(Tổ Quốc) - Bên cạnh vấn đề chất lượng dạy và học thì chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi học đường là điều được các bậc phụ huynh rất quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài qua năm sau, các chương trình giúp tăng cường dinh dưỡng cho học sinh như Sữa học đường nhận được sự quan tâm, ủng hộ.
Những nỗ lực để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ từ học đường
Từ năm 2016 tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt triển khai chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học.
Cho đến nay, từ thực tế triển khai, những lợi ích mà chương trình SHĐ đem lại cho lứa tuổi học đường được đánh giá là rất tích cực.
Không chỉ gia tăng số lượng địa phương thực hiện, tỷ lệ tham gia chương trình của nhiều tỉnh/thành cũng đạt ở mức cao. Cụ thể như TP. Hà Nội từ năm học 2018 đến nay, đã có hơn 1 triệu học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đạt tỷ lệ hơn 91%, tỉnh Bình Định đạt 97% với 46.000 trẻ mầm non được uống sữa, Bà Rịa – Vũng Tàu là 100% và tỉnh Bắc Ninh là 99,3%.
Từ góc độ dinh dưỡng, đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết theo kết quả điều tra vi chất dinh dưỡng 2014 – 2015, trẻ em Việt Nam vẫn bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Qua một thời gian triển khai chương trình SHĐ, tình trạng thể chất của học sinh tại một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Tại Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi từ 26.9% năm 2013 đã giảm còn 23.6% trong năm 2020, số trẻ em tham gia chương trình ban đầu chỉ khoảng 11.000 học sinh nhưng sau 7 năm thực hiện đã tăng lên hơn 211.000 học sinh cho thấy sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh đối với chương trình.
Còn tại Bà Rịa Vũng Tàu, tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm rõ rệt từ 28.40% năm 2007 còn 18.90% năm 2020
Tại Việt Nam, Vinamilk là đơn vị tiên phong thực hiện chương trình sữa học đường từ năm học 2007-2008 tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Với 14 năm kinh nghiệm triển khai chương trình, từ góc độ doanh nghiệp, đơn vị này chia sẻ điều quan trọng quyết định chương trình thực hiện an toàn, hiệu quả chính là đảm bảo chất lượng sữa cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm khi tổ chức uống sữa cho học sinh. Muốn làm được việc này, ngoài đơn vị cung cấp thì đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.
Những lợi ích "đi kèm" nhưng không hề nhỏ của Sữa học đường
Năm 2020 đã đi vào những tháng cuối năm đầy biến động do đại dịch toàn cầu Covid-19 với sự sụt giảm về kinh tế, việc làm, thu nhập... Đại dịch này dự kiến sẽ còn dai dẳng đến năm sau. Những tác động đó được các tổ chức đánh giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng trẻ em.
Theo một báo cáo mới đây của Unicef, hơn 350 triệu học sinh ở các quốc gia đóng cửa trường học do Covid-19 có thể không được tiếp cận với các chương trình thực phẩm và dinh dưỡng trường học.
Còn tại Việt Nam, theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), ước tính đến cuối năm nay, số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Là một phụ huynh đang phải cân đối từng chút một trong chi tiêu của gia đình, chị Ngọc Quỳnh (huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết:
"Bình thường nhà tôi sẽ tốn ít nhất cũng đôi ba triệu tiền sữa cho hai bé mỗi tháng. Nay bé lớn đi học, chỉ tốn khoảng 60.000 đồng mỗi tháng mà còn được uống sữa chất lượng của thương hiệu lớn là Vinamilk. Thực sự là quá tiết kiệm cho ba mẹ.
Tôi biết đến Sữa học đường đã được Mỹ, Nhật thực hiện từ rất lâu, tôi rất phấn khởi vì nay ở Việt Nam nhiều nơi đã làm chương trình này".
"Việc tham gia Sữa học đường không chỉ giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao đề kháng, sức khỏe, mà còn tạo cho các con những nhận thức ban đầu về chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành manh, ăn uống khoa học. Những điều này sẽ có lợi cho bé về lâu dài", chị Mai Hồng, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết.
Nhờ thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ chi phí uống sữa, phụ huynh học sinh chỉ phải đóng góp một phần, chương trình SHĐ của Việt Nam đã giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình trong khi vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng từ sữa cho trẻ em.
Tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, … kinh phí uống sữa do địa phương và Vinamilk hỗ trợ hoàn toàn, phụ huynh không phải đóng góp thêm bất cứ khoản tiền nào để con em được uống sữa khi đến lớp.
Chương trình được thế giới ghi nhận
Sữa học đường đã được nhiều quốc gia thực hiện từ rất sớm. Với những lợi ích thiết thực và hiệu quả về sức khỏe, dinh dưỡng mà chương trình đem lại, từ năm 2000, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã chính thức chọn ngày thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hàng năm là Ngày Sữa học đường Thế giới để kêu gọi sự nhận thức về tầm quan trọng của sữa với độ tuổi học đường.
Trong bản thông cáo nhân ngày sữa học đường thế giới, Liên đoàn sữa thế giới (IDF) đã khẳng định lại về vai trò quan trọng của chương trình sữa học đường trong dinh dưỡng của trẻ em, góp phần giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng và khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ.
Đặc biệt, năm nay, trong khi đại dịch toàn cầu Covid-19 vẫn đang diễn ra, tác động trực tiếp đến các chương trình vì trẻ em thì Sữa học đường càng được tích cực hướng ứng để đảm bảo trẻ em được chăm sóc dinh dưỡng tại trường.
"Điều quan trọng chính là vai trò và sự đóng góp của chương trình sữa học đường đối với sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em được ngày càng nhiều quốc gia công nhận", bà Caroline Emond – Giám đốc Liên đoàn sữa thế giới nhận xét.
Quang Vũ