối. Trong 2 tập phim này, Nanno trở thành đối tượng bị đàm tiếu, vu oan và đánh hội đồng. Các thành viên trong lớp vốn không hề thân thiết, yêu quý nhau thật lòng nhưng lại đồng lòng khi có chung mục tiêu ghét bỏ - đó chính là nữ sinh Nanno mới chuyển đến trường.
Bên cạnh vấn nạn bạo lực học đường, điều khiến nhiều người quan tâm là: Tại sao Nanno bị các bạn đánh đập nhưng thầy cô trong trường lại không hề biết? Không chỉ là một cái tát hay lén giật tóc, Nanno đã bị lấy ghế, gậy gộc để đánh. Thậm chí nữ chính còn bị xây xát, biến dạng một bên mặt, mắt sưng húp! Với bộ dạng như vậy, Nanno rất dễ khiến cả trường chú ý.
Vậy tại sao không một thầy cô nào biết và can thiệp? Là không biết hay thờ ơ, vô cảm? Câu hỏi bỏ ngỏ đó khiến khán giả càng thêm day dứt, suy nghĩ về trách nhiệm của người thầy...
Thanh Hương