(Tổ Quốc) - Trẻ nhỏ giống như những miếng bọt biển. Chúng hấp thụ mọi thứ chúng ta làm, mọi thứ chúng ta nói.
Đối với trẻ nhỏ, học tập là một công việc đầy khó khăn và thử thách. Bởi khả năng tập trung, tự kiểm soát của trẻ tương đối kém, mà thế giới ngoài kia lại có quá nhiều niềm vui hơn là ngồi vào bàn học. Có thể lúc chơi game, xem TV,... trẻ thấy rất vui nhưng thực tế, khoảng thời gian quý giá của các em đang bị lãng phí. Các chuyên gia nuôi dạy trẻ gọi những niềm vui này là "hạnh phúc vụn vặt", có thể ảnh hưởng nhiều đến tương lai.
Trẻ mắc kẹt với "hạnh phúc vụn vặt", kết quả học tập sẽ sa sút
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cậu bé Tiểu Trí ở Trung Quốc phải chuyển sang học trực tuyến. Ban đầu, kết quả học tập của Tiểu Trí rất tốt, là niềm tự hào của gia đình. Vì để tiện cho việc học, bố mẹ cậu bé đã mua cho con một chiếc smartphone đời mới cực kỳ đắt đỏ. Tuy nhiên, việc học của Tiểu Trí ngày càng sa sút.
Ban đầu, gia đình ngỡ việc học trực tuyến chính là nguyên nhân khiến con tiếp thu bài vở kém. Nhưng một lần đi kiểm tra, người mẹ mới phát hiện con đang say sưa chơi game trong giờ học. Sau đó, chị thấy điện thoại của con đầy ắp các trò chơi. Vốn dĩ bố mẹ Tiểu Trí mua điện thoại để giúp con học tốt hơn nhưng cũng vì thiếu giám sát chặt chẽ nên mới xảy ra hậu quả.
Thực tế, niềm vui của trẻ hầu hết đều là chơi game, nghịch thiết bị điện tử. Niềm vui đó dễ dàng đạt được nhưng không mang lại lợi ích gì. Nếu cứ sa đà, niềm vui đó sẽ dần hủy hoại trẻ. Không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, mà còn khiến khả năng tư duy của trẻ bị giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy cha mẹ cần phải nghiêm khắc, có biện pháp kỷ luật, không để trẻ chìm đắm vào "hạnh phúc vụn vặt".
Muốn chữa bệnh, phải chữa tận gốc. Để con cái không mải chơi thì trước hết nền giáo dục gia đình phải thực sự tốt và bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ.
Nhiều cha mẹ chính là "thủ phạm" gây ra thói mải chơi của con
Trẻ nhỏ giống như những miếng bọt biển. Chúng hấp thụ mọi thứ chúng ta làm, mọi thứ chúng ta nói. Nếu cha mẹ làm việc chăm chỉ, cần mẫn, trẻ tự giác bắt chước theo. Ngược lại, cha mẹ mải chơi, thường nghịch điện thoại trong giờ ăn, giờ làm việc thì trẻ cũng có xu hướng "copy" lại. Trẻ không thể nào đứng lên làm bài tập, trong khi bố mẹ, người đang quát mình ra rả lại ung dung ngồi bấm điện thoại.
Vì vậy muốn con cư xử tốt, chính cha mẹ phải làm được điều đó trước. Sau khi chấn chỉnh lối sống của bản thân, bố mẹ cần xây dựng cho con thói quen kỷ luật, tự giác. Hãy giải thích cho con biết những tác hại của việc quá say mê vào các trò chơi, thiết bị điện tử, đồng thời giúp con lên thời khóa biểu, lịch trình sinh hoạt hàng ngày khoa học. Từ đó, con dần hình thành những thói quen tốt.
Cha mẹ cũng cần giúp con đặt ra mục tiêu cho bản thân như: đi ngủ đúng giờ, ăn uống điều độ, cam kết thời gian học tập và vui chơi rõ ràng.
Hãy dành thời gian hướng con đến những hoạt động bổ ích
Để con không sa đà vào smartphone, iPad,... cha mẹ có thể hướng con đến các hoạt động khác như đọc sách, các trò chơi giáo dục bổ ích,... Thực tế nhiều trẻ em thích xem TV, chơi game quá mức là bởi thiếu sự đồng hành sát sao của cha mẹ. Không cảm nhận được sự quan tâm của gia đình cũng là nguyên nhân lớn khiến trẻ mải chơi.
Cha mẹ hãy dành thời gian cùng con đọc những cuốn sách bổ ích, kể cho con nghe về các nhân vật lý thú. Khi có mối bận tâm mới, con sẽ không quá hào hứng với những trò chơi điện tử.
Thanh Hương