(Tổ Quốc) - Những ám ảnh từ quá khứ khiến nữ diễn viên dù ngoài mặt vui vẻ, lạc quan nói cười nhưng sâu trong tâm hồn là sự tự ti, sợ giao tiếp.
Trần Kiều Ân là một nghệ sĩ Đài Loan nổi tiếng, từng nổi danh khắp châu Á với những bộ phim kinh điển, gây ấn tượng với khán giả. Mỗi bộ phim cô đóng đều là những câu chuyện tình yêu ngọt ngào, hoàn hảo. Cô được biết đến là nữ hoàng của phim thần tượng, nhìn bề ngoài cô rất lạc quan và vui vẻ, nhưng bên trong Kiều Ân rất kém khoản giao tiếp với người khác. Cô sợ phải làm việc đó.
Ký ức "giáo dục gậy gộc" và ám ảnh lúc trưởng thành
Trần Kiều Ân sinh ra trong một gia đình nghèo khó, với tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề, cô không hề được đối xử công bằng. Thời đi học, đồng phục có bị rách thì mẹ cô cũng chỉ khâu vá lại là xong chứ không mua mới. Ký ức "giáo dục gậy gộc" của mẹ cũng đã gây ra cái bóng thời thơ ấu cho cô. Trần Kiều Ân cực kỳ tự ti, chính điều này đã hình thành nên tính cách cô độc, khép mình của cô thời niên thiếu. Tính cách tự cô lập chính mình khiến cô bị bạn học bài xích, hắt hủi, lạnh nhạt.
Trong cuộc phỏng vấn "Khoảng cách rất yên tĩnh", Trần Kiều Ân đã thẳng thắn nói: "Tôi không có cảm giác an toàn từ khi còn nhỏ. Tôi luôn sống trong sợ hãi. Tôi không biết nói chuyện với mẹ như thế nào. Tôi sợ mẹ sẽ mắng tôi". Cô mô tả giọng nói của mẹ mình là "thanh âm của ma quỷ", cô kể trong tình trạng căng thẳng và rất lo lắng.
Không có gì có thể làm một đứa trẻ gục ngã như sự cô lập và tự ti. Vì thế, thành tích học tập của cô ngày càng tệ. Mãi cho tới khi tốt nghiệp cấp ba, Trần Kiều Ân không có nổi một người bạn, tính cách lập dị như cô cũng chẳng có nổi một mối tình nào. Những cảm xúc tồi tệ của người mẹ giống như một quả bom hẹn giờ, đã được cấy vào trái tim của Trần Kiều Ân từ khi còn nhỏ. Mặc dù sống rất tốt ở tuổi trưởng thành, nhưng cảm giác tự ti bị chôn vùi trong tim sẽ luôn xuất hiện và làm tổn thương cô.
"Điều kinh sợ nhất thế giới là một khuôn mặt giận dữ"
Hồ Thích (nhà ngoại giao, nhà triết học Trung Quốc) nói trong cuốn "Mẹ tôi" rằng "Điều kinh sợ nhất thế giới là một khuôn mặt giận dữ". Tức giận là một cảm xúc phổ biến khi chúng ta ước rằng, mọi thứ không nên xảy ra.
Tiến sĩ Joseph Shrand, giảng viên môn Tâm thần học tại Trường Y Harvard nói: "Chúng ta thường tức giận bởi vì muốn con mình ngừng làm cái này hoặc muốn làm cái kia. Ví dụ: Tôi ước con mình nói sự thật đêm qua nó đã ở đâu". Đây là những hành vi mà cha mẹ mong muốn con cái thay đổi, có thể dẫn tới một cơn tức giận bộc phát. Trên thực tế, việc la mắng con cái không mang lại hiệu quả như cha mẹ nghĩ, trái lại nó gây ra những hệ luỵ tiêu cực.
Khi tức giận và la hét, chúng ta đang xem mình như một cái búa và mọi người xung quanh là cái đinh. Trong tình trạng như vậy, con cái giống như kẻ thù chứ không phải là một người đang được yêu thương. Các nghiên cứu cho thấy các bà mẹ thường xuyên trách mắng con cái về lâu dài sẽ dẫn đến vấn đề về tâm lý cho trẻ, thậm chí sẽ xuất hiện các rối loạn về tâm lý, trẻ trở nên không tự tin, cảm thấy tự ti thậm chí tự kỷ.
Khi tức giận, thay vì la mắng con cái, cha mẹ nên làm gì?
Bước đầu tiên để xua tan cơn tức giận chính là việc bản thân cha mẹ nhận ra mình đang tức giận. Tiến sĩ Shrand nói: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".
Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:
- Hít thở sâu.
- Đếm ngược.
- Chạy tại chỗ.
- Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.
- Đặt tay dưới vòi nước chảy.
- Cố gắng cười.
Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.
Hiểu Đan