(Tổ Quốc) - Sáu tháng ấy với nhiều người chỉ là 180 ngày bình thường, nhưng với chị Uyên là chuỗi ngày đằng đẵng cơ cực và tủi thân khi nhìn con nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí.
2h sáng, trong căn nhà với phần mái ọp ẹp, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (Thái Bình) lại lục đục thắp ngọn đèn tù mù, thay đồ chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Mất hai mươi phút trên chiếc xe đạp cọc cạch chị mới tới chỗ làm, rồi bắt đầu thu gom rác ở chung cư đưa về khu tập kết. Công việc làm luân phiên theo ca, ca sáng từ 3 – 4h sáng đến 1h chiều; ca tối thì từ 4h chiều đến 12h đêm. Vất vả vậy nhưng chị cũng gắn bó được với nghề sang năm thứ tư.
Lúc trước chị Uyên là nhân viên tạp vụ, nhưng mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng không đủ nuôi mẹ già và 1 đứa con nhỏ, cuối cùng chị chuyển sang nghề thu gom rác. Thu nhập so với mặt bằng chung của các nghề khác thì thấp nhưng một ngày được 174 ngàn, với chị Uyên cũng đã ổn hơn nhiều.
Rồi giữa năm 2020, công ty bắt đầu nợ lương. Một tháng, hai tháng, đến ba tháng... chị cũng tự nhủ cố thêm chút nữa. Nhưng 6 tháng trôi qua, mọi gắng gượng dường như đã vượt quá giới hạn.
Đó là khi tới tháng gạo không đủ ăn, phải chạy vạy vay mượn từng đồng, lãi mẹ đẻ lãi con bị chủ nợ mắng nhiếc. Là những lần bị mẹ già khó tính đay nghiến vì không có tiền mang về, nhưng tủi thân nhất, xót xa nhất là ngay cả tiền đóng học hàng tháng cho con chị cũng lực bất tòng tâm.
"Mình không sợ cực, chỉ sợ con xấu hổ nghỉ học, tội con lắm"
Con trai chị Uyên, cháu Nguyễn Minh Phúc, năm nay lên lớp 4. Ở cái tuổi đã có phần ẩm ương, lại là con trai nên có chút bướng bỉnh, đôi khi cháu phản ứng khá gay gắt trước những lời trêu đùa. Vậy nên, dù được nhà trường tạo điều kiện, thế nhưng vì mẹ lúc nào cũng đóng học phí muộn nhất lớp, bị bạn bè trêu nên cậu bé lại tủi thân nghỉ học.
Người phụ nữ ấy rơm rớm, khi nhắc đến con trai mình: "Mỗi lần con buồn, tôi cũng khuyên và động viên cháu, thậm chí nhờ người đưa đến trường nhưng cháu xấu hổ và không chịu. Có đợt, cháu nghỉ học cả 3-4 ngày".
Trong căn nhà cũ, nơi khang trang nhất cũng là khu vực học tập của cậu bé. Mỗi ngày mẹ tất bật với công việc, làm ca sáng thì xin làm thêm ít giờ kiếm thêm chút tiền, vậy nên thời gian dành cho con cũng vì thế mà hạn hẹp.
Nhà cách trường tầm nửa cây số, sáng cậu bé tự đi học, chiều lại tự về. Bé cũng chưa bao giờ biết chuyện học thêm, học bớt, mà "đôi khi muốn dạy con thì kiến thức thời trước với thời nay cũng khác", chị Uyên kể. Vậy nên cậu bé hầu như "tự bơi". Dù vậy những năm vừa qua, tuy không được học sinh giỏi nhưng thằng bé cũng học rất khá.
Trong căn nhà cũ, nơi khang trang nhất cũng là khu vực học tập của Minh Phúc.
Thương nhất là những ngày không tiền vì bị nợ lương, lại bị bà ngoại chửi mắng, hai mẹ con dắt díu nhau ra thuê phòng trọ sống qua ngày. Cực khổ vậy nhưng thằng bé thương mẹ cũng không than vãn. Ở được 6 tháng, thấy con cháu túng thiếu, cuối cùng mẹ chị Uyên cũng gọi hai mẹ con chị về.
Chị Uyên còn một bé lớn đang ở với bố. Nhiều tháng sống cảnh không tiền, vay mượn giật gấu vá vai, chị cũng áy náy vì không chu cấp, làm tròn trách nhiệm với con mình.
Khi chuyện nợ lương của chị và những anh chị em công nhân vệ sinh khác được phản ánh trên báo chí, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (công ty Minh Quân đổi tên), mới trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Chị Uyên cho biết, 500 triệu chia cho 46 nhân viên, dẫu biết, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nhưng khoản tiền ấy khiến họ vơi bớt đi nỗi lo, khi đang trầy trật sống và vật lộn với cơm áo hàng ngày. Chị Uyên dành tiền này để mua gạo, để đóng học cho con...
Ngoài chỗ ngủ và học tập của con, phần còn lại của căn nhà chị Uyên đã xuống cấp nhiều.
Hơn 30 triệu tiền công ty nợ, khi được trả, chị dự định dành một phần trả số nợ còn thiếu, nếu xin phép được chính quyền sẽ sửa lại ngôi nhà ở tạm tại phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì đã xuống cấp nhiều rồi.
Thu gom rác thải chẳng phải là công việc nhẹ nhàng và nhàn hạ để ai cũng có thể làm được. Những người đã lựa chọn theo nghề này sẽ luôn phải gắn bó với sự nặng nhọc, độc hại. Và đồng lương nhuốm mồ hôi lam lũ của họ không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn chở cả ước mơ, tương lai của những đứa trẻ, như cách chị Uyên nói về con mình vậy:
"Kiếm được công việc mới, giờ chỉ mong ngày ngày ổn định để nuôi con ăn học. Thằng bé coi còn nhỏ vậy, chưa hiểu chuyện nhưng hay nhạy cảm lắm. Là mẹ chẳng ai muốn lúc nào cũng đóng học phí muộn cho con bao giờ...".
Chị Uyên cho biết, ngoài sự ủng hộ của mạnh thường quân những ngày vừa qua, mình cũng nhận được tin vui khi có người thân trong nhà đứng ra giúp đỡ tiền học của con. Từ nay, chị sẽ không phải lo lắng cảnh đưa con đi học nhưng phải nghỉ học vì xấu hổ khi bạn trêu đóng tiền học phí muộn nữa.
Hiểu Đan - Ảnh: Gia Đoàn