(Tổ Quốc) - Khi không muốn chia sẻ đồ chơi, trẻ có thể giận dữ, la hét và bố mẹ lúc này tỏ ra cau có, cho rằng con mình hư.
Biết sẻ chia là một trong những bài học nhân cách quan trọng đối với mỗi người. Hầu hết các bậc cha mẹ đều dạy con điều này từ tấm bé, chẳng hạn như học cách chia sẻ đồ chơi, tấm bánh, chiếc kẹo với bạn bè,...
Tuy nhiên, có một thực tế rằng: Không phải đứa trẻ nào cũng chịu chia sẻ đồ chơi hay món ăn ngon với bạn. Nhiều bé phản ứng dữ dội như khóc thét, quẫy đạp. Và lúc này, cha mẹ cần phải có cách dạy dỗ thật tinh tế, phù hợp với độ tuổi của con.
Chia sẻ không phải là điều mà mọi đứa trẻ đều có thể hiểu
Ở tuổi lên 3, trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu về khái niệm chia sẻ. Vậy nên bố mẹ nhiều khi có giải thích đến mấy thì cũng khiến con đưa đồ chơi cho bạn. Và những hành động của người lớn lúc bấy giờ sẽ khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc, khó chịu.
Chính vì vậy, hãy chờ đến khi trẻ lớn hơn, từ khoảng 5 tuổi trở lên - thời điểm trẻ đã phát triển hơn về tinh thần, cảm xúc, cũng như nhận thức thì bố mẹ hãy nói và dạy con cách chia sẻ với mọi người xung quanh.
Trẻ nghĩ rằng chia sẻ có nghĩa là mất hẳn món đồ nào đó
Một trong những lý do khiến trẻ nhỏ không hiểu được khái niệm chia sẻ là bởi chưa nhận thức được những khái niệm bản thân như một cá nhân riêng biệt. Khi có một món đồ chơi nào đó, trẻ sẽ giữ chặt lấy, coi như đó là vật thuộc sở hữu. Trẻ không ích kỷ, mà chỉ đang kiểm tra những khái niệm thuộc phạm trù cá nhân.
Ngoài ra, độ tuổi quá nhỏ cũng khiến trẻ không thể hiểu hết việc, có những thứ không thuộc về một mình trẻ. Một điều nữa khiến trẻ không chịu chia sẻ đồ chơi với các bé khác. Đó là sự hiểu nhầm rằng, cho bạn khác chơi chung một món đồ nào đó, đồng nghĩa là mất đi luôn món đồ đó.
Trẻ chưa thể kiểm soát cảm xúc của mình
Khi không muốn chia sẻ đồ chơi, trẻ có thể giận dữ, la hét và bố mẹ lúc này tỏ ra cáu có, cho rằng con mình hư. Nhưng thực tế, ngay đến người lớn cũng không thể giữ bình tĩnh khi gặp chuyện không vui thì há cớ gì bắt con trẻ luôn phải cư xử đúng trong mọi tinh huống. Nhất là khi trẻ còn quá nhỏ.
Trẻ nhỏ còn ích kỷ là một điều dễ hiểu. Nếu có một món đồ chơi đẹp thì chắc chắn trẻ sẽ không muốn cho ai mượn, dù chúng ta có thuyết phục cỡ nào đi chăng nữa. Trừ khi trẻ đã chán ngán với món đồ chơi đó rồi.
Muốn dạy cho trẻ sự chia sẻ cần phải có phương pháp đúng đắn
Đôi lúc, trẻ có thể chủ động chia sẻ một món đồ với bố mẹ. Tuy nhiên đây không phải hành động từ ý thức mà chỉ là sự khám phá, thử nghiệm. Với những trường hợp này, bố mẹ hãy lập tức tận dụng cơ hội để khen ngợi con một chân thành, dạy cho con biết hành động đó tuyệt vời như nào.
Nếu có ai đó lấy đồ chơi của con bạn, điều quan trọng là bạn cần quan tâm đến cảm xúc của con. Cho con biết, bạn hiểu con đang cảm thấy như nào, không thích ra sao khi ai đó lấy mất món đồ của mình. Bạn cũng có thể bảo con giữ chặt những món đồ của mình, bởi đó là quyền của con. Đối với đứa trẻ lấy đồ chơi, hãy hỏi, gợi ý bé về việc lấy món đồ chơi nay vào lần khác, thay vì chạy đến giằng lấy.
Hãy nhớ, đừng bao giờ ép buộc con phải chia sẻ đồ chơi với người khác, bởi điều đó có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, tổn thương tâm lý của con. Ở một giai đoạn nhất định, với những bài học nhất định, con sẽ hiểu được làm thế nào để chia sẻ.
Nguyễn Hưng