(Tổ Quốc) - Người cho rằng chỉ là thói quen không đáng bị chỉ trích, người lại nhận định đây là kiểu cố tình thể hiện cá tính. Không ai chịu ai, câu chuyện vẫn đang gây tranh cãi.
Số thị phi đúng là đeo bám Chipu không rời, dù đã quyết định tạm dừng hoạt động nghệ thuật, qua học tập tại xứ sở cờ hoa nhưng chỉ 1 buổi livestream cũng đủ khiến dân tình dậy sóng. Lần này bắt nguồn từ cách nói chuyện nửa Tây nửa ta, nói tiếng Việt chêm đủ từ tiếng Anh vừa khó hiểu vừa buồn cười. Từ đó, trend lypsync "make it complicated" và "enjoy cái moment" được hình thành và được lan truyền rộng rãi.
Cụ thể, Chi Pu đã chia sẻ: "Qua đây làm này làm kia nè, nhưng mà thôi sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người phức tạp hóa lên) nên là mình cứ enjoy cái moment này (tận hưởng khoảnh khắc này)... Mình sẽ nói chuyện với mọi người nhiều hơn, tương tác với mọi người nhiều hơn và có những hoạt activities (hoạt động) nào đó thì Chi sẽ show (công bố) cho mọi người...".
Nhiều người bênh vực thì cho rằng đây chỉ là thói quen. Người khắt khe hơn thì nhận xét nữ ca sĩ sinh năm 1993 "mất gốc", cố thể hiện cá tính. Đáng nói, thói quen pha lẫn tiếng Anh - tiếng Việt khi giao tiếp không chỉ có mình Chipu mà trước đó, Mỹ Anh - con gái diva Mỹ Linh cũng từng "khơi mào" những tranh cãi trái chiều khi phát biểu trên sóng truyền hình. Nói về ý tưởng cho bài biểu diễn, nữ ca sĩ bày tỏ: "Nhân vật của em là một chiến binh, em muốn represent (đại diện) được cái culture (văn hóa) của em là người Việt Nam".
Thực ra vấn đề này không mới, nó đã tồn tại từ khá lâu. Khi tiếng Anh ngày càng phố biến ở nước ta thì chuyện pha Anh - Việt trong giao tiếp cũng trở nên quen thuộc, nhất là trong giới trẻ.
Chêm tiếng Anh vào tiếng Việt: Khi nào có thể chấp nhận?
Vì sao nhiều người lại có cách nói tiếng Việt pha tiếng Anh như vậy? Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ. Có người làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ". Có người lại cố tập cách nói kiểu này để tỏ ra có cá tính...
Trong mắt những người khắt khe, người ta sẽ đánh giá cách nói như vậy là thiếu sự tôn trọng. Có những người làm việc trong môi trường phải dùng nhiều tiếng Anh nhưng khi tiếp chuyện một người Việt họ luôn ý thức phải nói tiếng Việt 100%. Đó là sự tôn trọng.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng: "Đừng quá quan trọng về sự tôn trọng. Chêm tiếng Anh vào tiếng Việt lúc nói chuyện cũng tốt và dễ hiểu. Ví dụ: Ok, No, Cancel, Thank you... có thể dùng mọi lúc mọi nơi. Bạn có dám chắc bạn chưa từng nói lẫn lộn hai ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp hay không?".
Đồng tình với nhận định này, cô Trần Thu Giang, giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, đồng thời có nhiều năm học tập và sinh sống ở nước ngoài chia sẻ: "Bản thân mình thấy việc thỉnh thoảng chêm vài từ tiếng Anh là bình thường. Nhiều lúc ngôn ngữ học nhiều tiếng Anh quá nên nói lồng vào tiếng Việt, đặc biệt nếu ai đi nước ngoài như mình thì thực sự là không phải cố ý hay tỏ vẻ để làm điều đấy đâu mà nó thành thói quen.
Tuy vậy phải ý thức việc mình dùng trong hoàn cảnh nào. Cùng một cách nói nhưng trong quá trình dạy học, giao tiếp thân mật hay công việc thì có thể không sao nhưng với người lớn đôi khi sẽ xảy ra mâu thuẫn. Vậy nên bản thân người nói phải biết tiết chế và chỉnh sửa thói quen để không bị quá đà".
Vlogger Giang Ơi, trong một clip của mình từng cho rằng: "Với mình, mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp cho nên khi bạn nói mà người nghe không hiểu được ý mà bạn vừa diễn đạt thì mục đích giao tiếp sẽ không đạt được. Bên cạnh đó, mình nghĩ chúng ta cần phải tinh tế một chút để xem trong hoàn cảnh đó bạn dùng tiếng Anh chêm vào tiếng Việt có phù hợp không hoặc có gây khó chịu cho người nghe hay không.
Việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt là rất phổ biến và bản chất thì không xấu. Nhưng dù bạn chêm tiếng Anh vào tiếng Việt vì bất cứ lý do nào mình gợi ý bạn nên để ý 2 điều này: đối tượng nghe và hoàn cảnh".
Hiểu Đan