(Tổ Quốc) - Nữ sinh Đại học Thanh Hoa danh giá đã có quyết định khiến bố mẹ và họ hàng không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên quyết định đó lại giúp cô thành danh.
Vương Lệ Hồng sinh năm 1970, trong một gia đình tri thức giàu có ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, Lệ Hồng đã có năng lực học tập xuất sắc. Ông bà Vượng cũng hết lòng bồi dưỡng cho con gái.
Năm 16 tuổi, Lệ Hồng thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa - đây là ngôi trường tốp 1 Trung Quốc và châu Á. Sau khi tốt nghiệp, Lệ Hồng còn tiếp tục học lên bậc cao học. Không cần nói cũng biết, gia đình Vương tự hào như nào. Hầu hết mọi người đều cho rằng, Lệ Hồng sau này sẽ có công việc tử tế, hoặc đi theo con đường nghiên cứu, giảng dạy.
Thế nhưng đời khó ai ngờ. Cuộc sống của Vương Lệ Hồng hoàn toàn rẽ lối khi gặp gỡ Suma - du học sinh đến từ Uganda, một quốc gia ở châu Phi. Suma chia sẻ, quê hương của anh rất nghèo khó, vì vậy anh quyết định đến Đại học Thanh Hoa học tập để có cơ hội nâng cao kiến thức.
Ban đầu, Lệ Hồng và Suma chỉ là bạn bè, nhưng dần dần, sự đồng điệu về tâm hồn khiến cả hai tiến đến tình yêu. Sau đó Vương Lệ Hồng đã dẫn bạn trai về nhà ra mắt. Khi ông bà Vương nhìn thấy Suma liền sốc nặng và kịch liệt phản đối. Bà Vương khóc lóc bảo: "Con lấy chồng châu Phi thì mặt mũi bố mẹ để ở đâu? Cái nước đó còn nghèo nữa".
Để ngăn cản tình yêu, ông bà Vương quyết định cho Lệ Hồng sang Nhật Bản du học. Nhưng chẳng ngờ, Suma lại bay sang Nhật để học tập và làm việc cùng người yêu. Trải qua nhiều sóng gió, Vương Lệ Hồng kiên quyết lấy Suma bằng được. Ông bà Vương cũng đành chấp nhận. Năm 1996, Vương Lệ Hồng trở về Uganda, cùng xây dựng quê hương với chồng.
Cuộc sống hiện tại của nữ sinh Thanh Hoa năm ấy thật bất ngờ
Khi mới đến Uganda, Vương Lệ Hồng khá sốc với tập tục, văn hoá nơi đây. Chẳng hạn như bố chồng cô có hàng chục người vợ, hay mọi người đều ăn bốc. Cũng may Suma yêu vợ nên đã luôn nấu đồ ăn Trung Quốc cho cô.
Cặp đôi sinh sống hạnh phúc và có 3 người con. Thấy trẻ em địa phương có điều kiện học hành kém, Vương Lệ Hồng đã mua một ngôi trường và tự mình làm hiệu trưởng, chủ yếu dạy tiếng Trung cho các em. Ngôi trường có tên THCS Lục Dương Tử. Tại đây, Vương Lệ Hồng đã truyền bá văn hóa Trung Quốc và dần mở rộng quy mô trường học.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của Vương Lệ Hồng, người dân ở nhiều nơi trên lãnh thổ Uganda đã bắt đầu học tiếng Trung. Các phương tiện truyền thông địa phương cũng đưa tin và công nhận những đóng góp của cô cho trẻ em châu Phi.
Không chỉ vậy, hãng truyền thông BBC của Anh cũng thực hiện một phóng sự đặc biệt về Vương Lệ Hồng. Từ một nữ sinh đại học Thanh Hoa đến hiệu trưởng trường trung học ở châu Phi. Có thể nói, cuộc đời của Vương Lệ Hồng quá thần kỳ.
Thanh Hương