(Tổ Quốc) - Mẹ ngạc nhiên khi gần đây có những người lớn bình thường vốn hay nói nhiều nhưng đến lúc cần phải lên tiếng thì họ lại chọn sự im lặng, chắc họ nghĩ im lặng là vàng chăng?
Người ta bảo: "Nói là gieo. Nghe là gặt". Cổ nhân cũng bảo: "Im lặng là vàng". Đúng là im lặng có giá trị của nó thật đấy. Con không cần phải cãi nhau tay đôi với người nói xấu con. Con cũng không cần phải đấu khẩu với những người chỉ thích chỉ trích, dạy dỗ. Con càng không cần khoe thành tích hay vỗ ngực nhận mình giỏi.
Nhưng có những việc con cần phải lên tiếng, đừng im lặng và nghĩ rằng đó là... vàng
Đó là khi con làm sai điều gì đó, con nhất định phải biết mở miệng ra xin lỗi.
Đó là lúc những người có liên quan đến con cần 1 lời giải thích 1 việc do hành động của con trong quá khứ gây ra, con buộc phải lên tiếng. Nhận lỗi là việc đầu tiên con nên làm. Cách khắc phục là việc tiếp theo con nên xử lý. Xin lỗi càng cần kíp để thể hiện nhận thức của con đã hiểu được mình sai như thế nào.
Hôm qua con đánh vỡ chiếc tivi mới mua về, mẹ về nhà thấy lanh tanh bành lên. Mẹ không biết là con mèo nhảy làm đổ hay là con làm vỡ. Mẹ cáu vô cùng. Chiếc tivi bằng cả tháng lương của mẹ. Nhưng khi mẹ hỏi đến con 1 mực im lặng. Con chỉ nói rằng: "Mẹ xem con có thể làm vỡ chiếc tivi được không?". Mẹ không biết. Tivi đã vỡ, dù mẹ không thể làm cho nó lành lại, nhưng mẹ cần 1 lời giải thích, mẹ muốn biết sự việc là gì, nếu là do con mẹ cần 1 lời xin lỗi.
Con im lặng từ bấy đến giờ khiến mẹ sau 1 hồi gào thét vì tiếc tiền, vì giận dữ mẹ đã nghĩ: Có lẽ không phải do con rồi. Có lẽ là con mèo nhảy lên và mẹ có phần trách con sai chăng? Mẹ nghĩ rằng con đã buồn lắm. Vì thế, mẹ mới xuống phòng ôm lấy con và nói: "Mẹ xin lỗi, chắc mẹ sai rồi. Không phải tại con đâu mà mẹ cứ ép con phải nói, phải nhận tội". Thế là con òa khóc lên như 1 đứa trẻ: "Mẹ ơi là con làm đấy, con đá bóng vào chiếc tivi. Con xin lỗi mẹ. Con chỉ đang muốn tìm 1 lý do hợp lý hơn để giải thích. Con sợ mẹ mắng nên con im lặng".
Mẹ vừa giận, vừa thương. Hóa ra sự thật cũng chẳng phải như mẹ nghĩ, con là người gây ra nhưng lại ngoan cố như mình không liên quan, con còn dám hỏi ngược lại mẹ như thể con là người không liên quan cơ mà.
Mẹ cũng thương vì con chỉ là 1 đứa trẻ, có nhiều việc con cũng chưa thể kiểm soát chính mình. Mẹ không nói gì nhiều, nhưng nước mắt giàn giụa. Lúc này mẹ không tiếc chiếc tivi mới nữa, mà mẹ khóc vì sợ sau này con sẽ là 1đứa trẻ cứng đầu, không dám nhận trách nhiệm, không biết nhận tội dù mình sai.
Mẹ muốn nói với con rằng cuộc đời nay ai cũng có thể có sai lầm. Mẹ cũng đã trải qua nhiều sai lầm. Vì thế đòi 1 đứa trẻ như con phải toàn mỹ là chuyện không tưởng. Nhưng điều mẹ muốn là chúng ta phải nhận ra lỗi lầm của mình và biết nói lời xin lỗi, biết chịu trách nhiệm.
Mẹ vì yêu con nên đã mở miệng ra xin lỗi con trước, dù lòng mẹ rối bời. Có 1 lần mẹ sợ bố giận khi hôm đó mẹ quên đón con, bác bảo vệ nói rằng không còn ai trong trường. Việc tày đình thật, nhưng mẹ phải mở miệng ra để cả bố và mẹ cùng đi tìm con, như thế sẽ "dễ chữa" tình huống hơn là chỉ có 1 mình mẹ. Chúng ta không nên nói quá nhiều, không nên nói những điều chúng ta không có. Nhưng khi cần thiết chúng ta phải biết mở miệng ra, người khác cần mình nói, cần mình chịu trách nhiệm...
Không ai biết con nghĩ gì, con đúng hay sai. Nhưng trước những câu hỏi cần phải giải thích, phải trình bày con phải lên tiếng, nhiệm vụ của con là phải mở lời. Bởi con biết không, điều con không nói làm cho tình thế đẩy xa ra, cao trào lên đến đỉnh điểm hơn. Sự việc có thể tồi tệ hơn cho người khác và cho cả con nữa.
Sau này con mới nói với mẹ rằng khi con nói ra sự thật và nói lời xin lỗi với mẹ, con thở phào. Con đã ôm bí mật đó vài hôm và con thấy cắn rứt. Con nói không thể mua trả mẹ chiếc tivi mới ngay bây giờ. Nhưng con nhất định sẽ chơi cẩn thận hơn và sau này con sẽ nói ra những điều phải nói vì nếu giữ trong lòng con sẽ rất khó chịu. Và đúng là mẹ chỉ mong có thế. Con giờ còn nhỏ có thể còn chệch choạc chỗ này chỗ kia. Nhưng sau này làm người lớn trưởng thành hơn nhất định con phải biết im lặng và mở miệng đúng chỗ.
Mẹ không thích người nói nhiều, ba hoa, bốc phét nhưng khi cần phải biết nói những điều cần nói để thể hiện con đã biết chịu trách nhiệm với hành động của chính mình, với cuộc sống này.
Có nhiều người lớn họ dù bình thường nói rất nhiều, nhưng khi cần phải chịu trách nhiệm họ lại trở nên ít nói. Những người đó mẹ không phục đâu con.
Rồi con của mẹ sẽ lớn lên, chúng ta ước chỉ có thể nói về tình yêu, về lòng trân quý. Nhưng nếu 1 ngày con phải nói những lời con nói ra cảm thấy ngại ngùng, những lời giống như 1 sự thú nhận về phần xấu trong con người con, một lời xin lỗi, 1 lời giải thích... thì con nhất định phải nói ra. Đối mặt chính là giải pháp tốt nhất.
Đó mới là sự dũng cảm cần có, nếu không im lặng lúc này không còn là vàng nữa, mà có lẽ là đổ thêm dầu vào lửa bằng sự... im lặng đáng sợ đấy con.
ĐX