(Tổ Quốc) - "Quan điểm của các ba mẹ thế nào về cô giáo mầm non mà có hình xăm"?. Câu hỏi ngắn gọn của một ông bố ở Hà Nội mở ra một cuộc tranh cãi gay gắt về chủ đề này.
Nhiều người ngày nay coi hình xăm là một nghệ thuật. Bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn cho mình những hình xăm ở những vị trí yêu thích, như một cách ghi dấu ấn bản thân. Tuy là vậy nhưng trong thực tế, xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe với những người có hình xăm. Môi trường giáo dục lại càng đặc biệt bởi hình thức, tác phong, cách ăn mặc, cách cư xử… của thầy cô luôn được xem là chỉn chu, mẫu mực.
Mới đây, một ông bố tên N.D.M ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện cô giáo lớp con mình có hình xăm, đồng thời bày tỏ quan điểm rằng mình không thể chấp nhận điều này và muốn nhà trường đổi giáo viên. Ngay lập tức, chia sẻ này đã nhận về hàng trăm ý kiến trái chiều.
Người này viết:
Con mình mới học được hơn một tháng nhưng hôm trước mình mới vô tình phát hiện cô giáo có hình xăm ở cổ tay.
Bản thân mình không kỳ thị hay nghĩ xấu gì người xăm hình. Nhưng đối với mình xăm hình vẫn mang tính chất phóng túng tự do và kém tính nhân văn. Đối với những nghành nghề khác thì hình xăm không ảnh hưởng gì nhiều nhưng đối với một nghề đòi hỏi sự đứng đắn và tôn nghiêm như giáo dục thì theo mình là không thể chấp nhận được. Mặt khác một người tiếp xúc với các bé ở độ tuổi mầm non mà tay chân xăm trổ thì sẽ là một hình ảnh mang tính lệch lạc cực cao in sâu vào suy nghĩ của các bé, để lại hậu quả vô cùng đáng lo lắng về nhận định của các em sau này về cái đẹp, về nhân cách con người.
Mình sẽ đề nghị nhà trường luân chuyển công tác cô giáo có hình xăm ở tay hoặc nếu nhà trường không hợp tác mình sẽ xin chuyển trường. Cho dù học phí đã đóng cả năm nhưng mình không thể chấp nhận được việc người dạy dỗ con mình hàng ngày có hình xăm trên người.
Các ba mẹ suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
"Hình xăm không liên quan đến chất lượng giảng dạy"
Nhiều ý kiến phản bác sau đó cho rằng, tattoo (nghệ thuật xăm hình) cũng chỉ là một hình thức làm đẹp, là một sở thích. Ai cũng có nghề nghiệp, và bên cạnh nghề nghiệp công việc họ còn có cuộc sống riêng của mình. Họ làm tốt công việc của họ là được, con cái anh đến trường được chăm sóc ân cần là được. Nhìn hình xăm đoán tính cách cả một con người chỉ bộc lộ định kiến nặng nề, là bất công cho người làm công tác giảng dạy.
"Bạn chỉ nên có quyền đánh giá cô giáo của con mình có trách nhiệm hay không chứ không nên đánh giá cô qua hình xăm. Mình không thể bắt cả thế giới suy nghĩ giống mình được. Giáo viên thì cũng là người có cảm xúc và cá tính riêng. Còn mình thấy không phù hợp thì nên chuyển cho con mình tới nơi phù hợp hơn, chứ không phải bắt người ta chuyển đi vì mình không thích", một phụ huynh nêu ý kiến.
Là một người có con học cô giáo có hình xăm, chị M.T cho rằng, chị thấy vui vì điều đó. Con tò mò về các hình xăm của cô, hỏi mẹ về các dạng xăm, ý nghĩa của các hình xăm đó. Trí tưởng tượng và mong muốn tìm tòi được phát huy... Con được làm quen và tập cách sống văn minh, không kì thị những sở thích, cái tôi của cá nhân khác.
Số ít phụ huynh bày tỏ ý kiến đồng tình cùng ông bố này, tuy nhiên những người này khuyên ông bố nên cân nhắc những khó khăn khi chuyển trường đổi lớp, vì những ảnh hưởng từ hình xăm be bé của cô giáo không là gì so với những ảnh hưởng to to từ việc thay đổi môi trường học của con.
"Mình cũng là phụ huynh thôi, cũng không thich những ai xăm hình thù gì lên người (nếu là hình xăm nhỏ nhỏ thì được). Hàng xóm của mình là vợ chồng một thầy giáo người Mỹ. Mình đã rất bất ngờ khi một lần trò chuyện,vợ thầy chia sẻ quan điểm lựa chọn giáo viên cho trung tâm của thầy và cho chính con của thầy, quan điểm ấy đúng như chủ top nói đây. Quan điểm thầy rất rõ ràng, đã làm trong môi trường giáo dục, anh phải trong sạch và gương mẫu, ngay từ vẻ bề ngoài", một phụ huynh chia sẻ.
"Tôi lo ngại một thế hệ sống phóng túng"
Trước những phản ứng dữ dội từ nhiều giáo viên và phụ huynh, anh M. cho rằng, bản thân biết khi nêu quan điểm sẽ có ý kiến trái chiều nhưng khá bất ngờ về mức độ gay gắt của nhiều bạn.
"Tôi buồn thực sự, không phải vì mấy bạn miệt thị tôi mà là lo ngại một thế hệ sống phóng túng. Quan điểm của tôi vẫn rất rõ ràng và nhất quán, vẫn là làm giáo dục không nên có hình xăm, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến các bé".
Nói về việc đòi nhà trường luân chuyển cô giáo hoặc chuyển trường, ông bố này khẳng định, mình sẽ xem xét phương án chuyển lớp dù con mới đi học 1 tháng.
"Dù sao thì quan điểm mỗi người khác nhau. Tôi tôn trọng quan điểm của nhà trường cho dù có khác biệt so với mình. Tuy nhiên đối với một nghề đòi hỏi sự đứng đắn và tôn nghiêm như giáo dục thì theo tôi là không thể chấp nhận được", anh M. bày tỏ.
Hiện câu chuyện vẫn đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Công chức, viên chức có được xăm hình?
Điều 18, Điều 19 của Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về những việc công chức không được làm như: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật;
Tuy nhiên, không có quy định nào cấm cán bộ, công chức xăm hình. Tuy nhiên để đáp ứng phù hợp với vị trí công tác và môi trường làm việc, từng cơ quan, đơn vị có thể sẽ có quy chế khác nhau. Do đó, nên tìm hiểu cụ thể quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Hiểu Đan