(Tổ Quốc) - Cách hành xử đầy khôn khéo và tinh tế của bà mẹ khiến cậu con trai biết sai mà sửa. Cậu bé cũng không bao giờ dám tái phạm lỗi lầm thêm lần nào nữa.
Chị Trương (Trung Quốc) có con trai Tiểu An năm nay 12 tuổi. Ở tuổi mới lớn, cậu bé bắt đầu có nhu cầu tiêu tiền nhiều hơn. Nhiều khi cậu bé còn lấy hết tiền tiêu vặt để bao các bạn ăn uống. Chị Trương không ít lần phải nhắc nhở con cần lập kế hoạch chi tiêu và không được dùng tiền phung phí.
Một hôm, chị Trương đi chợ về và để quên ví trên bàn ăn. Đến khi cầm lại, chị phát hiện trong ví mất hơn 150 NDT (khoảng 500 ngàn đồng). Lúc này trong nhà chỉ còn chị và con trai. Chị Trương đoán có thể Tiểu An đã lén lấy tiền của mẹ để tiêu pha. Tuy nhiên chị không vội mắng hay chất vấn con mà thủ thỉ bàn với chồng một kế hoạch.
Tối ấy khi cả nhà đang ăn cơm, chị Trương bảo chồng: "Hôm nay em bị mất 150 NDT, có thể là trộm lấy vì nhà chúng ta không ai có tính tắt mắt cả. Hay chúng ta báo cảnh sát đi". Chồng chị Trương nghe xong liền gật đầu đáp lời vợ: "Được, sáng mai anh sẽ lên đồn cảnh sát để trình báo".
Tiểu An ngồi bên cạnh bố mẹ, nghe xong thì sợ tái mặt. Tối hôm ấy, nhân lúc không ai để ý, cậu bé lén lút bỏ lại tiền vào ví. Chị Trương âm thầm quan sát hành động của con, mỉm cười rồi báo lại với chồng. Sáng hôm sau cả hai giả vờ vui mừng thông báo với con: "Mẹ lú lẫn quá. 150 NDT hôm trước không hề bị mất. Hóa ra là mẹ đếm nhầm. An ninh khu này tốt như vậy, mẹ lại luôn khóa cửa kỹ thì làm gì có trộm chứ. Nhà mình ai cũng trung thực nữa!".
Tiểu An nghe xong thì nhoẻn miệng cười. Từ đó, trong nhà không bao giờ có hiện tượng mất trộm tiền nữa. Có lẽ chính cậu bé cũng tự ý thức được việc phải sống trung thực đúng như lời nhận xét của mẹ. Ngoài ra, Tiểu An cũng nhờ mẹ giúp cách lập bảng chi tiêu và không còn phung phí như trước.
Cha mẹ thông minh hãy cho trẻ cơ hội sửa sai
Tất cả chúng ta đều từng phạm sai lầm trong cuộc đời của mình. Đối với trẻ nhỏ, người lớn càng cần bao dung hơn bởi trẻ vốn chưa phát triển đầy đủ nhận thức. Đôi khi những hành vi sai trái của trẻ là vô tình chứ không cố ý.
Bố mẹ thông minh hãy cho con cơ hội để sửa sai. Hãy chỉ cho con biết con sai ở đâu, tại sao hành động đó lại không được cho phép. Bên cạnh đó, bố mẹ hướng dẫn con những giải pháp để khắc phục lỗi sai. Hãy nhớ đừng bao giờ sử dụng đòn roi, quát mắng để khiến con sợ hãi.
Đòn roi chỉ chấm dứt hành động sai trái của con trẻ ngay lúc đó chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu trực tiếp đánh con, bố mẹ đã tước mất cơ hội giúp con nhận lỗi và sửa sai. Không chỉ vậy, đòn roi trong nhiều trường hợp còn gây tác dụng phụ. Trẻ có thể trở nên lì lợm, bướng bỉnh và có những hành động chống đối bố mẹ.
Để dạy dỗ và giúp con nên người, cách tốt nhất là bố mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện, lắng nghe và giúp con nhận ra lỗi lầm của mình, thay vì sử dụng đòn roi, quát mắng.
Thanh Hương